Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bất cập trong đầu tư công nghệ cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bất cập trong đầu tư công nghệ cao

Quốc Hùng

Bất cập trong đầu tư công nghệ cao
Một góc các nhà máy sản xuất tại khu công nghệ cao TPHCM -Ảnh minh họa: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đang gặp không ít khó khăn về việc mở rộng đầu tư cũng như đưa sản phẩm đến người tiêu dùng do thủ tục, chính sách.

Đây là những phản ánh của doanh nghiệp đang hoạt động tại SHTP tại buổi đối thoại với Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM diễn ra vào ngày 10-7.

'Trói' sản phẩm công nghệ cao

Vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo các doanh nghiệp, là một số sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới phục vụ cho ngành dược, sức khỏe con người hoặc ngành điện tử do các công ty đang hoạt động ở khu công nghệ cao TPHCM nghiên cứu chế tạo không thể bán rộng rãi, mà nguyên nhân có phần từ thủ tục hành chính.

Trường hợp như vậy đang xảy ra đối với Công ty TNHH Thế Giới Gen (GeneWorld). Công ty đã thành công trong việc nghiên cứu các sản phẩm từ công nghệ tế bào và tế bào gốc đáp ứng nhu cầu làm đẹp cũng như chăm sóc sức khỏe con người. Thế nhưng sản phẩm của doanh nghiệp này hiện vẫn chưa đưa ra được thị trường bởi chưa được cấp phép lưu hành.

Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Hội đồng thành viên của GeneWorld, nói rằng công ty đã đi gõ cửa khắp nơi mong hoàn tất thủ tục để đưa sản phẩm ra bán rộng rãi trên thị trường. Gõ cửa Bộ Y tế nhiều lần thì được hướng dẫn chờ xem xét thẩm định vì “sản phẩm mới quá” cần có thời gian. Làm đủ mọi thí nghiệm, tốn nhiều thời gian và tiền bạc nhưng đến nay công ty vẫn chưa có giấy phép lưu hành sản phẩm. “Nếu cứ để tình trạng xem xét chờ thẩm định này kéo dài thì công ty chúng tôi mất hết cơ hội kinh doanh cũng như khó có thể tồn tại”, ông Lễ bức xúc.

Theo ông Lễ, thực ra, việc ứng dụng tế bào gốc vào sản xuất ở các nước đã ứng dụng từ lâu, trong khi các bộ ngành có liên quan lại không cập nhật điều này. Mặt khác, SHTP với tiêu chí khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng sản phẩm, công nghệ mới trong sản xuất, trong khi sản phẩm của GeneWorld làm ra lại “ngâm” chưa được lưu hành.

Bức xúc này của ông Lễ cũng được ông Trần Nhật Phương, Giám đốc điều hành Công ty Bioland Nam Khoa chia sẻ. Ông Phương cho biết nhà máy công ty ông sản xuất ra sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán bệnh từ đầu năm nay, nhưng hiện nay do chưa có chứng chỉ hành nghề y dược, không có giấy phép lưu hành sản phẩm nên không thể đưa ra thị trường được, công ty phải tạm ngưng sản xuất. Ông Phương hy vọng các thủ tục đăng ký đơn giản nhanh gọn hơn để công ty có thể sản xuất trở lại và bán trên thị trường.  

Các doanh nghiệp bị vướng vấn đề trên mong muốn sớm có những hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng cho các sản phẩm y sinh và cần có những thông báo, quy định rõ ràng để doanh nghiệp biết phải làm gì.

Bà Lê Bích Loan, Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cũng thừa nhận tình trạng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chất liệu mới… vào sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường do phải chờ khâu thẩm định của các cơ quan chức năng.

“Siết” mở rộng đầu tư?

Bà Lê Bích Loan cùng ông Lê Thành Đại, Phó trưởng ban quàn lý khu công nghệ cao TPHCM trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp – Ảnh: Quốc Hùng

Một trở ngại khác mà các doanh nghiệp đang hoạt động ở khu công nghệ cao của thành phố phản ánh là họ đang bị “siết” lại việc mở rộng đầu tư, kinh doanh bởi chính sách không giữ phần ưu đãi cho phần mở rộng này.

Công ty TNHH Thiên Việt Kỹ Thuật (PROVINA) đang lo lắng về dự án đầu tư mở rộng của mình với số vốn đầu tư mới cao gấp 3 lần so số vốn đầu tư ban đầu tại SHTP, vì phần mở rộng này của công ty không còn được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như thành lập mới ban đầu.

Trường hợp này, bà Loan cũng thừa nhận là bức xúc chung của rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghệ cao TPHCM có ý định mở rộng đầu tư sản xuất trong thời gian qua, bởi quy định trong Nghị định 124/2008/CP.

Bà Loan cho biết SHTP đã phản ánh và kiến nghị vấn đề này lên các bộ ngành có liên quan để sửa đổi theo hướng cho doanh nghiệp có dự án mở rộng đầu tư vẫn được hưởng ưu đãi như ban đầu. Hiện nay không ít doanh nghiệp đang hoạt động có ý định mở rộng đầu tư muốn được hưởng chính sách cũ đã phải thành lập thêm một pháp nhân mới nhằm lách luật.

Các doanh nghiệp cho rằng các dự án đầu tư mở rộng không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là phi lý, bởi trên thực tế, so với các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng lại có khả năng triển khai cao hơn, công nghệ được nâng cấp hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư (năm 2005) quy định ưu đãi đầu tư cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư. Song, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định 124/2008/CP mới chỉ quy định ưu đãi cho doanh nghiệp thành lập mới, mà chưa áp dụng cho dự án đầu tư mới và mở rộng thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới