Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bay thời bão giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bay thời bão giá

Hãng Nok Air mới bắt đầu bay đến Việt Nam từ gần cuối năm 2007 nhưng nay đã phải ngừng đường bay Bangkok -Hà Nội do giá nhiên liệu cao

(TBKTSG) – Cơn bão giá mùa hè 2008 đã tan nhưng để lại hậu quả thật tai hại cho các hãng hàng không, hơn hẳn biến cố 11-9-2001 tại Mỹ. Một số hãng đã gãy cánh, nhiều hãng lâu nay luôn có lãi cao bây giờ bị lỗ nặng và nhiều hãng khác phải tức tốc áp dụng chế độ “chay kiêng”, trong khi khoản phụ thu nhiên liệu vẫn tiếp tục gây nhức đầu cho cả các hãng và hành khách.

Thách thức lớn nhất trong lịch sử

Do giá nhiên liệu tăng cao nên Vietnam Airlines đã bị lỗ khoảng 5 triệu đô la Mỹ trong nửa đầu năm nay dù vận chuyển được nhiều hành khách và hàng hóa hơn cùng kỳ năm ngoái. Cũng do giá nhiên liệu tăng mà mới đây hai hãng hàng không giá rẻ đã ngừng khai thác đường bay đến Hà Nội: hãng Nok Air (Thái Lan) ngừng bay từ Bangkok đến Hà Nội và hãng Cebu Pacific ngừng đường bay nối hai thủ đô của Philippines và Việt Nam. Nok Air mới bắt đầu bay đến Việt Nam từ gần cuối năm 2007 còn Cebu Pacific mới bay đến Hà Nội cách đây vài tháng.

Ở Canada, hãng giá rẻ Zoom bất ngờ phá sản hồi cuối tháng 8 vì bị các ngân hàng xiết nợ khiến hàng ngàn hành khách bị bỏ bơ vơ giữa các sân bay. Trước đó, những hãng lần lượt khép cánh bay gồm có Oasia Hong Kong Airlines của Hồng Kông, One Two Go của Thái Lan. Ba hãng chuyên kinh doanh mô hình “all business class” (chỉ có hạng ghế thương nhân) của Mỹ và Anh là MaxJet, SilverJet và Eon Airlines đều đã phá sản, chỉ còn hãng L’Avion của Pháp vẫn tiếp tục phát triển.

Giá nhiên liệu bay tăng quá cao khiến tạp chí chuyên ngành Orient Aviation (OAG) số tháng 9-2008 nêu nhận định đây là thời điểm “Thách thức lớn nhất trong lịch sử vận tải hàng không dân sự toàn cầu”.

“Tình hình rất đáng báo động, từ đầu năm đến nay đã có gần 30 hãng hàng không bị phá sản; các hãng hàng không Mỹ đã bị lỗ 5,9 tỉ đô la trong quí 2-2008”, ông Giovanni Bisignani, Tổng giám đốc Hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cảnh báo.

Theo giới chuyên ngành có khả năng sẽ có thêm 20 hãng nữa phá sản trong vài tháng tới đây. Mấy trăm hãng khác đang thi nhau giảm tần suất chuyến bay, hủy đường bay không sinh lợi, cho nghỉ bay những loại máy bay thế hệ cũ hao tốn nhiên liệu, tạm ngừng phát triển đường bay mới, sa thải hàng ngàn phi công, tiếp viên hàng không và nhân viên mặt đất.

OAG dự báo trong ba tháng cuối năm 2008 thị trường vận tải hàng không thế giới sẽ bị mất khoảng 60 triệu ghế do các hãng hàng không giảm 7% tổng lượng chuyến bay. Riêng các hãng hàng không Mỹ đã cho nghỉ bay 465 máy bay thế hệ cũ.

“Giá dầu vẫn còn ở mức trên 100 đô la/thùng, tức vẫn đắt hơn khoảng 40-50% so với cách đây một năm nên giá nhiên liệu máy bay vẫn tiếp tục là gánh nặng lớn của mọi hãng hàng không”, ông Andrew Herman, Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA, trong đó Vietnam Airlines là một thành viên), nhận định.

Theo ông, tình hình có thể xấu hơn nữa trong các tháng đầu năm 2009 vì đã có dấu hiệu giới doanh nhân bớt đi lại bằng máy bay và vận chuyển hàng không châu Á không tăng trưởng nhanh như cách đây một năm.

“Khi kinh tế suy yếu, các công ty ngại chi tiêu cho quản trị viên của họ bay ở hạng nhất và hạng thương gia nên doanh thu và lợi nhuận của các hãng sẽ giảm nhiều”, ông giải thích.

Và khi các hãng thu nhỏ mạng lưới đường bay, giảm tần suất chuyến bay thì sẽ có nhiều sân bay bị giảm doanh thu. Theo OAG, sẽ có 275 sân bay khắp thế giới (32 ở Mỹ, 116 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương) bị ảnh hưởng từ sự co cụm mạng lưới hoạt động của các hãng hàng không. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm đến bị ảnh hưởng vì một số hãng thuộc khu vực Đông Bắc Á, trong đó có China Airlines và EVA Airways của Đài Loan, đã quyết định sẽ cắt giảm một số chuyến bay đến Tân Sơn Nhất.

Khi máy bay phải “giảm cân”

Nhiều hãng phải cắt giảm trọng lượng máy bay, thực thi chế độ “chay kiêng”, để máy bay ít tốn nhiên liệu hơn. Nếu đi máy bay trong những tháng tới đây có thể bạn sẽ thấy vắng nhiều sản phẩm, dịch vụ lâu nay vẫn có trên máy bay.

Giảm trọng lượng máy bay bằng cách giảm lượng ấn phẩm dành cho hành khách đọc trong thời gian bay là một trong những việc làm đầu tiên của nhiều hãng hàng không, trong đó có cả Vietnam Airlines. Thai Airways dự tính giảm 50% lượng nhiên liệu dự trữ bắt buộc trên mỗi chuyến bay (khoảng 5% tổng lượng nhiên liệu phải nạp đủ trước khi cất cánh).

Khi máy bay nhẹ hơn, động cơ bớt tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải giảm, góp phần giảm hiệu quả nhà kính. Thai Airways giải thích rằng, nếu giảm 50% lượng nhiên liệu dự trữ thì một chiếc Boeing 747-400 bay từ Bangkok đến London giảm được khoảng 2 tấn trọng lượng và tiết kiệm được khoảng 800 ký nhiên liệu. Trên hành trình này, bình thường chiếc 747 dùng khoảng 120 tấn nhiên liệu (khoảng 960 thùng dầu). Dĩ nhiên Thai Airways và các hãng áp dụng biện pháp giảm lượng nhiên liệu dự trữ trên mỗi chuyến bay vẫn phải đảm bảo an toàn tối đa, tức làm gì thì làm nhưng máy bay vẫn phải có đủ nhiên liệu để bay thêm từ 30-45 phút mà hạ cánh ở sân bay khác ngoài điểm đến chính trong hành trình.

Các hãng còn áp dụng nhiều biện pháp như thường xuyên rửa động cơ và vỏ ngoài máy bay; tắt bớt một động cơ khi lăn từ đường băng vào sân đỗ; sử dụng nguồn điện của sân bay thay vì dùng điện trên máy bay trong lúc chờ nhận khách; cho máy bay bay chậm hơn (dù phải đến nơi trễ hơn vài phút)… Bây giờ, các hãng sẽ cắt giảm thêm nhiều thứ phục vụ hành khách. Nhiều hãng hàng không Mỹ đã tính tiền hành lý thứ nhất và hành lý thứ hai mà hành khách gửi vào bụng máy bay.

Riêng ở ta, còn có lý do để mừng khi đi máy bay. Từ ngày 4-9 trở đi, phụ thu nhiên liệu trên một số các đường bay nội địa của Vietnam Airlines, Vasco và Jetstar Pacific được giảm từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/chuyến tùy theo chuyến bay gần hay xa. Khoản phụ thu bay nội địa này mới lần đầu áp dụng kể từ ngày 15-8-2008.

P.N.DŨNG (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới