Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bất an với ‘giang hồ mạng’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bất an với ‘giang hồ mạng’

Lê Triết

Bất an với 'giang hồ mạng'

(KTSG Online) – Vụ tấn công mạng đối với báo điện tử VOV đến nay đã có một người vừa bị cơ quan công an khởi tố. Không chỉ mỗi người này, mà là cả một nhóm đối tượng có liên quan hiện vẫn đang được Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục điều tra làm rõ động cơ, mục đích của họ.

Theo báo chí đưa tin, đồng thời với việc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) khiến việc truy cập vào website vov.vn bị tê liệt, trang fanpage của báo VOV cũng nhận hàng chục ngàn bình luận mang tính tiêu cực, công kích. Cơ quan này đã liên hệ với Google và Facebook để xứ lý các vấn đề có liên quan.

Phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một vụ tấn công mạng, nhưng có vẻ như loại tội phạm này ngày càng lộng hành, sẵn sàng “đánh” bất cứ tổ chức, cá nhân nào vì những lý do không thể hiểu nổi, có thể chỉ là thấy gai mắt, không vừa ý họ; điển hình như “đánh” vào một cơ quan truyền thông, vốn là nơi để mọi người được quyền bày tỏ ý kiến. Ngoài vụ tấn công báo VOV thì ít ngày sau đó đến lượt báo Pháp luật TPHCM và báo Thanh Niên cũng bị tấn công bằng phương thức tương tự.

Các vụ việc nói trên được nhìn thêm ở một khía cạnh mới. Lâu nay, nhiều vụ tấn công mạng diễn ra có thể xuất phát từ những nghi vấn tranh chấp, xung đột lợi ích giữa tổ chức này với tổ chức kia, giữa quốc gia này với quốc gia nọ, thì nay có những vụ tấn công mạng chỉ với tính chất “dằn mặt”, “trả thù”, “đánh cho biết lễ độ”… Phải chăng, không gian mạng giờ đây đã hình thành thêm một dạng “xã hội đen”, một kiểu “giang hồ mạng”?

Đến đây lại liên tưởng đến những thái độ “anh chị”, những hành vi ngang ngược, côn đồ xảy ra nhan nhản ngoài đời thực. Chỉ cần thấy “ngứa mắt” là đánh, bị cho là “nhìn đểu” – đánh, không duyên không cớ cũng đánh; đòi nợ bằng kiểu thuê giang hồ tạt sơn, mắm tôm vào nhà người thân con nợ v.v. Tình trạng bạo lực chực chờ khiến xã hội trở nên bất an.

Thực ra, pháp luật đã có những điều khoản chi tiết để chế tài các đối tượng này, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà phạt hành chính hay phạt tù. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chẳng hạn sự thiếu vắng các nền tảng giáo dục nhân cách, uốn nắn xã hội, mà nạn bạo lực, côn đồ trong thực tế vẫn luôn đe dọa người dân hiền lành, lương thiện.

Và nay, nỗi bất an ấy đang tràn lên không gian mạng ngày càng nhiều. Đi cùng với điều đó là sự xuất hiện của những tay “anh chị”, những “giang hồ mạng”… Gọi đối tượng này với cụm từ nôm na như vậy vì hành động của họ không khác gì những kẻ cùng một loại ngoài đời thực, chỉ khác là họ “ẩn thân”, che giấu tung tích kỹ hơn trong thế giới ảo. Nhưng muốn “trốn” cũng không được, bởi sẽ có “người đi tìm”. Bằng chứng là một trong những kẻ tấn công mạng báo VOV vừa bị phát hiện, khởi tố.

Vụ tấn công mạng đối với báo VOV chỉ là khiến người ta giật mình hơn vì cảm nhận được sự việc nghiêm trọng, bởi đến nay đã lấn tới tấn công vào một tổ chức truyền thông, lại là một cơ quan nhà nước cỡ bự. Chứ thực ra hành vi tấn công trên mạng nhắm vào cá nhân hoặc những tổ chức quy mô nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm ăn thì diễn ra cũng khá nhiều. Hành vi tấn công trên mạng cũng diễn ra với nhiều dạng thức khác, chưa phải là với kiểu “đánh sập mạng”, nhưng cũng khiến nạn nhân điêu đứng, và nó đáng gọi là kiểu hành xử côn đồ theo cách bài viết này đề cập.

Có thể kể ra một vài kiểu hành xử của giang hồ mạng: hùa nhau vào các trang Facebook cá nhân để viết bài (status), bình luận (comment) tiêu cực về một người; sử dụng mạng xã hội có tính chất ẩn danh để phỉ báng, bôi nhọ; thuê hoặc huy động nhiều người cùng phe để vào đánh giá “1 sao” cho một fanpage, một trang mạng bán hàng, hay một app của tổ chức, cá nhân nào đó… Cứ tưởng rằng múa tay trên bàn phím có gì mà nghiêm trọng, nhưng thực sự là gây ra hậu quả nặng nề; đã có trường hợp tự tử vì sự bắt nạt trên mạng.

Cũng muốn nói thêm về việc các nền tảng mạng xã hội xây dựng tính năng cho điểm, đánh giá đối với các ứng dụng (app), các fanpage, hoặc các trang bán hàng… Mục tiêu có thể là để đo lường sự trải nghiệm hay mức độ hài lòng của người dùng, người sử dụng mạng xã hội. Nhưng thực tế cho thấy một tác dụng ngoài mong muốn đã xảy ra, nhiều người lợi dụng tính năng này để cho điểm thấp, đánh giá “1 sao” nhằm vào đối thủ cạnh tranh với mình, hoặc để “hạ bệ” những đơn vị mà họ không thích. Đây cũng là một dạng lợi dụng công nghệ để thực hiện những ý đồ xấu.

Trở lại với câu chuyện VOV và những “giang hồ mạng”, có thể cơ quan điều tra sẽ sớm tìm ra những thủ phạm còn lại cũng như phơi bày những mưu đồ, động cơ của họ. Các hình thức chế tài, xử phạt nặng sẽ là cần thiết để xem như là một bài học cảnh tỉnh cho những ai nghĩ rằng có thể giấu mình trong thế giới ảo và muốn tấn công ai thế nào cũng được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới