Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bế mạc Hội nghị TW 3: Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chủ động phòng, chống dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bế mạc Hội nghị TW 3: Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chủ động phòng, chống dịch

T.H

(KTSG Online) – Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra vào chiếu ngày 8-7, sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, kết thúc sớm hơn so với dự kiến 1 ngày. Trung ương nhất trí cao với phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bế mạc Hội nghị TW 3: Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chủ động phòng, chống dịch
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo cáo, đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương những nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đặc biệt là trong phòng, chống đại dịch Covid-19 – đợt bùng phát lần thứ tư, đang diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm ở nước ta hiện nay. Nhờ đó, kết quả thực tế đạt được trong nhiệm kỳ khóa XII cao hơn so với số liệu đã trình Đại hội XIII của Đảng và báo cáo Quốc hội khóa XIV.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu ngay sau Hội nghị này, Ban cán sự đảng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương để hoàn thiện thêm một bước các dự thảo kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong quá trình này, Ban cán sự đảng Chính phủ cần tiếp tục bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các chủ trương chính sách, biện pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đồng thời có những giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao và sát hợp với thực tế tình hình, vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vừa phải chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí nguy hiểm, lan rộng nhanh hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cần tiếp tục được bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về các vấn đề lớn, quan trọng. Việc xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia cần thấy hết những thuận lợi, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức để xác định một cách đúng đắn, khoa học, có cơ sở thực tế mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về tài chính-ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội; chú ý bảo đảm tỷ lệ chi hợp lý cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội…

Trong chỉ đạo quản lý, điều hành, cần coi trọng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; gắn kết chặt chẽ kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư công; tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước trong khả năng của nền kinh tế và vay trong khả năng trả nợ, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cần nhìn thẳng vào sự thật, tìm cho được các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu để đề ra các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, giải ngân chậm, nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, thua lỗ, thất thoát, lãng phí…

Cùng với đó, đặt kế hoạch đầu tư công trong tổng thể kế hoạch đầu tư chung của toàn xã hội; gắn đầu tư công với đầu tư xã hội; đầu tư công phải thực sự có trọng tâm, trọng điểm, dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế; tập trung rà soát, loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách để ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách của quốc gia và các ngành, lĩnh vực, các địa phương, nhất là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có ý nghĩa chiến lược, liên vùng, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, “kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong đầu tư công. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc giải ngân thực hiện dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình…"

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới