Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Bắt tay” nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Bắt tay” nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Thái Ngọc

(TBKTSG) – Trong khi đa số nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, sau khi nghiệm thu, bị cho vào hộc tủ, thì vẫn có một số kết quả nghiên cứu trở thành sản phẩm thương mại.

“Bắt tay” nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Công ty TNHH Sinh Học Phương Nam được thành lập để thương mại hóa những kết quả nghiên cứu.

Người ngoài “bắt tay”

Một số kết quả nghiên cứu trở thành sản phẩm thương mại nhờ có sự đầu tư ngoài ngân sách hoặc từ nguồn tài chính của tác giả.

Năm 2005, PGS.TS. Bùi Minh Lý ở Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang (Nitra) thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) chiết xuất thành công hoạt chất sinh học fucoidan ở một đề tài nghiên cứu trong thời gian hai năm. Sau đó, ông Lý tiếp tục nghiên cứu sử dụng fucoidan để bào chế dược liệu hỗ trợ điều trị tích cực cho một số bệnh. Tuy nhiên sau nhiều năm, việc biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại vẫn… giậm chân tại chỗ.

Cho đến khi người nhà của ông Vũ Minh Tiến sử dụng fucoidan do Nitra chế tạo thấy có hiệu quả. Vốn là một doanh nhân trong lĩnh vực thực phẩm, ông Tiến nghĩ đến việc phát triển kết quả nghiên cứu này thành sản phẩm thương mại. Giữa năm 2008, ông có sự tiếp xúc đầu tiên với Nitra. Tám tháng sau, Công ty cổ phần Fucoidan Việt Nam được thành lập với sự góp vốn của nhiều tổ chức, cá nhân. Nitra là một cổ đông với tỷ lệ góp vốn bằng 5% vốn điều lệ. Góp vốn của Nitra bằng chính kết quả nghiên cứu, được định giá bằng số tiền ngân sách đã đầu tư cho quá trình nghiên cứu.

Đầu năm 2010, Fucoidan Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm đầu tiên ra thị trường. Ông Vũ Minh Tiến, Giám đốc Fucoidan Việt Nam, đang rất lạc quan về triển vọng thương mại hóa các sản phẩm của công ty.

Có một loại thuốc đã được sử dụng để hỗ trợ cắt cơn nghiện trong các trại cai nghiện tập trung hơn một năm qua nhưng chưa được phép bán rộng rãi. Đó là Heantos 4 (tên thương mại). GS.TSKH. Trần Văn Sung, Giám đốc Công ty Heantos, cựu Viện trưởng Viện Hóa học Việt Nam, cho biết đây là kết quả sau 17 năm nghiên cứu đầy tâm huyết và trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, đã có lúc có nguy cơ phải dừng lại vì thiếu kinh phí.

Nhờ một nhóm nhà đầu tư thấy triển vọng của sản phẩm nên đã hỗ trợ 2 tỉ đồng để hoàn thành việc thử nghiệm. Sau khi kết thúc thử nghiệm, Heantos được Bộ Y tế công nhận. Năm 2013, cùng với những nhà đầu tư góp 2 tỉ đồng trước đó, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đã bỏ thêm tiền cùng thành lập Công ty cổ phần Heantos.

“Không có những nhà đầu tư bên ngoài, nhóm nghiên cứu không mạnh dạn bỏ tiền túi ra để thành lập công ty, thì dù có được nghiệm thu xuất sắc, kết quả nghiên cứu cũng bị xếp vào hộc tủ như nhiều công trình nghiên cứu khác”, ông Sung nói.

Nhà khoa học tự thương mại hóa

Trong số 28 sản phẩm thương mại của Công ty TNHH Sinh học Phương Nam có 27 sản phẩm được thương mại hóa từ những kết quả nghiên cứu khoa học cấp viện, cấp sở và của các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí. TS. Võ Thị Hạnh, Giám đốc công ty Phương Nam, cựu Trưởng phòng Vi sinh nhớ lại, từ đầu những năm 2000, bà đã xin Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) thuộc VAST thành lập xưởng để sản xuất các chế phẩm từ những kết quả nghiên cứu bán cho các đơn vị bên ngoài. Đến năm 2009, khi lượng khách hàng gia tăng, xưởng không đáp ứng đủ nhu cầu sản phẩm, bà Hạnh nghĩ đến việc tìm địa điểm sản xuất quy mô lớn hơn.

Năm 2013, những nhân viên của phòng vi sinh nghỉ việc ở ITB cùng nhau thành lập công ty sản xuất, thương mại hóa những kết quả nghiên cứu của mình. Nhà máy Công ty Phương Nam đặt tại Khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường. Giá bán sản phẩm của công ty thấp hơn từ 5-10 lần sản phẩm ngoại nhập và chủ yếu bán sỉ cho các nhà bán lẻ.

Bà Hạnh chia sẻ trước khi nghiên cứu một đề tài nào đó, tiêu chí bà đặt ra là kết quả nghiên cứu phải ứng dụng được vào thực tiễn. “Chưa có kết quả nghiên cứu nào tôi không thương mại hóa được. Nếu không thương mại hóa được ngay sau khi nghiệm thu, tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện nó”, bà Hạnh nói.

Bà Hạnh giải thích việc các sản phẩm của nhóm nghiên cứu có giá rẻ là nhờ tài sản trí tuệ của tập thể công ty nghiên cứu, nguyên liệu chế tạo có sẵn trong nước và từ những phế phẩm, phụ phẩm của ngành nông nghiệp và các ngành chế biến khác. Theo bà Hạnh, sản phẩm của nhóm nghiên cứu không khác sản phẩm nước ngoài nhưng giá sản phẩm nước ngoài cao do chi phí vận chuyển về Việt Nam lớn, định giá tài sản trí tuệ cao và phần khác là do tâm lý sính ngoại của người bán cũng như người mua.

Bản quyền trí tuệ

Khi còn là xưởng sản xuất trong khuôn viên Viện ITB, bà Hạnh luôn trả tiền sở hữu trí tuệ cho viện qua doanh thu từ bán hàng. Từ khi ra thành lập công ty riêng, bà không còn trả khoản tiền ấy nữa. Bà Hạnh thừa nhận, đúng ra phải làm việc này, tuy nhiên, Viện ITB hay sở khoa học – công nghệ (KH-CN) không yêu cầu.

Vào tháng 5-2014, Sở KH-CN TPHCM chuyển giao kết quả nghiên cứu tận dụng nước thải sản sau chưng cất cồn để sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, cũng không yêu cầu trả tiền bản quyền.

Trong khi đó, ông Sung cho biết Viện VAST rất ủng hộ việc thương mại hóa sản phẩm Heantos 4. Về mặt bản quyền công nghệ, tác giả được quy định theo doanh số bán hàng ở từng mức cụ thể và có thời hạn trong năm năm, sau đó sẽ xem xét lại. Viện Hóa học cũng chấp nhận cho sử dụng trang thiết bị, lao động khoa học của viện, nhưng phải trả tiền trong quá trình phục vụ cho việc tiếp tục nghiên cứu sản phẩm này.

Với Công ty Fucoidan Việt Nam, bản quyền về công nghệ được định giá bằng 5% số tiền góp vốn vào công ty cổ phần này. Tương đương với số tiền ngân sách đã đầu tư cho việc nghiên cứu để ra được sản phẩm Fucoidan.

Ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN thuộc Bộ KH-CN, cho biết việc định bản quyền công nghệ, bản quyền trí tuệ bằng số tiền ngân sách đã đầu tư hiện nay là hợp lý. Dù hiện đã có những quy định hướng dẫn về việc định giá bản quyền công nghệ, bản quyền tác giả trong các kết quả nghiên cứu khoa học khi chuyển giao nhưng chưa được rõ ràng. Bộ KH-CN đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc này và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.

Ông Đào Minh Đức, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN TPHCM giải thích: “Về nguyên tắc, bên nào đầu tư tài chính thì bên đó là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, giữa người nghiên cứu và đơn vị đầu tư tài chính vẫn có thể có những thỏa thuận khác. Để sử dụng vào mục đích thương mại hoặc mục đích khác, nhà khoa học, kể cả doanh nghiệp bên ngoài có thể gửi công văn đến chủ sở hữu xin được sử dụng kết quả nghiên cứu”.

Thương mại hóa những… “sáng chế chân đất”

Đã có những công trình sáng chế mà các chủ nhân của nó tự bỏ tiền túi, tự mày mò nghiên cứu, tốn không ít thời gian và tạo ra được những sản phẩm phục vụ hữu ích cho đời sống.

1. Anh Nguyễn Uy Long Bảo, ở quận 9, TPHCM mất gần chục năm thai nghén và chế tạo hoàn chỉnh loại giường dành cho bệnh nhân nằm một chỗ. Ưu điểm của loại giường này là hai vạt giường thay phiên nhau đỡ người nằm phía trên, tránh để cơ thể tiếp xúc một chỗ lâu ngày gây hoại tử. Đặc biệt, việc thay tấm trải giường tránh dịch chuyển cơ thể bệnh nhân, giảm đau đớn cho họ.

Loại giường này đã được cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2010. Sau một năm thương mại, anh Bảo đã bán lẻ được khoảng 300 chiếc giường theo phương thức nhận đặt hàng, chuyển tiền, giao giường.

2. Anh Nguyễn Trọng Hào, một luật sư ở quận Tân Bình, đã bỏ ra không dưới 300 triệu đồng và hơn hai năm nghiên cứu, chế tạo máy đục khoan đa năng. Loại máy này có công dụng khoan tường gạch, bê tông mà không dùng điện. Khi dùng búa đập vào cán (đuôi) đục, lực tác động sẽ ép mũi khoan vào tường và làm xoay mũi khoan giống khoan máy. Tuy không thể nhanh bằng khoan máy nhưng dễ sử dụng và thích hợp với quy mô gia đình, với những công việc không cần phải khoan nhiều.

Với giá 200.000 đồng/đục, sau hai năm đã có hơn 20.000 sản phẩm được bán ra.

3. Bắt nguồn từ những trăn trở giải quyết các công việc nhà nông sao cho nhanh hơn, anh Nguyễn Hồng Chương ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã nghiên cứu, chế tạo ra nhiều dụng cụ như máy gieo hạt cho các vườn ươm rau quả, máy xay đất mùn, máy đóng đất vào vỉ xốp, đóng đất vào bịch nylon, đóng đất vào chậu…

Sau gần bảy năm, anh Chương đã bán được gần 1.000 máy các loại. Việc xuất khẩu máy ra nước ngoài bắt đầu vào năm 2010 khi anh bán được hai máy gieo hạt đầu tiên cho Malaysia, tổng trị giá 7.600 đô la Mỹ.

Cho tới nay đã có hơn 200 máy các loại của anh được xuất sang Malaysia, Lào, Đài Loan, Hồng Kông.

Từ nghề nông, anh Chương nay đã trở thành chủ Cơ sở Nghiên cứu ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương.

4. Nhưng không phải sáng chế nào cũng có bước đầu thành công như vậy. Như trường hợp của anh Lê Tiến Thắng (quận Thủ Đức, TPHCM) với thiết bị tiết kiệm gas. Thiết bị đã được bảo hộ độc quyền, đã bán được hơn 10.000 sản phẩm, tuy nhiên, có lúc anh Thắng phải ngưng sản xuất vì một số linh kiện nhập khẩu có giá quá cao. Mới đây, khi tìm được nguồn linh kiện thay thế, anh mới sản xuất trở lại.

Gần đây, anh Thắng cũng đã sản xuất, thương mại bộ cảnh báo rò rỉ gas – một sáng chế đang chờ được bảo hộ. Chức năng của thiết bị là khi phát hiện có rò rỉ gas, có khói, hoặc nhiệt độ trong bếp vượt quá 700 độ C thì sẽ tự động ngắt gas. Thiết bị còn có chế độ hẹn giờ tắt bếp. Theo anh Thắng, dù sản phẩm có nhiều tính năng, giá bán không cao, nhưng sau hơn một năm anh cũng chỉ bán được khoảng 1.000 bộ.

Hiện anh đang tiếp tục cải tiến để được chấp nhận rộng rãi hơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới