Chủ Nhật, 20/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bệnh nấm gây rụng lá cao su, đe dọa sản lượng toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bệnh nấm gây rụng lá cao su, đe dọa sản lượng toàn cầu

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Nếu không kịp thời khống chế, bệnh nấm gây rụng lá ở cây cao su, đang lan nhanh ở các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia, có thể gây đe dọa sản lượng mủ cao su toàn cầu trong trung và dài hạn.

Bệnh nấm gây rụng lá cao su, đe dọa sản lượng toàn cầu
Nông dân đi cạo mủ cao su ở tỉnh Jambi, Indonesia. Ảnh: Antara

Hôm 17-1, giá cao su kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (Nhật Bản) tăng nhẹ 0,05% lên mức 206,3 yen (43.400 đồng VN) /kg, cao nhất trong 10 tháng qua. Giới phân tích cho biết giá cao su duy trì đà tăng do sản lượng cao su toàn cầu được dự báo giảm trong năm nay, trong khi đó, nhu cầu sẽ tăng lên ở Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới.

Nguồn cung cao su suy giảm chủ yếu là do dịch nấm pestalotiopsis (gây rụng lá ở cây cao su) đang lan nhanh ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia, 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, chiếm 70% nguồn cung cao su toàn cầu. Giới phân tích cảnh báo dịch bệnh pestalotiopsis sẽ đe dọa nguồn cung cao su trong trung và dài hạn.
Darmin Nasution, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, cho biết dịch bệnh pestalotiopsis ảnh hưởng đến gần 400.000 hecta trong tổng diện tích 3 triệu hecta cao su của nước này. Bệnh pestalotiopsis đang xuất hiện ở hàng loạt tỉnh của Indonesia gồm Bắc Sumatra, Nam Sumatra, Bangka Belitung, Tây Kalimantan, Trung Kalimantan và Đông Kalimantan.

Hôm 10-1, Moenardji Soedargo, Chủ tịch Hiệp hội cao su Indonesia, cho biết chưa thể dự báo sản lượng cao su của Indonesia trong năm 2020 khi dịch bệnh pestalotiopsis chưa được khống chế. Ông ước tính trong năm 2019, xuất khẩu cao su của Indonesia giảm khoảng 540.000 tấn chủ yếu do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh này. Năm ngoái, dịch bệnh pestalotiopsis khiến sản lượng cao su của Indonesia giảm khoảng 15%, về mức 3,3 triệu tấn.

Tại Thái Lan, dịch bệnh pestalotiopsis cũng đang lan nhanh. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết tính đến tháng 9-2019, có gần 53.000 hecta cao su bị nhiễm bệnh pestalotiopsis ở 4 tỉnh Narathiwat, Yala, Pattani và Trang, khiến sản lượng suy giảm 40.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay, dịch bệnh này đã lan rộng ra 9 tỉnh, ảnh hưởng đến 122.000 hecta. Tại Malaysia, dịch bệnh pestalotiopsis ảnh hưởng khoảng hơn 2.000 hecta cao su. Lo ngại dịch bệnh này, năm ngoái, Myanmar đã cấm nhập nhập hạt cao su, cây cao su giống và cây cao su con của Thái Lan.
Hôm 12-1,  ông Chalermchai Srion, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, đã yêu cầu Cơ quan cao su Thái Lan (SEAT) khẩn cấp nghiên cứu các biện pháp ứng phó bệnh nấm pestalotiopsis.

Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC), tổ chức đại diện cho ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới Thái Lan, Indonesia và Malaysia, cảnh báo bệnh nấm pestalotiopsis có thể làm suy giảm 70-90% sản lượng mủ ở các vườn cao su bị ảnh hưởng.

Chiến tranh thương mại khiến dịch bệnh lan nhanh

Giá cao su bắt đầu phục hồi từ tháng 10 năm ngoái khi dịch bệnh pestalotiopsis lan nhanh ở cây cao su tại Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asian Review

Nguồn cung dồi dào và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến giá cao su giảm mạnh trong những năm trước. Giờ đây, với việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một cùng với những lo ngại về dịch bệnh pestalotiopsis, xu hướng tăng giá của cao su đang được củng cố.

Một số nhà phân tích cho rằng chiến tranh thương mại là một trong những yếu tố gián tiếp khiến dịch bệnh pestalotiopsis lây lan nhanh ở cây cao su tại Đông Nam Á.

Khi bị nhiễm nấm pestalotiopsis, cây cao su sẽ rụng lá và không thể quang hợp, làm giảm mạnh sản lượng mủ. Các nhà phân tích dự báo dịch bệnh pestalotiopsis sẽ gây thiệt hại khoảng 10% sản lượng cao su toàn cầu.
Dù dịch bệnh pestalotiopsis là một hiện tượng tự nhiên nhưng ông Shinichi Kato, Giám đốc Công ty giao dịch cao su Shinichi Kato, cho rằng nó đáng lẽ ra ngăn chặn được nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không xảy ra.

Cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm suy yếu các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến doanh số xe ở nước này, dẫn đến nhu cầu sử dụng cao sử để sản xuất lốp giảm.

Các lo ngại về nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc khiến giá cao su kỳ hạn ở Tokyo giảm về mức 152,9 yen/kg vào cuối tháng 11-2018. Tại Thái Lan, giá cao su tự nhiên có thời điểm giảm về mức 44 baht (33.500 đồng VN)/kg, thấp hơn mức chi phí sản xuất 50 baht.

Giá cao su giảm khiến nhiều nông dân trồng cao su ở Indonesia, Thái Lan bỏ bê các vườn cao su và chuyển sang canh tác những cây trồng khác. Hậu quả bắt đầu hiện hữu rõ vào mùa hè năm 2019 khi dịch bệnh pestalotiopsis, khởi nguồn từ Indonesia, dễ dàng lan sang Thái Lan và Malaysia do các vườn cao su không được chăm sóc đầy đủ và không đủ sức đề kháng trước các dịch bệnh.

Nếu chiến tranh thương mại không xảy ra, có lẽ dịch bệnh này không lan nhanh đến như vậy.

Giờ đây, các nông dân ở Indonesia, Thái Lan đang chờ đợi xem những cây cao su nhiễm bệnh có mọc chồi mới vào tháng 4 tới hay không. Nếu điều này không xảy ra, họ sẽ trồng mới. Phải mất từ 6-7 năm sau khi trồng, cây cao su mới trưởng thành để khai thác mủ thương mại. Nếu toàn bộ cây cao su ở Đông Nam Á bị nhiễm bệnh trong năm 2019 bị thay thế bằng cây mới, khoảng 10% sản lượng cao su toàn cầu sẽ bị mất mát mỗi năm cho đến năm 2025.

Đây là tin xấu cho ngành công nghiệp ô tô vì nếu giá cao su tăng, chi phí sản xuất sẽ tăng theo. Hãng tư vấn AlixPartners dự báo thị trường ô tô thế giới tăng sẽ tăng trưởng trung bình 1,6%/năm trong giai đoạn 2019-2026.
Hideshi Matsunaga, nhà phân tích của Công ty Sunward Trading ở Tokyo, nhận định dù doanh số ô tô đang giảm do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, nhu cầu sử dụng cao su tự nhiên để sản xuất lốp chắc chắn tiếp tục tăng trong trung và dài hạn.

Theo Nikkei Asian Review, Thai Farmers Library, Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới