Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Bestseller” có là “sách hay nhất”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Bestseller” có là “sách hay nhất”?

Vũ Tiến Phúc

(TBKTSG) – Đọc sách là nhu cầu không thể thiếu để có tri thức, hoàn thiện con người trong bất kỳ thời đại nào. Trong thời đại tin học ngày nay, Internet và các công cụ tìm kiếm thông tin nhanh trên mạng như Google, Yahoo,Wikipedia… là những phát minh vĩ đại, nhưng vẫn không thể thay thế việc đọc sách, nếu muốn có được một tri thức đích thực và nguồn cảm hứng sâu sắc do cuốn sách hay mang lại.

Người ta có thể mất vài năm để lấy bằng đại học hay sau đại học, nhưng không một ai có thể “tốt nghiệp” việc đọc sách, dù có dành cả cuộc đời để làm việc đó.

Tuy nhiên, đọc sách sao cho có hiệu quả không phải là việc dễ dàng. Khó khăn đầu tiên và lớn nhất là nên chọn đọc sách nào, trong khi số lượng sách thì quá nhiều còn thời gian dành cho việc đọc sách ngày càng ít đi do cuộc sống luôn bận rộn vì mưu sinh và những quan tâm khác.

Vào những năm 1960, có một tư liệu của Mỹ nói: một người muốn đọc hết tên sách (không cần biết nội dung nói gì) của tất cả đầu sách đang lưu giữ trong các thư viện lớn trên thế giới cũng phải mất 300 năm! Ngày nay, số lượng sách còn nhiều gấp bội.

Theo tạp chí Mỹ Chronical Review, dự kiến năm 2011 sẽ có khoảng một triệu đầu sách in mới ra đời trên toàn thế giới. Chỉ riêng ở Mỹ, số đầu sách in trong năm 2009 là xấp xỉ 300.000 cuốn. Ngoài sách in truyền thống, nay còn có sách điện tử (e-books) với số lượng ngày càng tăng, điển hình là “thư viện cầm tay” (Kindle) – máy chứa sách điện tử, có kích thước bằng một cuốn sách mỏng, nhưng lưu trữ tới 3.000-4.000 đầu sách.

Ở Việt Nam, dưới thời bao cấp sách rất kham hiếm, nhất là sách của Mỹ và phương Tây. Ngày nay, thị trường sách ở nước ta tuy chưa phong phú bằng các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Thái Lan, nhưng khá đầy đủ, đặc biệt là sách dịch, với nhiều loại sách “bán chạy nhất” (bestseller) của Mỹ và các nước, kể cả các loại tiểu thuyết, trinh thám của các tác giả đang ăn khách nhất như John Grisham, Dan Brown, J.K. Rowling (tác giả “Harry Potter”), Stephenie Meyer (tác giả “Twilight”)… Theo Xunhasaba, đến cuối năm 2007, hơn 13.000 tác phẩm văn học thế giới đã được dịch ra tiếng Việt.

Vậy thách thức lớn đối với người đọc bây giờ không phải là “tìm sách ở đâu” mà là nên “chọn cuốn nào”, đâu là “cuốn sách hay nhất”?

Có phải “bestseller” là “sách hay nhất” như có người ngộ nhận? Thực tế không phải như vậy, vì không có cơ sở nào để chứng minh rằng hai khái niệm “bán chạy nhất” và “hay nhất” (nghĩa là “tốt nhất”) là đồng nhất. “Bestseller” phản ánh tính thời thượng, còn “hay nhất” nói về giá trị của cuốn sách.

Trên thực tế, có nhiều sách hay, kể cả những kiệt tác đã trải qua thử thách lâu dài của thời gian, với những ý tưởng lớn và là nguồn cảm hứng bất hủ cho nhiều thế hệ sau, như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay những cuốn nằm trong danh sách “10 tác phẩm hay nhất của mọi thời đại”(xếp hạng của tạp chí Time) như “Hamlet” của Shakespeare, “Chiến tranh và Hòa bình” của Leo Tolstoy… kể cả những tác phẩm được giải thưởng Nobel Văn học, như “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Marquez… đang bày bán ở các hiệu sách (thường nằm ở chỗ khuất), nhưng không phải là “sách bán chạy nhất” thời nay.

Ngược lại, có nhiều sách “bestseller”, nhưng tác giả không đưa ra được một thông điệp mới nào cho người đọc, sau khi đọc xong không đọng lại gì trong lòng độc giả, giống như trái cam vắt hết nước. Một nhà văn nói, “Nói rằng loại sách này đã chết thì hơi quá, vì nó đã từng sống bao giờ đâu?”. Vì thế, các tác giả chân chính sẽ không hạ tiêu chuẩn chất lượng tác phẩm chỉ nhằm kiếm nhiều bạn đọc.

Vậy làm thế nào để chọn sách hay nhất? Tuy không có “đơn thuốc” chung cho mọi người, vì mỗi người có trình độ, lĩnh vực quan tâm và sở thích riêng không giống nhau, nhưng những lời khuyên sau đây của các nhà văn, nhà văn hóa lớn, những người am hiểu về sách, có thể sẽ giúp ích cho chúng ta: Chọn sách cũng như chọn bạn, “gần mực thì đen gần đèn thì rạng”.

Trong các kho sách, luôn có cuốn sách của một thời, thậm chí vài giờ, nhưng có cuốn sách của mọi thời đại. Vậy trước tiên nên chọn đọc các kiệt tác, các tác phẩm hay, đã được thời gian thử thách, vì nếu không chúng ta sẽ bỏ qua, không bao giờ đọc chúng.

Một số sách chỉ để “nếm thử”, một số mới “nuốt”, và chỉ có số ít là “nhai và tiêu hóa”. Nghĩa là một số sách chỉ nên đọc một phần, một số đọc lướt qua, chỉ có số ít đọc kỹ và chú tâm.

Cuối cùng, cần nhớ khái niệm “chi phí cơ hội” trong kinh tế, để đừng quên rằng mỗi khi ta đọc cuốn sách dở, thì cũng là đánh mất cơ hội đọc cuốn sách hay. Vậy, hãy yên tâm bỏ qua tất cả các loại sách không cần thiết đối với mình, và nên hổ thẹn vì chưa đọc các kiệt tác, các loại sách hay nhất, thay vì cảm thấy “quê” vì chưa đọc các “bestseller” thời thượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới