Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bất cập đào tạo, lao động và việc làm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bất cập đào tạo, lao động và việc làm

Bất cập đào tạo, lao động và việc làm
Người lao động các nơi đang đổ về Tây Nguyên làm thuê thu hái cà phê, trong ảnh là lao động chờ việc ở huyện Di Linh, Lâm Đồng – Ảnh: báo Đại Đoàn Kết

(TBKTSG Online) – Việc làm luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người, nhất là giới trẻ. Tạo việc làm, để mọi công dân đều được làm việc theo khả năng và ước muốn của mình, từ đó có thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước cũng là ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia. Ngược lại, thất nghiệp dẫn con người tới chỗ bần cùng, tuyệt vọng, gây ra bất ổn xã hội, làm tội phạm lan tràn.

Hiện nay ở nước ta, việc làm đang là một sức ép lớn. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có khoảng 1 triệu thanh niên bước vào thị trường lao động, khoảng nửa triệu thanh niên từ nông thôn di cư ra thành thị để tìm việc làm. Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Với khoảng 1,5 đến 1,6 triệu người bước vào tuổi lao động hàng năm cùng với lực lượng thất nghiệp lớn, chủ yếu là thanh niên, thì sức ép [việc làm] này sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Sức ép càng nặng nề do lao động tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng thấp. Cũng theo cơ quan nói trên, hiện nay việc làm giản đơn, không cần kỹ năng chiếm gần 40% tổng việc làm của cả nước. Ở khu vực thành thị tỉ lệ này là 18,1% nhưng khu vực nông thôn thì cao hơn rất nhiều, chiếm gần 50% tổng việc làm.

Chất lượng lao động kéo theo năng suất lao động cũng thấp và đó là một trong những nguyên nhân khiến tiền lương của người lao động khó được nâng lên. Theo thống kê, năm 2010 có gần 24 triệu người làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm 49% tổng việc làm trong nền kinh tế, nhưng năng suất lao động bình quân của khu vực này chỉ bằng 42,5% mức bình quân của toàn nền kinh tế và chưa bằng 25% năng suất lao động của khu vực công nghiệp, dịch vụ.

*
Đã có nhiều nỗ lực từ phía nhà nước và người dân để nâng cao chất lượng lao động, bằng chứng là trường đại học mở ra ở hầu hết các tỉnh thành và chuyện học hành của con cái trở thành mối quan tâm hàng đầu, là khoản đầu tư lớn nhất của mọi gia đình, giàu cũng như nghèo. Học không chỉ để bồi bổ kiến thức mà còn để lấy mảnh bằng, có một công việc làm tốt và rộng ra là có một địa vị nhất định trong xã hội. Tuy nhiên có một nghịch lý là học cao không có nghĩa là dễ tìm được việc làm.

Theo một bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lại kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách, thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 26,2% số cử nhân tốt nghiệp chưa hoặc không tìm được việc làm, 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu.

TS. Đào Thanh Trường – Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết, những sinh viên đã đi làm cũng gặp không ít thách thức, khi 61% nói mình thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và có tới 32% cho biết thiếu kiến thức chuyên môn.
*
Người đi làm thì chất lượng và năng suất thấp, người được học hành có bằng cấp thì không tìm được việc làm… bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” đã bao nhiêu năm vẫn chưa có lời giải. Làm sao để tạo được nhiều việc làm cho người lao động và chất lượng công việc ngày càng cao, tương ứng với sự phát triển kinh tế tri thức?

Anh/Chị có cao kiến gì xin mời đóng góp ở box bên dưới.

TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới