Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bế tắc về Brexit khiến kinh tế Anh tê liệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bế tắc về Brexit khiến kinh tế Anh tê liệt

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Gần ba năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu tán thành Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) trong cuộc trưng dân ý, các nhà chính trị Anh vẫn bế tắc về phương án Brexit. Thực trạng này đang gây tê liệt nền kinh tế Anh khi người dân, doanh nghiệp đều cảm thấy lo lắng và thận trọng trong các quyết định chi tiêu, đầu tư.

Bế tắc về Brexit khiến kinh tế Anh tê liệt
Các nhà chính trị Anh vẫn đang bế tắc về dự luật thỏa thuận Brexit. Ảnh: CNN

Theo hãng tin CNN, bức tranh kinh tế Anh đang nhuốm màu xám xịt khi thị trường nhà đất yếu ớt, sản lượng ô tô sụt giảm, đầu tư suy sụp và tâm lý bi quan của các lãnh đạo giới doanh nghiệp do tiến trình Brexit vẫn chưa biết kết quả như thế nào.

Trong một dấu hiệu cảnh báo gần đây nhất vào hôm 2-4, Phòng Thương mại Anh (BCC) cho biết kết quả khảo sát ý kiến 7.000 doanh nghiệp đang sử dụng 1 triệu lao động ở Anh cho thấy tăng trưởng kinh tế Anh gần như đứng im trong quí 1 năm nay.

Ông Adam Marshall, Tổng giám đốc BCC, nói: “Các kết quả khảo sát của chúng tôi là một cảnh báo rõ rằng tình thế bế tắc đang diễn ra ở Cung điện Westminster (Quốc hội Anh) đang gây ra sự giảm tốc mạnh mẽ trong nền kinh tế”.

Kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,2% trong quí 4-2018 và các nhà kinh tế lo ngại tốc độ tăng trưởng của Anh suy yếu hơn kể từ đó.

Một trong những bằng chứng quan trọng nhất là sự suy yếu trong ngành dịch vụ, vốn chiếm đến 80% GDP của Anh.

Các cuộc khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit cho thấy trong tháng 2-2019, sử dụng lao động trong ngành dịch vụ suy giảm nhanh nhất kể từ kể năm 2012 khi các công ty tạm ngừng tuyển dụng vì không rõ tiến trình Brexit sẽ đi về đâu.

Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng ở IHS Markit, nói rằng dữ liệu này chứng tỏ nền kinh tế Anh vẫn trì trệ trong tháng 2, do vậy, tăng trưởng GDP của Anh có thể giảm tốc về mức 0,1% trong quí 1-2019.

Hạ viện Anh đã ba lần bác bỏ dự luật thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Therasa May trình lên. Ảnh: Financial Times

Trong tháng 3, sản lượng xây dựng của Anh tiếp tục giảm sau khi đã giảm trong tháng 2.

Thị trường xây dựng Anh bị tác động nặng nề kể từ sau khi cử tri Anh bỏ phiếu đồng ý rút Anh khỏi EU vào tháng 6-2016 và sự ảm đạm kéo dài của thị trường này cho thấy các thiệt hại đang xảy ra do bế tắc về Brexit.

Theo công ty cho vay thế chấp bất động sản Nationwide, giá nhà ở London giảm 3,8% so với cùng kì năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.

Howard Archer, trưởng cố vấn kinh tế của tổ chức dự báo kinh tế  EY ITEM Club, nói: “Các bất định về kinh tế và Brexit đang làm gia tăng sự thận trọng của người mua nhà”. Các nhà kinh tế cũng đang lên tiếng báo động về mức đầu tư suy giảm.

Đầu tư kinh doanh ở Anh giảm 0,9 trong quí 4-2018, đánh dấu sự suy giảm liên tục trong bốn quí lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Đầu tư mới trong ngành công nghiệp ô tô ở Anh giảm gần 50% trong năm 2018. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà kinh doanh và sản xuất ô tô Anh (SMMT) công bố hôm 4-2, doanh số ô tô mới ở Anh giảm 3% trong tháng 3.

Trong khi đó, tính đến tháng 2-2019, đà suy sản lượng ô tô ở Anh đã bước vào tháng thứ chín liên tục.
Ngân hàng trung ương Anh ước tính GDP của Anh đang bị teo lại 2% so với mức GDP mà nước này có thể đạt được nếu như cử tri Anh quyết định chọn phương án Anh ở lại Liên minh châu Âu, thay vì Brexit. Điều này có nghĩa là kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6-2016, nền kinh tế Anh bị thiệt hại trung bình một tỉ đô la mỗi tuần.

Báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs hôm 1-4 cũng cho rằng Brexit đã khiến Anh thiệt hại 2,5% GDP vào năm ngoái so với lộ trình tăng trưởng bình thường không có Brexit.

Báo cáo cho biết nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào quản lý mối quan hệ thương mại giữa hai bên sau đó, có 15% khả năng GDP của Anh sẽ giảm sốc 5,5% và đồng bảng Anh mất giá 17%.

Hôm 4-4, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật buộc Thủ tướng Anh Theresa May phải yêu cầu EU gia hạn thời điểm Anh rời EU (Brexit) sau ngày 12-4 và cho phép quốc hội Anh quyết định thời điểm Brexit này để ngăn ngừa viễn cảnh Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào để quan lý mối quan hệ Anh – EU sau đó.

Anh và EU đồng ý kích hoạt Điều 50 để Anh chính thức rút khỏi EU vào 11 giờ đêm ngày 29-3-2019. Trong hơn hai năm qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã vất vả đàm phán với EU về dự luật thỏa thuận Brexit nhằm quản lý mối quan hệ giữa hai bên sau Brexit. Tuy nhiên, dự luật này không được Hạ viện Anh ủng hộ vì cho rằng nó gây bất lợi cho Anh. Hạ viện Anh đã ba lần bỏ phiếu bác bỏ dự luật. Sau đó, EU đồng ý gia hạn lùi thời điểm Brexit đến ngày 12-4-2019 trong trường hợp Anh không thông qua được dự luật thỏa thuận Brexit hoặc đến ngày 22-5-2019 nếu Anh phê chuẩn dự luật này.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới