Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bệnh viện công và vấn nạn quá tải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bệnh viện công và vấn nạn quá tải

Bác sĩ đang chẩn đoán hình ảnh X-quang tại bệnh viện An Sinh, một bệnh viện tư nhân tại TPHCM. Ảnh: Thu Hiền

(TBKTSG Online) – Các bệnh viện công tại TPHCM vẫn tiếp tục loay hoay với bài toán giải quyết quá tải và chảy máu chất xám.

Trong hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân diễn ra tuần qua tại TPHCM, hầu hết các giám đốc bệnh viện cho rằng, tình trạng quá tải bệnh viện trong thời gian qua hầu như chưa được khắc phục mà có xu hướng ngày càng tăng lên.

Quá tải kéo theo nhiều hệ lụy

Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói ngành y tế hiện nay đang đứng trước thách thức lớn mà xã hội rất quan tâm, đó là chất lượng dịch vụ y tế, y đức, công bằng y tế, chi phí y tế và đặc biệt là tình trạng quá tải bệnh nhân tại bệnh viện.

Bác sĩ Giao cho biết, bệnh viện Nhân dân Gia Định hiện có 1.000 giường, nhưng con số bệnh nhân luôn từ 1.200 đến 1.300 người. Số lượt khám từ con số 502.495 bệnh nhân trong năm 2000 đã tăng lên 745.268 bệnh nhân trong năm 2007. Mỗi bác sĩ khám từ 50 đến hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày.

Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bình quân trong năm 1997 mỗi ngày có 1.800 lượt bệnh nhân đến khám; con số ấy hiện nay đã tăng lên hơn 4.000 lượt/ngày. Do bệnh nhân quá đông, có lúc bệnh viện phải ngừng việc phát thẻ khám bệnh từ 7 giờ 30 phút sáng.

Các giám đốc bệnh viện cho rằng, tình trạng quá tải hiện nay đang phổ biến ở bệnh viện công tuyến tỉnh và thành phố tuy có khác khác nhau về cấp độ nhưng đều có chung một hệ lụy là bệnh viện nhanh xuống cấp, an ninh trật tự kém, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, xuất hiện tệ nạn xã hội, dẫn đến việc chậm phát triển và đặc biệt là làm y đức sút giảm trầm trọng.

“Chất xám” ra đi

Hiện nay, TPHCM có 39 cơ sở y tế công lập thuộc thành phố quản lý; trong đó có 13 bệnh viện chuyên khoa. Khối quận huyện quản lý 24 bệnh viện, 24 trung tâm y tế dự phòng và 322 trạm y tế. Năm 2007, ngân sách thành phố chi cho lĩnh vực y tế tổng cộng là 1.513 tỉ đồng, chiếm 7,58% tổng chi ngân sách. Trong năm nay, dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế là 1.202 tỉ đồng, chiếm 13,45% chi thường xuyên của thành phố.

Trong khi tình trạng quá tải bệnh nhân ngày càng tăng và chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục thì các bệnh viện công lại đang đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám khi nhiều bác sĩ có tay nghề xin nghỉ việc hàng loạt.

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, từ năm 2004 đến hết năm 2007, có 1.501 nhân viên y tế nghỉ hưu, thôi việc, bỏ việc và chuyển công tác; trong đó có 592 nhân viên có trình độ lành nghề, là “chất xám” của ngành y tế thành phố. Riêng năm 2007 đến nay, có hơn 276 nhân viên ngành y của thành phố xin nghỉ việc hoặc chuyển sang làm cho bệnh viện tư. Bệnh viện Thống Nhất trong năm 2007 là nơi có số nhân viên ra đi kỷ lục, lên đến 70 người. Bệnh viện Nhân dân 115, phụ sản Từ Dũ, Nguyễn Trãi, cấp cứu Trưng Vương, mỗi nơi đều có hơn 20 người nghỉ việc.

Giải thích lý do cho sự ra đi này, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định hầu hết các bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư là do thu nhập và điều kiện làm việc. Và đây là sự chuyển dịch theo xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường và của chủ trương xã hội hóa y tế khi ngày càng có nhiều bệnh viện tư ra đời.

Giám đốc bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ Nguyễn Mạnh Phan dẫn chứng: một bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm thì lương cũng chưa đến 5 triệu đồng, tiền công một ca phẫu thuật không quá 100.000 đồng; trong khi ở các cơ sở tư nhân, mức lương có thể lên đến hàng nghìn đô la Mỹ. Một số bác sĩ chuyển sang làm việc tại bệnh viện tư nhân cho biết, mỗi ca phẫu thuật và mỗi lần lần khám, tư vấn tại bệnh viện tư họ nhận được khoản thù lao cao hơn hẳn bệnh viện công. Làm công hay tư đều hợp lý vì họ cũng làm việc phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, cho rằng việc ra đi của bác sĩ có thể xem như sự san sẻ kỹ thuật giữa các khu vực y tế để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân – dù đó là bệnh viện công hay tư. Tuy nhiên, bà Thủy kiến nghị Nhà nước cần có chính sách lương phù hợp với tính chất, chế độ làm việc của người cán bộ y tế, khuyến khích y tế công tự chủ hơn nữa bằng các quy định thông thoáng hơn. Đồng thời có chính sách khuyến khích đào tạo trong y tế tư nhân nhằm ngăn chặn chảy máu chất xám từ công sang tư.

Từ quá tải đến khủng hoảng nhân lực

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, trong năm 2007, cứ 10.000 người dân của TPHCM chỉ có 7 bác sĩ. Chính vì vậy, quá tải bệnh viện chính là khủng hoảng nguồn nhân lực. Trong 10 năm qua, hai trường đại học đào tạo nhân lực cho ngành y tế trên địa bàn thành phố (Đại học Y Dược và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) mỗi năm chỉ cung cấp khoảng 300 bác sĩ mới, chỉ vừa đủ bù cho 300 bác sĩ nghỉ hưu. Hiện tại, thành phố thiếu tới 2.000 bác sĩ.

Để giải quyết khủng hoảng nhân lực và một số khó khăn, ngành y tế thành phố đề nghị nghiên cứu kéo dài thời gian làm việc lên đến 65 tuổi đối với độ ngũ bác sĩ, nhằm phát huy hết năng lực, kinh nghiệm đã tích lũy và ổn định đội ngũ chất xám. Tăng lượng đào tạo đại học và trên đại học, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu và chữa bệnh.

Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng đề nghị cần đổi mới cơ chế thu viện phí, bởi hiện nay mức thu viện phí tại cơ sở công lập được thu theo mức quy định thống nhất từ năm 1994 đã trở nên lạc hậu và thấp so với mức chi phí hiện nay; đề nghị Chính phủ bãi bỏ quy định trích tối thiểu 35% số thu viện phí được để lại (không kể tiền thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư…) để làm nguồn cải cách tiền lương, bởi nguồn thu này không bảo đảm trang trải các khoản chi phí trực tiếp phục vụ cho người bệnh.

Theo điều tra của Sở Y tế TPHCM thì thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên (CBCNV) ngành y tế từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng.

Trong đó, thu nhập bình quân của CBCNV có trình độ dưới đại học là 2,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của CBCNV có trình độ đại học trở lên là 3 triệu đồng/tháng. Trong đó, các thạc sĩ, chuyên khoa I và chuyên khoa II có thu nhập bình quân là 3,5 triệu đồng/tháng, tiến sĩ có thu nhập là trên 4 triệu đồng/tháng.

Theo thông tin trên thì thu nhập của CBCNV ngành y tế cao hơn thu nhập của cán bộ khu vực hành chính nhà nước có trình độ tương đương, nhưng thấp hơn ngành ngân hàng, chứng khoán ba lần, ngành thương mại từ 2-2,5 lần, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và cơ sở chữa bệnh do nước ngoài hợp tác từ 3 đến 4 lần.

(Nguồn: Sở Y Tế TPHCM)

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới