Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bắt đầu từ đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bắt đầu từ đâu?

Các khu đô thị mới mọc lên ngày càng nhiều khiến diện tích đất dành cho sản xuất bị teo tóp lại – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Việt Nam hiện còn khoảng 75% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Theo Phó giáo sư Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM: “Ruộng đất không chỉ là nền móng, là nơi diễn ra các quá trình sản xuất như đối với công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác, mà còn là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế được!”

Ông Tiến cho rằng ruộng đất lại là tư liệu sản xuất đặc biệt, bị giới hạn về số lượng, diện tích. Do đó, việc bảo tồn quỹ đất và không ngừng nâng cao độ phì nhiêu là vấn đề sống còn của sản xuất nông nghiệp.

Không định lượng, khó định hình!

Nhìn về đám ruộng sau nhà, ông Ba Đồng, ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An Đông (quận Bình Thủy, Cần Thơ) lắc đầu ngao ngán: “Cán bộ phường vô đo, vẽ hai lần rồi, nghe nói trúng quy hoạch gì đó. Nhà chỉ có tám công ruộng để sinh nhai, vái trời đừng có quy hoạch gì hết để còn đất mà làm ăn. Tui gần 70 tuổi rồi cũng chẳng sao, chỉ sợ mấy đứa con ôm mớ tiền đền bù xài ráo trọi rồi có nước ngồi khóc ròng!”.

Trên 30 năm nay bám mảnh đất này, cả gia đình năm người của ông Ba dù không giàu có gì nhưng luôn đủ ăn đủ mặc. Bởi vậy, ông nói thiệt, ai chê làm lúa chứ ông thì yêu vườn, mê ruộng lắm!

Nỗi lo mất đất của ông Ba Đồng là có thật và đang hiển hiện. Bởi theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài nguyên – Môi trường (Nguồn: báo Kinh tế nông thôn ngày 22-4-2008), từ năm 2001-2007 có khoảng 0,5 triệu héc ta đất nông nghiệp, chiếm hơn 5%, đã bị thu hồi để chuyển sang đất phi nông nghiệp, phục vụ cho đô thị hóa, công nghiệp hóa. Cũng theo bộ này dự báo, từ nay đến năm 2020-2025, có khả năng lấy tới 10-15% diện tích đất nông nghiệp và các loại đất khác để làm công nghiệp và dịch vụ.

Mới đây, Chính phủ đã chính thức yêu cầu các địa phương hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Biện phát này dù chậm, nhưng vẫn kịp thời, nhằm khai mào cho một chiến lược phát triển nông nghiệp sau nhiều năm bị “lãng quên”.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là hạn chế ở mức nào và các địa phương thực hiện như thế nào? Bởi ngay sau đó, khi phê duyệt đề án nông nghiệp đến năm 2020, lãnh đạo tỉnh An Giang dù vẫn đặt yêu cầu hạn chế lấy đất nông nghiệp màu mỡ để phát triển công nghiệp, khu dân cư, đô thị… nhưng vẫn sẽ “cắt” bớt khoảng 17.740 héc ta đất nông nghiệp vào năm 2010…

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ), để thực thi tốt chủ trương hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp, ngay từ đầu phải xác định diện tích cần tối thiểu ở mỗi địa phương để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa có thể xuất khẩu trên cơ sở tính toán khoa học.

“Nhưng đây là điều rất khó thực hiện. Bởi muốn làm được, chúng ta phải xem lại chính sách kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn ở một huyện, phải xác định đang có bao nhiêu dân, năm tới sẽ lên bao nhiêu. Rồi trong số dân đó, khả năng vài năm nữa sẽ có bao nhiêu người chuyển sang các lĩnh vực khác, bằng giải pháp cụ thể nào… Nhưng chúng ta chưa làm được cả những điều đó thì làm sao xác định được diện tích đất nông nghiệp cần thiết!”, ông nói.

Phó giáo sư Lê Quang Trí, Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ), thì cho rằng thực ra các địa phương lâu nay đã có kế hoạch về đất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở một số địa phương, do phát sinh điều kiện mới nên phải thay đổi quy hoạch. Nhưng những quy hoạch đó chừng nào xong thì không rõ!

Đúng là không thể phát triển nếu cứ “ôm” đất nông nghiệp, độc canh cây lúa mà phải dành đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ… Nhưng điều quan trọng là phải xác định “cắt, giảm” bao nhiêu, để rồi ổn định và có chiến lược phát triển.

Chuẩn bị tư liệu sản xuất – chưa ổn!

Từ năm 1994 đến nay, cứ bốn năm một lần, Tiến sĩ Dương Văn Ni lại phụ trách nhóm điều tra tại 450 hộ cố định ở Hòa An, phường An Bình (thành phố Cần Thơ). Kết quả cả ba lần điều tra đều cho thấy, nếu hộ nào có diện tích đất dưới 1,5 héc ta thì canh tác lúa không tích lũy được lợi nhuận. Trong khi tính bình quân hiện nay, mỗi nông dân ở ĐBSCL chỉ sở hữu từ 0,3-0,5 héc ta đất. Nếu vậy thì làm sao nông dân có thể tính chuyện làm giàu

Trước đây, khi kiến nghị những giải pháp phát triển nông nghiệp, ông Tiến cũng cho rằng, cần khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại theo phương thức có tích tụ, tập trung thêm vốn và đất đai. Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, cũng cho rằng: “Tại Mỹ, bình quân một nông dân quản lý 125 héc ta đất, ở Úc là 250 héc ta. Cần phải khuyến khích nông dân tích lũy đất, tập trung sản xuất hàng hóa”.

Một nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như thực tế hiện nay thì làm sao phát triển được hệ thống lưu thông, phân phối, dự trữ nông sản. Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, quy mô sản xuất nhỏ khiến nông hộ bị chia cắt là một trong những thách thức trong phát triển nông nghiệp, cản trở việc áp dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiến đến nền nông nghiệp công nghệ cao. Phần lớn các nông hộ chỉ sản xuất để “cứu đói” cho gia đình là chính vì diện tích đất quá ít.

Vì sao nông dân và một số thành phần kinh tế khác không tích tụ được đất nông nghiệp? Theo Giáo sư Xuân, một trong các nguyên nhân chính là do quy định về hạn điền, khống chế mỗi người chỉ được sở hữu không quá 3 héc ta đất. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng tập trung quá nhiều đất vào tay một số người giàu có, khiến nông dân nghèo mất dần đất đai.

Nhưng quy định này cũng góp phần duy trì một nền sản xuất manh mún. Giáo sư Xuân nói: “Nhà nước muốn giảm bớt tỷ lệ nông nghiệp, nhưng luật vẫn giữ hạn điền thì làm sao nông dân “rút” bớt khỏi nông nghiệp?”.

Một nghịch lý nữa là trong khi người dân không được phép có quá 3 héc ta đất để sản xuất nông nghiệp thì hàng trăm héc ta đất nông nghiệp màu mỡ có thể biến mất chỉ bằng một dự án! Như Cần Thơ, hiện đang xúc tiến quy hoạch khu công nghiệp Thốt Nốt có diện tích 1.000 – 1.200 héc ta, trong đó có tới 935 héc ta đất nông nghiệp! Còn ở Hậu Giang, chỉ riêng với dự án nhà máy giấy đã “nuốt” 200 héc ta đất màu mỡ ven sông Hậu…

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới