Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Bẫy nợ’ khí hậu đe dọa các nền kinh tế mới nổi

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chi phí vay trên toàn cầu tăng nhanh, làm suy kiệt nguồn lực tài chính của một số nền kinh tế mới nổi và dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu ngay đúng lúc họ cần tiền nhất để chống lại các tác động tàn phá của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Người dân Pakistan sơ tán trong trận lũ lịch sử vào mùa hè này. Pakistan là một ví dụ điển hình về rủi ro rơi vào “bẫy nợ” do biến đổi khí hậu. Ảnh: AP

“Bẫy nợ” khí hậu là một chủ đề chính tại các cuộc đàm phán của Hội nghị lần thứ 27 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập. Điều này một phần vì hội nghị được tổ chức bởi Ai Cập, một nước đang phát triển chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu, và một phần vì lãi suất toàn cầu đang tăng lên.

Theo Thủ tướng Shehbaz Sharif của Pakistan, người đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại COP27 tuần trước, sự hội tụ của các biến cố khí hậu có nguy cơ đẩy các nước đang phát triển vào “bẫy nợ”.

Các nước vay nợ nhiều khi lãi suất ở mức thấp hiện đang phải chật vật tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án giúp họ chống chọi tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt. Họ càng dễ bị tổn thương với chi phí vay cao hơn trong tương lai.

Pakistan, nước đã bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ do trận lũ lịch sử làm ngập 1/3 lãnh thổ đất nước vào mùa hè này, là một ví dụ điển hình.

Pakistan đã nhận được khoản vay 1 tỉ đô la Mỹ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp khắc phục hậu quả lũ lụt. Tuy nhiên, thiệt hại do lũ lụt lên đến 40 tỉ đô la Mỹ, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, và Pakistan đang có khoản nợ 3 tỉ đô la Mỹ đến hạn thanh toán vào tháng 6-2023, theo Bloomberg Economics.

Từ lâu, các nhà lãnh đạo của những nước dễ bị tổn thương nhất do các biến cố thời tiết lập luận rằng các nước công nghiệp phát triển đã thải phần lớn lượng khí carbon trong những thế kỷ qua, nên họ phải chi trả cho những dự án giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Nhưng cho đến nay, các nước giàu có đã không thực hiện được cam kết cung cấp 100 tỉ đô la Mỹ hỗ trợ chống biến đổi khí hậu hàng năm cho các nước đang phát triển.

Để huy động kinh phí cho các dự án khí hậu, các nền kinh tế mới nổi vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thị trường trái phiếu vì các khoản vay từ các nước riêng lẻ và các tổ chức tài chính chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của họ.

Chỉ có một số nước giàu cam kết đóng góp cho cơ chế bồi thường mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong đó, Đức dẫn đầu với 175 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Theo Thủ tướng Shehbaz Sharif, để tái thiết và sửa chữa cơ sở hạ tầng, Pakistan cần các khoản tài trợ bổ sung, chứ không phải thông qua các khoản vay và nợ bổ sung.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, chính phủ các nước đang phát triển cần hoàn trả hoặc đảo nợ khoảng 350 tỉ đô la Mỹ trái phiếu định danh đồng đô la Mỹ và đồng euro vào cuối năm 2024. Trong khi đó, trái phiếu đô la Mỹ do chính phủ phát hành từ 25% quốc gia trong Chỉ số nợ đô la có chủ quyền ở thị trường mới nổi của Bloomberg (EM Sovereign Dollar Debt Index) đang được giao dịch với mức chênh lệch từ 1.000 điểm cơ bản (10 điểm phần trăm) trở lên so với trái phiếu chính phủ Mỹ, được xem là dấu hiệu cho thấy rủi ro cao.

Rủi ro khí hậu chưa được phản ánh rộng rãi trong giá của các khoản nợ mới, dù các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại hơn về việc các sự kiện thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ trái phiếu của các nước đang phát triển.

Một phần của giải pháp có thể là các ngân hàng phát triển trên thế giới cần cho vay với chi phí thấp hơn, điều mà Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait đã yêu cầu tại COP27 vào tuần trước. Một công cụ tiềm năng khác, lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự chính thức tại COP27 là cơ chế xác định tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, có thể thúc đẩy các nước giàu, chịu trách nhiệm phần lớn cho lượng khí thải carbon trong lịch sử, chi nhiều tiền hơn để hỗ trợ các dự án chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Cho đến nay, chỉ có một số nước giàu cam kết đóng góp cho những nỗ lực này.

“Từ quan điểm của Nhóm các nhà đàm phán châu Phi, chúng tôi cần thấy sự hỗ trợ ngay lập tức cho những mất mát và thiệt hại trên lục địa châu Phi,” Barbara Creecy, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi, nói hôm 13-11.

Theo Jens Nystedt, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Công ty Emso Asset Management ở New York, bất cứ sự hỗ trợ tài chính nào cho phép một nước nghèo khắc phục hậu quả từ các biến cố thời tiết sẽ luôn giúp giảm rủi ro cho các khoản nợ của họ.

Ông nói các nước giàu phải có trách nhiệm nhiều hơn để đóng góp cho cơ chế bồi thường mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Nature Conservancy, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, đang vận động một chương trình hoán đổi nợ để tài trợ cho các dự án bảo vệ thiên nhiên. Những thỏa thuận hoán đổi nợ như vậy cho phép các nước đang phát triển tái cơ cấu nợ với lãi suất thấp hơn hoặc kỳ hạn dài hơn, với số tiền thu được sẽ được phân bổ cho các dự án “xanh” và bảo tồn thiên nhiên. Kể từ năm 2016, Nature Conservancy đã vận động thành công các giao dịch hoán đổi nợ như vậy cho các nước Seychelles, Belize và Barbados. Về tổng thể, các giao dịch hoán đổi nợ này giúp chuyển hơn 500 triệu đô la Mỹ nợ thành 230 triệu đô la Mỹ nợ phục vụ các dự án bảo tồn thiên nhiên.

Kristina Kostial, Phó giám đốc bộ phận đánh giá và chính sách chiến lược tại IMF, nhận định các công cụ này có thể cung cấp cơ hội thực hiện các khoản đầu tư khẩn cấp cho khí hậu ở các nước đang phát triển có không gian tài chính hạn hẹp .

Macky Sall, Tổng thống của Senegal, cho biết trong một bài phát biểu tại COP27 rằng các nước đang phát triển không chấp nhận việc phải gánh thêm nợ để tài trợ cho các dự án giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Ông nói: “Chúng tôi đang tự tài trợ cho các nỗ lực thích ứng với khí hậu khi chúng tôi là nạn nhân. Chúng tôi đang bị trừng phạt gấp đôi”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới