Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bất động sản phục hồi và kỳ vọng của những ngành phụ trợ

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ đã thành lập tổ công tác để gỡ khó cho bất động sản, một số chính sách cũng được nới lỏng hơn. Đây là những thuận lợi đầu tiên để thị trường này kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2023. Nhiều ngành khác như thép, xi măng, xây dựng… cũng đang thấp thỏm chờ bất động sản hồi phục vì chỉ khi ngành này “sống được” thì nhiều ngành phụ trợ mới có thể dễ thở hơn.

Vòng tròn tác động kinh tế của bất động sản

Với lịch sử khoảng 30 năm, ngành bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều biến đổi và trở thành yếu tố liên quan mật thiết đến sự phát triển của nền kinh tế, tác động đến hàng chục ngành nghề khác nhau.

Đầu năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã công bố kết quả nghiên cứu khoa học về “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam – vai trò và khuyến nghị chính sách”, cho biết bất động sản đóng góp 7,62% GDP quốc gia. Đây là ngành có vai trò đầu kéo, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành như xây dựng, du lịch, lưu trú – ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính – ngân hàng…

Báo cáo này được thực hiện bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản, tài chính – ngân hàng, quy hoạch và pháp lý. Các chuyên gia cho rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản tăng 1 tỉ đồng thì giá trị sản xuất của các ngành còn lại sẽ tăng 0,772 tỉ đồng.

Bất động sản đang có tác động lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh minh họa: DNCC

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch VNREA, 10 năm qua, bình quân mỗi năm Việt Nam xây mới 60 triệu m2 nhà ở, cung cấp chỗ ở, đặc biệt cho khu vực đô thị. Theo tính toán, mỗi năm thị trường bất động sản góp 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế, tương đương 10% thu nhập quốc dân và 3% tăng trưởng GDP.

Mảng bất động sản đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người dân.

Trước những diễn biến xấu của thị trường bất động sản trong năm qua, Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp, ngân hàng đang chung tay vực dậy thị trường. Trong đó, ngày 14-12-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp và đẩy nhanh xử lý vướng mắc; doanh nghiệp phải cơ cấu lại dòng tiền, sản phẩm… Tổ công tác của Thủ tướng thành lập hồi giữa tháng 11 đã làm việc, trao đổi trực tiếp với các địa phương và doanh nghiệp, tìm cách hướng dẫn về thực thi, thể chế, phân loại khó khăn vướng mắc của bất động sản.

Cùng với đó, hàng loạt giải pháp khác như nới room tín dụng từ 1,5 – 2%, thúc đẩy tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý dự án, đẩy mạnh sửa đổi Nghị định 65 để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp… cũng nhanh chóng được triển khai. Những giải pháp này không đơn giản là để giải cứu bất động sản mà còn là khơi thông thanh khoản cho một ngành có ảnh hưởng quan trọng đến sự tăng trưởng của cả nền kinh tế trong giai đoạn này.

Trong một talkshow về tài chính cuối năm 2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết tỷ lệ tác động lan tỏa của bất động sản là 1,3 – 1,4, tức là 1% tăng trưởng bất động sản sẽ tạo ra 1,3 – 1,4% tăng trưởng của nền kinh tế. Khi bất động sản gặp vấn đề, một nguồn vốn xã hội rất lớn sẽ bị chôn vùi, ảnh hưởng đến toàn bộ tăng trưởng kinh tế nói chung.

“Bất động sản đình trệ thì đừng nói đến tăng trưởng”, ông cảnh báo.

Nhiều ngành chờ tín hiệu tích cực từ bất động sản

Tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023” vừa qua, nhiều chuyên gia đã nhận định, từ quí 2 năm nay, thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, tăng trưởng kinh tế khả quan, tín dụng được khơi thông.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, một trong những tín hiệu tích cực nhất hiện nay là sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho bất động sản, tạo nên tâm lý yên tâm cho giới kinh doanh.

“Chúng tôi đánh giá động thái của Thủ tướng và các bộ ngành là hết sức quan trọng, chắc chắn sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại. Thị trường sẽ không bùng nổ như trước nhưng sẽ có tính ổn định cho sự phát triển chung”, ông Đính nói.

Trong giai đoạn bất động sản phục hồi vào năm 2016, Bộ Tài chính đã thu 171.000 tỉ đồng thuế, phí liên quan đến tài sản. Trong đó, có khoảng 148.000 tỉ đồng liên quan đến nhà, đất, cao nhất trong vòng 5 năm tính về trước. Doanh số khả quan trên thị trường bất động sản thời điểm ấy đã giúp ngành thép, xi măng, gạch xây dựng, nội thất, xây dựng… được hưởng lợi.

Rất nhiều ngành nghề trông chờ tín hiệu tích cực từ bất động sản. Ảnh minh họa: DNCC

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, hoạt động sản xuất các loại thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội… tăng trưởng mạnh nhờ bất động sản. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ thép đạt 8,4 triệu tấn, tăng 27,8% so với cùng kỳ, giúp nhiều doanh nghiệp ngành thép có lãi lớn. Ngành xi măng cũng đạt mức tăng trưởng hai con số, theo sau sự sôi động của địa ốc.

Với thị trường địa ốc trầm lắng như hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và tác động lan tỏa đến nhiều ngành nghề.

Trong đó, với ngành thép, các doanh nghiệp lớn trong ngành đã trải qua một năm kinh doanh ảm đạm bởi hoạt động xây dựng ngưng trệ, làm cho hàng tồn kho nhiều, giá giảm. Ngành xi măng cũng tương tự, như với Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp có chiếm 33% thị phần của ngành xi măng cũng phải chật vật thúc đẩy bán hàng. Tổng Giám đốc Vicem cho biết, cung – cầu mất cân đối do tình trạng dư cung lớn nên việc kinh doanh rất khó khăn.

Trong lĩnh vực xây dựng, các công trình ngưng trệ không chỉ gây khó khăn cho việc duy trì nhân sự để hoạt động liên tục mà còn khiến doanh nghiệp đối diện với tình trạng nợ đọng lớn. Theo khảo sát của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), phần lớn doanh nghiệp xây dựng có khoản phải thu từ khách hàng tăng kể từ đầu năm. Tình trạng này dẫn đến dòng tiền kinh doanh bị thâm hụt, một số đơn vị buộc phải tăng cường vay nợ để có tiền duy trì hoạt động.

Vì vậy, cũng như các lĩnh vực khác, mảng xây dựng đang trông chờ vào sự hồi phục của ngành bất động sản. Chỉ khi ngành này phát triển thì mới thúc đẩy sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề phụ trợ, tạo nên động lực phát triển chung cho nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới