Thứ Hai, 11/12/2023, 08:13
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tái đắc cử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tái đắc cử

Bình Nguyên

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trả lời báo chí sau phiên bế mạc của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa IX sáng ngày 8-10 – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Ông Lê Thanh Hải đã được bầu lại làm Bí thư Thành ủy TPHCM tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015. Đại hội đã kết thúc vào sáng ngày 8-10 sau hơn 3 ngày làm việc.

Tại cuộc họp đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX ngày 7-10, các đại biểu đã bầu các ông Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua và bà Nguyễn Thị Thu Hà là phó bí thư Thành ủy TPHCM khóa này.

Tại Đại hội, 449 đại biểu đã bầu 69 người trong tổng số 84 ứng viên tham gia Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX. Ngoài ra, có 34 đại biểu được bầu chọn là thành viên của đoàn đại biểu của Đảng bộ thành phố đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, dự kiến diễn ra vào tháng 1-2011.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần này, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng của thành phố và chương trình đột phá giúp TPHCM đạt tăng trưởng nhanh và bền vững trong các năm sắp tới.

Các chỉ tiêu

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm 12%.

2. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành dịch vụ bình quân 13%/năm.

3. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp bình quân 11%/năm.

4. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp bình quân 5%/năm.

5. Cơ cấu kinh tế năm 2015 (% trong GDP): dịch vụ là 57%, công nghiệp là 42%, nông nghiệp là 1%.

6. Tổng mức đầu tư xã hội 5 năm trên địa bàn thành phố đạt trên 1,4 triệu tỉ đồng.

7. Tốc độ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm dưới 1,1%.

8. Hàng năm tạo việc làm mới trên 120.000 người.

9. Đến cuối năm 2015, tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân trên đầu người đạt 4.800 đô la Mỹ.

10. Đến cuối năm 2015, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 70% trên tổng số lao động làm việc.

11. Tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành (còn dưới 2%).

12. Đến cuối năm 2015, đạt tỉ lệ 15 bác sĩ/10.000 dân.

13. Đến cuối 2015, tỉ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch đạt 98%; hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.

14. Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới trong 5 năm đạt 39 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân 17 m2/người.

15. Đến cuối năm 2015, thu gom, lưu giữ, xử lý 100% chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế, nước thải công nghiệp và y tế; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.

16. Đến cuối năm 2015, hoàn thành xây dựng 25 xã nông thôn mới.

17. Hàng năm, có 75% cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.

18. Đến cuối năm 2015, xây dựng tổ chức công đoàn trong 100% doanh nghiệp có đủ điều kiện; 70% doanh nghiệp ngoài Nhà nước có từ 500 lao động trở lên có tổ chức đảng và tổ chức đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Sáu chương trình đột phá

1. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; trong đó, tập trung bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động.

2. Chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn; đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực.

3. Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố tập trung nguồn lực phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, đi đầu cả nước trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả cao, bền vững.

4. Chương trình giảm ùn tắc giao thông tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, ưu tiên giao thông công cộng sức chở lớn; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.

5. Chương trình giảm ngập nước tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm thành phố (khoảng 100 km2); kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại (khoảng 580 km2).

6. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, tiếng ồn, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; khắc phục những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; tăng cường cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên;… xây dựng thành phố xanh, sạch, có môi trường sống tốt; khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới