Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bắt đầu bằng những bước đi nhỏ, kiên định mục tiêu phát triển bền vững

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trên hành trình phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng những bước đi nhỏ, và điều quan trọng là kiên định với những hành động bền vững. Từ việc nhận thức rõ giá trị của hoạt động CSR, doanh nghiệp sẽ tạo ra những động lực để thay đổi và gắn trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Nội dung trên được ghi nhận tại Tọa đàm “Đầu tư cho những giá trị” nằm trong khuôn khổ sự kiện Lễ tôn vinh Saigon Times CSR 2022 do The Saigon Times, ấn phẩm báo điện tử tiếng Anh thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, tổ chức tại TPHCM ngày 30-11.

(Từ bên phải sang) bà Lâm Ngọc Thảo, ông Joseph Low, bà Holly Bostock, ông Lê Anh trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: L.Hoàng

Doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến CSR – trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Bởi, đồng hành cùng với sự phát triển của cộng đồng, sự phát triển bền vững của xã hội không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích thiết thực của doanh nghiệp. Sự đồng hành đó hình thành các giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp, góp phần tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên để biến CSR trở thành một phần không thể thiếu, hay nói một cách nôm na là ADN, của doanh nghiệp, đơn vị, không phải là một chuyện dễ dàng, bởi vì những nguồn đầu tư cho các hoạt động xã hội cộng đồng, dù mang nhiều ý nghĩa, nhưng nếu không được nhìn nhận và đo lường được tác động trực tiếp đến những gì doanh nghiệp đang làm thì việc đầu tư dễ bị hụt hơi hay mất đi tính lâu bền, đặc biệt khi khó khăn kinh tế diễn ra khiến nhiều doanh nghiệp phải nghĩ về những ưu tiên khác. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa định hướng và bắt đầu thực hiện các hoạt động CSR như thế nào?

Các khách mời trao đổi về phát triển bền vững bên lề sự kiện. Ảnh: LH

Từ câu chuyện thực tế là doanh nghiệp thu gom và tái chế rác thải nhựa, tại tọa đàm, ông Lê Anh, Phó tổng giám đốc phát triển bền vững Công ty TNHH Tái chế Duy Tân, chia sẻ cách làm từ chính ngành hoạt động của công ty và đang thực hiện hoạt động đó mỗi ngày là bảo vệ môi trường.

Cụ thể  trước đây, những chai nhựa thường được chôn lấp, trở thành rác thải ra môi trường hoặc tái chế thành các tấm pellet, bồn hoa,… thì giờ đây được Nhựa tái chế Duy Tân thu gom và tái chế thành những chai nhựa đạt tiêu chuẩn an toàn cao trên thế giới để cung cấp cho các doanh nghiệp. Với dây chuyền có công suất 30.000 tấn/năm, nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân có thể tái chế được khoảng 3 tỉ chai nhựa/năm giúp giảm thiểu rác thải nhựa vốn dẫn đến gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

“Chúng tôi đang hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng nhanh nhằm khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế. Một tín hiệu tốt là nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài xem đây là một phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phù hợp với xu thế toàn cầu và hưởng ứng ủng hộ”, ông Lê Anh chia sẻ, và cho biết hoạt động của công ty cũng được các sở ban ngành đánh giá cao. Ông hy vọng với ngành nghề hoạt động và chương trình CSR của mình sẽ giúp cho môi trường Việt Nam xanh sạch đẹp hơn.

Tại Heineken Việt Nam các chương trình CSR diễn ra xuyên suốt và rộng khắp cộng đồng và xã hội trong nhiều năm qua, nhưng tại Tòa đàm bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Việt Nam, còn chỉ ra việc thực hiện CSR từ ngay chính doanh nghiệp mình thông qua các chương trình hành động trong chiến lược phát triển bền vững.

Heineken Việt Nam tạo ra giá trị bền vững cùng với các đối tác của mình – từ nhà phân phối đến chủ nhà hàng, và tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, xã hội và môi trường.

Đáng chú ý, Heineken đang áp dụng mô hình “kinh tế tuần hoàn” trong hoạt động sản xuất nhằm góp phần làm giảm phát thải. Cụ thể, nhà sản xuất bia này đã tận dụng những chất thải là phụ phẩm, phế phẩm… sau khi chế biến nấu bia để cung cấp cho các nhà chế biến thực phẩm cho chăn nuôi vừa không phải xả thải ra môi trường mà còn nhận được khoản doanh thu.

Hay trong quy trình đóng gói, những vỏ chai sau khi bán ở nhà hàng, quán ăn được nhà máy thu lại nhằm tái sử dụng 20-30 lần, cho đến khi không thể sử dụng được nữa. Sau đó, nhà sản xuất bia này bán ngược các vỏ chai này lại cho nhà sản xuất thủy tinh để nấu lại thành vỏ chai… Hoặc các két bia nhựa, sau 5-10 năm sử dụng, Heineken cũng bán lại cho sản xuất két đó để tái chế. “Chúng tôi luôn tìm kiếm vòng chu trình khép kín trong sản xuất kinh doanh. Khi chúng tôi mua sản phẩm từ phía đối tác thì phía đối tác đó có thể tìm cách tái chế lại sản phẩm đó sau khi chúng tôi hết sử dụng”, bà Holly Bostock, chia sẻ.

Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: L.H

Ở góc độ là nhà phát triển bất động sản, tại Tọa đàm ông Joseph Low, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam, nhấn mạnh rằng phát triển bền vững là cốt lõi của chiến lược tăng trưởng và chuyển đổi dài hạn của Tập đoàn. Keppel Land cam kết thực hiện hoạt động kinh doanh của mình một cách có trách nhiệm và hiệu quả, đồng thời tuân thủ và đặt tiêu chuẩn cho các hoạt động kinh doanh của mình theo các tiêu chuẩn toàn cầu về phát triển bền vững.

Ngoài mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030, Keppel Land cũng đang góp phần tạo nên một môi trường xây dựng xanh, sạch với bộ giải pháp không gian đô thị thông minh, bền vững.

Đáng chú ý, Keppel Land Việt Nam cũng luôn nỗ lực hỗ trợ cộng đồng tại nơi doanh nghiệp hoạt động thông qua các hoạt động CSR, tập trung chủ yếu vào bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội.

Bằng việc vận dụng chuyên môn trong các giải pháp về nước của Keppel Infrastructure, một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Keppel, Keppel Việt Nam mang đến hệ thống máy lọc nước nhiễm mặn cho 20.000 người dân tại tỉnh Bến Tre, một trong những địa phương bị hạn hán và xâm nhập mặn hoành hành nghiêm trọng tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, Keppel Việt Nam cũng đã trồng 3.000 cây xanh cho Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, qua đó đóng góp vào mục tiêu 1 tỉ cây xanh của Việt Nam năm 2025. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng mực nước biển dâng cao và cách ứng phó với biến đổi khí hậu dành cho các em học sinh tại Phú Quốc…

Trên thực tế có hàng loạt cách làm CSR mà mỗi doanh nghiệp đã thực hiện. Thực tế cho thấy, CSR là khoản đầu tư trách nhiệm của doanh nghiệp để góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. Theo các ý kiến tại tọa đàm, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần có những hành động bền vững, bắt đầu bằng những bước đi nhỏ trước khi trở thành một doanh nghiệp lớn.

Xây dựng chiến lược CSR theo khía cạnh nào hay áp dụng tất cả các khía cạnh còn phụ thuộc vào tình hình nội tại của doanh nghiệp. Theo bà Lâm Ngọc Thảo, Chuyên gia tư vấn về tác động xã hội, mỗi doanh nghiệp khác nhau về đặc điểm kinh doanh, họ sẽ xác định thực hiện chương trình CSR khác nhau để đạt được mức độ trong nội bộ doanh nghiệp hoặc bao quát, rộng lớn hơn trong cộng đồng và xã hội,… Tuy nhiên, từ một hành động của mỗi doanh nghiệp thì sẽ tạo ra sự ảnh hưởng trong cộng đồng và xã hội…

Ông Phạm Hữu Chương (thứ 2 từ trái sang), Phó Tổng biên tập Saigon Times Group, trao đổi với các khách mời trước Lễ tôn vinh Saigon Times CSR 2022. Ảnh: Lê Hoàng

Có thể nói, doanh nghiệp đầu tư nguồn lực vào các chiến lược CSR, phát triển bền vững tạo ra tác động tích cực cho môi trường và xã hội. Mặt khác, những khoản đầu tư đó còn mang lại những giá trị rất lớn cho chính doanh nghiệp.

Theo bà Holly Bostock, là công ty sản xuất bia, Heineken Việt Nam thật sự thấy được những giá trị của các hoạt động của CSR và phát triển bền vững mang lại. “Là doanh nghiệp chúng tôi cũng xác định là một phần của cộng đồng để đóng góp cho xã hội và sản phẩm làm ra giúp cho người dùng tiêu thụ một cách thông minh và có trách nhiệm”, bà Holly Bostock nói, và cho rằng “Giá trị chúng tôi nhận lại được đôi khi là mặt tài chính, kinh tế, đặc biệt là chúng ta thường nói là nền kinh tế tuần hoàn. Dĩ nhiên, mọi người cũng sẽ có cái nhìn tốt hơn về thương hiệu và sản phẩm của Heineken”.

Bên cạnh đó, có nhiều nhân viên, bạn trẻ đến với Heineken khi nhìn thấy những hoạt động tốt đẹp từ các hoạt động CSR mà họ đã rất hào hứng và có nhiều động lự để làm việc. “Phải nói có nhiều giá trị mà chúng tôi nhận được thông qua các hoạt động phát triển bền vững. Và chúng tôi cũng muốn khuyến khích tất cả các doanh nghiệp hãy suy nghĩ về hành trình và chúng ta xem những giá trị một cách tổng quan hơn, thay vì nhìn vào câu chuyện chi phí”, bà Holly Bostock nói.

Giá trị mang lại từ các hoạt động CSR và phát triển bền vững được các doanh nghiệp thực hiện và các chuyên gia cho là khá rõ nét, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn loay hoay ở góc độ chiến lược cũng như thực hành cho vấn đề này.

Tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng có nhiều chiến lược để doanh nghiệp có thể tăng trưởng và phát triển bền vững. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp có thể sẽ có một hoặc một vài chiến lược phù hợp nhất định để áp dụng. Tuy nhiên, trên hết lãnh đạo của doanh nghiệp, hoặc tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc tích hợp sự phát triển bền vững vào chiến lược và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nói cách khác, doanh nghiệp cần nhận thức rõ giá trị của hoạt động CSR, từ đó tạo ra những động lực để thay đổi và gắn trách nhiệm của mình với cộng đồng thông qua các chương trình phát triển bền vững.

Saigon Times CSR 2022 tôn vinh 40 doanh nghiệp vì cộng đồng

Tòa soạn The Saigon Times, trực thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, tổ chức vinh danh 40 doanh nghiệp có nhiều đóng góp nổi bật cho cộng đồng – Saigon Times CSR 2022.

Ngày 30-11, Tòa soạn The Saigon Times, trực thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, tổ chức vinh danh 40 doanh nghiệp có nhiều đóng góp nổi bật cho cộng đồng – Saigon Times CSR 2022.

Theo ông Phạm Hữu Chương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Trưởng ban tổ chức chương trình Saigon Times CSR (Corporate Social Responsibility) 2022, sau hơn sáu tháng kể từ ngày phát động, Ban tổ chức chương trình Saigon Times CSR 2022, đã tiếp nhận gần 100 bài viết được gửi về từ các doanh nghiệp.

Trong số đó, gần 60 câu chuyện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan đến CSR đã được đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn như The Saigon Times và Kinh tế Sài Gòn Online.

Ban tổ chức đã chọn ra 40 doanh nghiệp với những hoạt động CSR ý nghĩa và ấn tượng để trao giấy chứng nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới