Bệnh tay chân miệng: Nguy cơ lặp lại đại dịch năm 2011
Hoàng Nhung
![]() |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đang trò chuyện và dỗ dành bé điều trị tay chân miệng tại Khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh H.K |
(TBKTSG Online) – Tại các tỉnh phía Nam, trong tháng 8 và 9, số ca bệnh tăng đột biến 50% so với các tháng trước đó. Bệnh có nguy cơ lan ra toàn quốc.
Bộ Y tế cho biết từ ngày 26-9 đến 1-10, cả nước ghi nhận thêm gần 11.000 ca mắc tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc lên 53.500 trường hợp, trong đó, gần 26.000 ca phải nhập viện điều trị, 6 ca tử vong ở 5 tỉnh, thành.
Dịch tay chân miệng năm nay đang tập trung tăng cao tại một số tỉnh, thành như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hà Nội.
Bộ Y tế nhận định dịch tay chân miệng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tại các tỉnh phía Nam, trong tháng 8 và 9 số ca bệnh tăng đột biến 50% so với các tháng trước đó. Tại TPHCM, mỗi tuần có hơn 300 ca nhập viện. Từ đầu năm đến nay, thành phố có tổng số 3.200 ca bệnh tay chân miệng phải nhập viện và 15.500 ca điều trị ngoại trú.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, cho biết hiện nay trẻ nhập viện vì tay chân miệng rất đông, mỗi ngày bệnh viện điều trị cho hơn 130 trẻ nội trú, nhân viên khoa Nhiễm đang phải làm việc gấp 4 lần so với trước.
Nói về cường độ làm việc tại Khoa Nhiễm hiện nay, bác sĩ Khanh chỉ biết nói trong 3 từ: “ngộp – te tua – tơi tả. Có thể bệnh sẽ lan ra toàn quốc, cần phòng ngừa gấp để hạn chế tử vong”.
Các bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa Nhiễm khuyến cáo nhân viên điều trị cần phải nghiên cứu, học hỏi liên tục phác đồ điều trị, phát hiện bệnh sớm. Bên cạnh đó, cần truyền thông để phụ huynh đưa con nhập viên sớm khi phát hiện biến chứng như sốt cao khó hạ, sốt trên 2 ngày, ói, giật mình chới với…
Bác sĩ Phan Trọng Lân, Giám đốc Viện Pasteur TPHCM, nhận định hiện nay dịch tay chân miệng đang xuất hiện các chủng vi rút EV71 và chủng C4 như năm 2011. Dịch tay chân miệng 2011 tại Việt Nam có hơn 70.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong.
Hiện tại, ngành y tế TPHCM đang nâng cao khẩu hiệu “kiểm soát và phòng ngừa dịch tay chân miệng” để không lây lan và hạn chế tử vong. Một trẻ mắc tay chân miệng nặng phải điều trị trong thời gian một tháng và viện phí trung bình từ 30 – 40 triệu đồng.