Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bất ngờ tìm thấy “cha đẻ” máy tách vỏ cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bất ngờ tìm thấy “cha đẻ” máy tách vỏ cà phê

Cao Nguyên

(TBKTSG Online) – Ở Tây Nguyên, máy tách vỏ cà phê đã xuất hiện từ hàng chục năm qua vốn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành cà phê nhưng không ai đứng ra nhận là “cha đẻ” của loại máy này, nên từ trước đến nay, nó vẫn được xem là sáng chế chung của nông dân trồng cà phê. Tuy nhiên, mới đây một bất ngờ lớn đã xảy ra, “cha đẻ” của máy tách vỏ cà phê đã lộ diện sau mấy chục năm im hơi lặng tiếng.

>>Chuyện Hai Lúa miền Tây và chiếc máy gặt đập liên hợp

Bất ngờ tìm thấy “cha đẻ” máy tách vỏ cà phê
Ông Trương Diên Tỵ bên chiếc máy tách vỏ cà phê đã hoàn thiện. Ảnh: Cao Nguyên

Người viết gặp lão nông Trương Diên Tỵ (58 tuổi, trú tại thôn Trường Xuân, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) trong lúc ông đang loay hoay hoàn thiện chiếc máy tách vỏ cà phê để kịp giao cho khách vào buổi tối cùng ngày. Miệng nói, tay làm, ông thao thao bất tuyệt giới thiệu cho tôi nghe về sự thực dụng của chiếc máy này. Ông còn khẳng định, máy tách vỏ cả phê đang được bày bán trên thị trường hiện nay đều làm lại dựa trên "sáng chế" đầu tiên của ông.

Anh thợ rèn chân đất

Cứ tưởng ông “nổ” xíu cho vui cửa, vui nhà, tôi đành ậm ừ dạ vâng cho qua chuyện rồi bỏ đi làm việc khác. Nhưng khi hỏi ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường mới biết những gì ông Trương Diên Tỵ nói trước đó đều là sự thật. “Người dân ở xã này họ đều biết ông Trương Diên Tỵ đấy, vì ông ấy là người đầu tiên sáng chế ra máy tách vỏ cà phê mà. Chính tôi là người đã chứng kiến quá trình ông ấy làm chiếc máy tách nhân cà phê đầu tiên từ máy xay củ rong riềng, đó là những năm đất nước vừa giải phóng khi tôi đang còn là cậu học trò. Ông Tỵ là người đã làm ra nhiều cái rất hay khiến ai cũng phải thán phục” – ông Hà Phước Ta nói với tôi như vậy.

Tôi cố tình kiểm chứng thông tin trên bằng cách hỏi thêm năm người lớn tuổi khác ở các thôn Cầu Đất, Túy Sơn và Trường Xuân của xã Xuân Trường, họ đều khẳng định ông Trương Diên Tỵ chính là người đầu tiên đã sáng chế ra máy tách vỏ cà phê từ những năm sau giải phóng.

Thì ra, ông Trương Diên Tỵ đã gắn liền với nghề rèn gia truyền từ nhỏ. Quê gốc vốn ở làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) – một làng nức tiếng về nghề rèn từ thời nhà Nguyễn. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Xuân Trường, thuở nhỏ, ông Trương Diên Tỵ theo cha rong ruỗi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để rèn liềm, cuốc, xẻng… thuê để kiếm sống. Đến năm 15 tuổi đã trở thành thợ rèn lành nghề, được cha truyền hết bí kiếp nghề cơ khí, kể từ đó ông chuyên rèn liềm cung cấp cho người Pháp cắt trà ở các đồn điền tại Xuân Trường, Bảo Lộc, Di Linh…

Sau giải phóng, những đồn điền trà ở Lâm Đồng được chuyển cho người Việt tiếp quản, nhiều diện tích trà tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh… cũng được chuyển đổi sang trồng cà phê Arabica để nâng cao đời sống, khiến nhu cầu sử dụng máy móc trong sản xuất cà phê đòi hỏi ngày càng cấp bách.

Ông Trương Diên Tỵ đang gấp rút hoàn thiện một máy tách vỏ cà phê.Ảnh: Cao Nguyên

Làm trên 2.000 máy tách vỏ cà phê

Ngày nay máy tách vỏ cà phê chạy bằng điện hay gắn động cơ (thường là đầu máy cày kéo để quay trục) trở nên phổ biến khắp các buôn làng Tây Nguyên.

Nhìn mẹ già ốm yếu mà vẫn phải dùng sức lực để nện cối tách vỏ cà phê lấy nhân, ông Trương Diên Tỵ đã mày mò cải tiến chiếc máy xay củ rong riềng của gia đình mà trước đó hai cha con ông làm thành máy tách vỏ cà phê quay tay.

Tất cả các bộ phận đều được làm bằng gỗ, gồm một bộ đế để có định, thùng trên cùng dùng để đựng quả cà phê, khi quay trục gỗ tròn chạy cà phê trong thùng sẽ tự chảy xuống cọ sát làm dập quả sau đó đẩy ra ngoài. Với máy này, người sử dụng không chỉ ít phải tốn sức lực mà năng suất tách vỏ cà phê cũng tăng lên gấp 5 lần so với dùng tay giã cối như trước đó.

“Nghĩ thì dễ, nhưng để suy nghĩ trở thành hiện thực quả là một điều không đơn giản. Tôi đã nhiều đêm mất ngủ để thiết kế các bộ phận của máy làm sao có thể tách vỏ ra khỏi hạt đạt hiệu quả cao nhất” – ông Tỵ nói.

Thấy gia đình ông Tỵ có “cái máy lạ mà hay”, hàng chục hộ dân ở các xã Xuân Trường, Xuân Thọ (TP Đà Lạt) tìm đến đặt ông làm. Nhờ có máy tách vỏ cà phê xay tay mà vào buổi tối các thôn trong xã không còn cảnh người người, nhà nhà thắp đèn dầu bập bùng lộp cộp giã cối tách vỏ cà phê nữa.

Không lâu sau, một buổi đi hái cà phê trong rẫy, thấy dòng nước suối chảy róc rách dưới chân đồi, ông Tỵ liền nghĩ ra cách lợi dụng lực nước để thay sức người quay trục máy tách vỏ cà phê. Về nhà ông Tỵ rèn thêm một bộ cánh quạt gắn vào trục gỗ để khi sức nước chảy qua trục gỗ tự động quay mà không cần sự can thiệp của con người lại có thể tách vỏ cà phê tại rẫy.

Khi Xuân Trường có điện lưới, máy tách vỏ cà phê nhanh chóng được ông Tỵ cải tiến, nâng cấp lên một bước mới. Tất cả các bộ phận đều được ông thay thế bằng sắt để chịu được sức rung đập khi chạy bằng điện. Mới đây, ông Trương Diên Tỵ đã sáng chế thêm một bộ sàng, do đó khi máy hoạt động nhân và vỏ cà phê tách ra hai đường riêng biệt nên người sử dụng máy không còn phải tốn thời gian sàn vỏ như trước đây. Loại máy do ông Trương Diên Tỵ sáng chế có thể tách vỏ cà phê ra khỏi nhân đạt tới 90%.

Thấy máy tách cà phê của ông Tỵ sáng chế và sản xuất rất thực dụng, nhiều gia đình trồng cà phê ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh… nườm nượp tìm đến đặt ông sản xuất. Đến nay, ông Tỵ ước tính đã sản xuất trên 2.000 máy tách cà phê bán cho người dân trong và ngoài tỉnh với giá mỗi chiếc từ 7 – 10 triệu đồng. Ông còn hướng dẫn và truyền nghề cho nhiều thợ cơ khí tại Lâm Đồng sản xuất loại máy này để đáp ứng nhu cầu của hàng chục nghìn người trồng cà phê Tây Nguyên. 

Ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường, cho biết ngày nay đã có nhiều cơ sở sản xuất được máy tách vỏ cà phê nhưng máy do ông Tỵ sản xuất chất lượng vẫn vượt trội hơn hẳn, máy tách sạch, vỏ và nhân chảy ra hai đường riêng biệt.

“Rất tiếc là ông Tỵ đã không đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nên hiện nay quyền lợi của ông đã không được bảo hộ” – ông Ta nói. Riêng ông Trương Diên Tỵ thì chỉ cười hóm hỉnh, tâm sự rất nông dân: “Mình làm ra máy này cốt là giúp nhà nông đỡ khổ chứ có mong muốn thành nhà sáng chế, khoa học gì đâu mà đăng ký bản quyền”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới