Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bệnh viện tư ngắc ngoải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bệnh viện tư ngắc ngoải

Hoàng Nhung

Bệnh viện tư ngắc ngoải
Khám bệnh tại Viện Tim Tâm Đức TPHCM. Ảnh: HOÀNG NHUNG

(TBKTSG) – Ai thấy các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu… đông nghẹt người đến khám, chữa bệnh có lẽ cũng nghĩ xây bệnh viện tư chắc sẽ “ngon ăn”. Không hẳn thế. Nhiều bệnh viện tư của thành phố có cơ ngơi khang trang đang bỏ không, hoặc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi chủ…

Thống kê và khảo sát của ông Trần Văn Phương, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, và các cộng sự cho thấy bệnh viện tư nhân tại TPHCM ra đời muộn, đến năm 2000, thành phố mới chỉ có một bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ với quy mô 50 giường bệnh.

Tính đến năm 2013, thành phố có 39 bệnh viện tư nhân (trong đó có ba bệnh viện đã phá sản), gồm 18 bệnh viện đa khoa, 18 bệnh viện chuyên khoa, có ba bệnh viện 100% vốn nước ngoài.

Đìu hiu vắng vẻ

Mặc dù nằm trong khu dân cư sầm uất, đông dân nhưng Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, nằm trên đường Độc Lập, quận Tân Phú, TPHCM vẫn phải ngưng hoạt động. Người bảo vệ ở bệnh viện này cho biết, bệnh viện đã đóng cửa gần một năm nay do ít bệnh nhân và bác sĩ lần lượt bỏ đi hết.

Bệnh viện tư có đặc thù riêng, phải chấp nhận đầu tư năm, bảy năm thu mới bù chi được, sớm nhất là năm năm mới đủ khấu hao. Thường vì không “trường vốn” nên lãnh đạo bệnh viện phải rút lui.

Theo nguồn tin từ Sở Y tế TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đầu tư khoảng 500 giường bệnh, với nhiều trang thiết bị hiện đại, chuyên chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung bướu, cả khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Ngoài việc vắng bệnh nhân vì chi phí khám chữa bệnh cao so với bệnh viện công, bệnh viện này còn nợ nần chồng chất. Năm 2007, bệnh viện trở thành đối tượng khiếu kiện của hơn 30 chủ nợ cho vay khoảng 120 tỉ đồng. Nhiều chủ nợ đã tiến hành thu giữ cả trang thiết bị chữa bệnh. Mặc dù lãnh đạo bệnh viện đã họp với các chủ nợ và đưa ra kế hoạch bán luôn bệnh viện này với giá 26 triệu đô la Mỹ, nhưng đến nay chuyện vẫn chưa có hồi kết.

Cùng cảnh ngộ, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp với quy mô 200 giường bệnh trên diện tích 10.000 mét vuông, là bệnh viện khách sạn 5 sao cho các đối tượng có thu nhập cao, hiện đang ế ẩm, nhiều bác sĩ có tay nghề bỏ bệnh viện ra đi. Người đứng đầu của Bệnh viện Vũ Anh rơi vào vòng lao lý, bệnh viện hoạt động cầm chừng, mỗi ngày có không đến chục bệnh nhân đến khám.

Nhiều bệnh viện tư trên địa bàn TPHCM đều hoạt động dưới công suất. Bệnh viện Hoàn Mỹ có 228 giường bệnh, công suất sử dụng chỉ đạt hơn 70%. Bệnh viện Triều An 355 giường bệnh, công suất sử dụng 60%. Các bệnh viện tư không mấy tiếng tăm như Bệnh viện Gaya Việt Hàn công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 39%, Bệnh viện Ngọc Linh (13%), Bệnh viện Đức Khang (5%)…

Sang tên, đổi chủ

BS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm MEDIC, Chủ tịch Hội Ngành nghề y tư nhân TPHCM, cho biết một số bệnh viện tư của thành phố phải phá sản, rồi được mua lại, đổi chủ, sửa chữa… do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, công tác điều hành bệnh viện tư còn hạn chế.

Ví dụ như tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, với 10 bệnh viện, đầu tư mỗi bệnh viện khoảng 20-25 triệu đô la, tham vọng rất lớn nhưng sau đó do khủng hoảng vốn nên phải bán cổ phần.

BS. Nguyễn Hữu Tùng – Phó chủ tịch Hội Ngành nghề y tư nhân TPHCM, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cho biết năm 2009, Hoàn Mỹ bán cổ phần cho VinaCapital và Deutsche Bank trị giá 20 triệu đô la Mỹ. Đây là thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) với đối tác nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực y tế.

Vào năm 2011, một lần nữa giới quản lý bệnh viện ngạc nhiên khi tập đoàn Fortis (Ấn Độ) đầu tư vào Hoàn Mỹ và sở hữu cổ phần chi phối lên đến 65% trong một thương vụ trị giá 100 triệu đô la Mỹ. Đến năm 2013, Richard Chandler Corporation mua lại toàn bộ số cổ phần của tập đoàn Fortis tại Hoàn Mỹ (65% cổ phần) với giá 80 triệu đô la Mỹ. Đây được xem là thương vụ M&A lớn nhất của lĩnh vực y tế cho đến nay.

Hiện thành phố có 34 bệnh viện tư, thì có 10-15% trong số đó đang gọi bán do khó khăn tài chính. Sang tay cho chủ đầu tư khác thì có thể lỗ hoặc bằng giá.

Theo BS. Hải, bệnh viện tư có đặc thù riêng, phải chấp nhận đầu tư năm, bảy năm thu mới bù chi được, sớm nhất là năm năm mới đủ khấu hao. Thường vì không “trường vốn” nên lãnh đạo bệnh viện phải rút lui.

BS. Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM, cho rằng đầu tư bệnh viện hiện nay còn đi theo hướng đầu tư tài chính. Đó là nhà đầu tư bỏ tiền vào mua bệnh viện, khi có lời là bán lại. Thực trạng cho thấy điều này ngày càng rõ.

Ý kiến của lãnh đạo các bệnh viện tư: Chưa công bằng giữa công và tư

TS.BS. Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc cố vấn chuyên môn của Bệnh viện quốc tế Minh Anh, lên tiếng lâu nay bệnh viện tư không được Nhà nước quan tâm mà chỉ đầu tư nhiều cho bệnh viện công. Trong khi đó, hàng loạt bệnh viện công lại lấy công làm tư như mổ dịch vụ, chụp phim X-quang… Họ khoác cái áo xã hội hóa để bắt tay tư nhân nhằm trục lợi từ bệnh nhân. Vậy việc đầu tư này có công bằng không, khi Nhà nước vẫn kêu gọi đầu tư bệnh viện để giảm tải, nâng cao sức khỏe cho người dân?

Theo BS.Nam, chính sách xã hội hóa và việc thực hiện không đúng cách của nó đã góp phần giết chết các bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân.

Theo nhận xét của nhiều lãnh đạo bệnh viện tư, tài sản công, nhân lực công, thương hiệu có từ lâu đời của các bệnh viên công… được sử dụng để kinh doanh mà không phải toàn bộ lợi nhuận đều chia sẻ cho mọi người. “Đây là vấn đề tế nhị nhưng theo chúng tôi biết lợi nhuận chỉ rơi vào túi một số người, trong khi tình trạng quá tải của bệnh viện công vẫn chưa được giải quyết. Với tâm lý lo lắng về bệnh tật, bệnh nhân vẫn đổ về các bệnh viện công mặc dù giá cả của dịch vụ ở đây xem ra không hề rẻ hơn bệnh viện tư. Và thế là bệnh viện tư sống ngắc ngoải, thậm chí đóng cửa gây lãng phí rất lớn về tiền bạc và cơ sở vật chất”, BS. Nam nói.

BS. Phan Thanh Hải nói thêm, chính sách, chế độ của Bộ Y tế cũng chưa có sự công bằng. Ví dụ như bảo hiểm y tế ký với bệnh viện tư khác bệnh viện công; bệnh nhân chụp CT ở bệnh viện tư được hưởng 500.000 đồng, chụp ở bệnh viện công được hưởng 700.000 đồng… Những quy chế này thể hiện sự đánh giá thấp nền y tế tư nhân. Từ đó, nền y tế tư nhân dần dần xuống cấp, không thể đầu tư lớn, vì lợi nhuận nên theo đó cũng biến dạng theo kiểu ăn xổi ở thì.

Hơn nữa nguồn nhân lực cho các bệnh viện tư cũng rất thiếu, đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu, vì thiếu sự chia sẻ từ hệ thống bệnh viện công.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới