Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bầu chọn tân tổng giám đốc IMF: Cuộc đua giữa hai thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bầu chọn tân tổng giám đốc IMF: Cuộc đua giữa hai thế giới

Huỳnh Hoa

Bộ trưởng tài chính Pháp Christine Lagarde (trái) là ứng viên nặng ký nhưng chưa chắc được các nền kinh tế đang phát triển ủng hộ. Ảnh: Le Figaro.

(TBKTSG) – Sự kiện nguyên Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn từ chức sau khi dính vào một vụ ô nhục ở New York có thể là cơ hội để IMF cải tổ việc bầu chọn người lãnh đạo cho phù hợp với một trật tự thế giới mới, nhưng một lần nữa cơ hội ấy có thể bị bỏ qua.

Mặc dù tại hội nghị London tháng 4-2009, lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G-20) đã cam kết “một tiến trình công khai, minh bạch và dựa trên năng lực” để chọn người lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế, nhưng những diễn biến mấy ngày qua cho thấy châu Âu dường như vẫn cố cài người vào chiếc ghế mà ông Strauss-Kahn để lại.

Châu Âu cố đấm ăn xôi

Cho đến nay, nữ bộ trưởng tài chính Pháp Christine Lagarde tỏ ra là ứng viên nặng ký nhất sau khi nhận được sự ủng hộ của Anh và Đức. Báo chí phương Tây liên tục khẳng định bà Lagarde là người thích hợp nhất cho vị trí tổng giám đốc IMF. Mỹ và Nhật Bản chưa tỏ dấu hiệu sẽ ủng hộ một người Pháp nữa – người thứ năm – vào vị trí này.

Bà Lagarde có lợi thế là một thỏa thuận bất thành văn giữa Tây Âu và Mỹ tại hội nghị Bretton Woods năm 1944, theo đó Mỹ sẽ ủng hộ một người châu Âu lãnh đạo IMF chừng nào chiếc ghế chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) vẫn thuộc về một người Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng với một số lãnh đạo EU cho rằng, chỉ một người châu Âu, có quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo chính trị của châu lục này mới có thể lèo lái khu vực đồng euro ra khỏi khủng hoảng nợ đang đe dọa làm tan rã khu vực.

Tuy nhiên, sự chia đôi quyền lãnh đạo giữa Mỹ- Tây Âu chỉ phản ánh thực trạng kinh tế-chính trị của thời sau Thế chiến thứ Hai, nhưng lạc hậu với thực trạng kinh tế thế giới hiện nay, nhất là sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm dịch chuyển cán cân quyền lực kinh tế- tài chính từ phương Tây sang phương Đông, từ phía Bắc xuống phía Nam. Trong hoàn cảnh đó, tiếp tục duy trì thỏa thuận Mỹ-Tây Âu là thiếu tôn trọng phần còn lại của thế giới, cả về đạo đức lẫn về thực tế kinh tế. Nhà báo Lesley Wroughton của hãng tin Reuters bình luận, một thỏa thuận hậu trường giữa Mỹ và EU chọn ra một tổng giám đốc mới cho IMF sẽ xói mòn tính chính danh của tổ chức này, cũng như xói mòn cam kết của nhóm G-20 là tạo cho các nền kinh tế đang nổi lên có tiếng nói quan trọng hơn.

Tiêu chuẩn tân tổng giám đốc IMF phải là người có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo chính trị châu Âu còn có thể gây bất lợi cho chính châu lục này và cho cả IMF, theo một số nhà phân tích. Chính vì châu Âu đang khủng hoảng mà người lãnh đạo IMF cần phải là người “ngoài cuộc”, giàu kinh nghiệm và dũng cảm đương đầu với các nhà chính trị của châu lục chứ không phải là thỏa hiệp với họ.

Dưới thời ông Strauss-Kahn, IMF có xu hướng “nương nhẹ” các chính phủ châu Âu, đặt ra những điều kiện vay vốn lỏng lẻo hơn nhiều so với các gói cứu trợ mà IMF cung cấp cho các nước ngoài châu Âu, chưa kể hai phần ba tín dụng hiện thời của IMF là dành cho châu Âu, trong đó gói cứu nguy Hy Lạp trị giá 42 tỉ đô la Mỹ là khoản cho vay lớn nhất. Cách hành xử đó vừa che giấu những khuyết tật về điều hành tiền tệ của các nền kinh tế này, vô hình trung đã cản trở công cuộc cải tổ nền tài chính châu Âu, nghĩa là không trị dứt điểm được căn bệnh trầm kha của khối, vừa đi ngược lại truyền thống của IMF là hỗ trợ tài chính cho các nước ng hèo.

Về phương diện cá nhân, bà Christine Lagarde cũng đang vướng vào một vụ lùm xùm ở Pháp: các chính trị gia đối lập cáo buộc bà đã vượt quá quyền hạn vào năm 2007 khi ra lệnh bồi thường cho doanh nhân Bernard Tapie 285 triệu euro để chấm dứt một vụ tranh tụng kinh tế kéo dài 15 năm giữa Chính phủ Pháp và ông ta liên quan tới vụ ông Tapie cáo buộc ông đã bị ngân hàng Credit Lyonnais – bây giờ thuộc một phần sở hữu của chính phủ Pháp – lừa bán tập đoàn trang phục thể thao Adidas. Theo báo Telegraph, các công tố viên Pháp đã yêu cầu điều tra đầy đủ vai trò của bà Lagarde trong vụ này, và nếu như vậy việc đề cử bà Lagarde vào IMF sẽ gặp trở ngại lớn.

Cái khó của thế giới đang phát triển

Một số thành viên quan trọng của IMF như Trung Quốc, Nam Phi, Chile và Hàn Quốc đã đồng thanh đề nghị rằng người lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 11 của IMF nên là người đầu tiên không mang hộ chiếu châu Âu. Bộ trưởng tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam, Thống đốc ngân hàng trung ương Mexico Augustin Carstens, Thống đốc ngân hàng trung ương Brazil Arminio Fraga… đều tỏ ý sẽ ra tranh cử.

Các nền kinh tế đang nổi lên này chiếm bốn phần năm dân số toàn cầu, một nửa tổng sản lượng của thế giới, cho nên họ xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo IMF. Chưa kể rằng, với tư cách người hỗ trợ cuối cùng cho các nền kinh tế bị phá sản, IMF cần có nguồn vốn lớn và ổn định mà chỉ có các nền kinh tế mới nổi – với tốc độ tăng trưởng cao, thâm hụt ngân sách thấp và dự trữ ngoại tệ khổng lồ – mới có thể cáng đáng vai trò đó khi phương Tây vẫn ngập trong

Có điều, trong cuộc chạy đua với châu Âu vào ghế lãnh đạo IMF, các nền kinh tế đang nổi lên có một điểm yếu cố hữu: thiếu đoàn kết chung quanh một ứng viên duy nhất; mỗi khu vực châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latin đều có những yêu cầu khác nhau mà không hợp tác được với nhau.

Cho đến nay, Mỹ khá kín tiếng về việc bầu chọn tổng giám đốc IMF vì Washington đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu ủng hộ một ứng viên đến từ các nền kinh tế đang phát triển, Mỹ có nguy cơ đánh mất chiếc ghế chủ tịch World Bank – một điều có thể gây sóng gió ở Quốc hội Mỹ. Vì thế, bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner nói nước đôi rằng Mỹ đang thảo luận với cả các nền kinh tế đã phát triển lẫn các nền kinh tế đang nổi lên. Tuy nhiên, có lời đồn đoán rộng rãi ở Washington rằng, cuối cùng Mỹ cũng sẽ bỏ phiếu cho một ứng viên châu Âu. Dù sao, đến lúc này, lập trường chính thức của Mỹ được ông Geithner phát biểu là Mỹ ủng hộ một ứng viên giàu kinh nghiệm và được sự ủng hộ của tất cả các nhà tài trợ của IMF và một tiến trình chọn lựa minh bạch.

Cần công khai, minh bạch

Một cuộc bầu chọn công khai, minh bạch và dựa vào năng lực cũng là đề nghị của Trung Quốc, Úc và nhiều nước khác, phù hợp với cam kết của G-20 và yêu cầu mà IMF thường áp đặt cho các quốc gia muốn vay nợ, nhưng khó mà thực hiện được trong tình trạng phân cực hiện nay. Ứng viên từ các nước đang nổi lên sẽ khó mà giành được lá phiếu của Mỹ và châu Âu, trong khi ứng viên châu Âu cũng khó được các nước đang phát triển ủng hộ.

Do cơ cấu phân bổ quyền biểu quyết ở IMF vẫn lạc hậu, trong đó 48,3% số phiếu thuộc về Mỹ và châu Âu nên rất có khả năng bà Lagarde – được cho là có sự ủng hộ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương – sẽ vượt qua các đối thủ, có thể với một số nhượng bộ nào đó cho các nền kinh tế đang nổi lên. Tuy nhiên, cho dù như vậy, IMF vẫn cần thể hiện một sự đổi mới trong tư duy và tổ chức để cho thế giới thấy rằng họ thật sự nghiêm túc trong việc điều hành nền tài chính thế giới một cách minh bạch.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới