Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bị truy thu thuế vì “phế liệu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bị truy thu thuế vì “phế liệu”

Doanh nghiệp chưa thông về việc Hải quan đề xuất truy thu thuế vải “phế liệu” của ngành dệt may. Trong ảnnh là công nhân đang làm việc tại Công ty May Sài Gòn 3 – Ảnh: tư liệu

(TBKTSG Online) – 33 doanh nghiệp dệt may vùng Đông Bắc đang lúng túng sau khi Hải quan kiểm tra và đề xuất truy thu thuế nhập khẩu đối với 3% số lượng vải phế liệu của các doanh nghiệp này trong 4 năm qua.

Có chăng gian lận thương mại?

Chủ tịch Chi hội Dệt may Đông Bắc, bà Trần Thị Sinh Duyên, đã đứng đơn kiến nghị  gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan khác phản ánh nỗi búc xúc của mình về việc kiểm tra sau thông quan của Hải quan liên quan đến vấn đề đánh thuế nhập khẩu đối với chủng loại phế liệu trong ngành dệt may.

Nguyên là Hải quan vào kiểm tra các doanh nghiệp dệt may gia công cho xuất khẩu và phát hiện một số lượng sản phẩm và vải bán ra thị trường nội địa ngoài định mức hao phí doanh nghiệp đã kê khai (trước đó Hải quan đã cho phép doanh nghiệp tự khai định mức gia công). Từ đó, các đoàn kiểm tra nhận định: “Đó là hành vi gian lận thương mại và buộc doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu”. Trong tháng 11 đã có hàng chục doanh nghiệp kêu cứu trước đề nghị truy thu thuế này và ban đầu, đã có 33 doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp bị đề xuất truy thu thuế vài năm từ 1,3 tỉ đến 5 tỉ đồng) ký vào đơn đề nghị xem xét lại.

Giám đốc Công ty cổ phần may Hưng Yên, Nguyễn Xuân Dương, nơi đang bị đề nghị áp thuế nhập khẩu khoảng 5 tỉ đồng cho các năm 2003-2005, giải thích: “Theo quy định về tạm nhập-tái xuất với các sản phẩm ngành này, chúng tôi nhận 100m vải, may 100 cái áo và đã xuất đủ 100 sản phẩm đó, nộp đầy đủ các loại thuế. Trong quá trình gia công, các doanh nghiệp phải đấu tranh rất quyết liệt với khách hàng để xác định định mức sản phẩm có lợi, nhằm tránh thiệt thòi, thua lỗ. Khách hàng chấp nhận 1-5% dung sai bù đắp cho vải đầu tấm, vải lỗi… và chúng tôi dùng số vải này để tạo ra các sản phẩm thấp cấp hơn hoặc bán cân để cải thiện đời sống cho người lao động sau khi đã nộp đủ 38% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT. Không có chuyện gian lận và không thể áp thuế nhập khẩu như vải nguyên tấm đuợc”.

Theo các doanh nghiệp dệt may, trong bản định mức nguyên phụ liệu khai báo tại Hải quan, ngoài các định mức khai báo thông thường, phải khai báo thêm phần nguyên liệu cần tăng là 3% để bù cho sự xuất hiện đầu tấm, đầu mảnh mới đủ nguyên liệu để sản xuất. Như vậy, sự tồn tại của phế liệu đầu tấm, đầu mảnh tại doanh nghiệp là hoàn toàn hợp pháp.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc tại sao các doanh nghiệp lại đề nghị mức phế liệu là 3% chứ không phải con số khác, bà Đặng Phương Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Đây là tập quán xác định giữa đơn vị sản xuất và đơn vị đặt hàng, tùy theo đơn hàng. Từ trước đến nay, ngànhh dệt may vẫn được “ăn giẻ” theo cách này mà không có quy định nào yêu cầu không được làm thế cả”. Cũng theo bà Dung, Hải quan bảo là nguyên liệu, doanh nghiệp bảo là phế liệu thực ra cũng là do nhà nước chưa có chính sách rõ ràng trong việc xử lý, dẫn đến tất cả các bên đều lúng túng.     

Lại một câu chuyện “chưa qui định”

Ông Đỗ Đình Định, Tổng giám đốc Công ty May và dịch vụ Hưng Long, đã phải nộp đến 1,3 tỉ đồng ngay khi cuộc tranh cãi giữa các bên vẫn chưa có hồi kết. Ông chia sẻ: “Đây chỉ là hình thức tiết kiệm, sáng tạo nhằm cải thiện đời sống cho người lao động ngành may và bán ra thị trường nội địa với mức khoảng 1 đô la Mỹ/sản phẩm. Nếu không có hướng dẫn cho chúng tôi về việc này mà cứ thẳng tay truy thu thuế thì chúng tôi không thể tiết kiệm và sáng tạo được nữa”.

Hiện còn rất nhiều doanh nghiệp cảm thấy chưa rõ ràng về chuyện này. Hàng loạt những câu hỏi khác được đặt ra: Hải quan có quản lý phần phế liệu này hay không? Nếu có thì theo cách nào? Doanh nghiệp muốn đưa vào sử dụng phải làm gì?

Bộ Công thương đang đề nghị Hiệp hội Dệt may báo cáo cụ thể để tìm hướng giải quyết. Văn phòng Chính phủ truớc đó đã yêu cầu Bộ Tài chính có ý kiến trước ngày 5-11. Nhưng đến ngày 19-12, 33 doanh nghiệp vẫn phải làm đơn kêu cứu, vì chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Văn Đao đề xuất: “Nên miễn giảm thuế nhập khẩu (còn 0,4% thay vì 10% như yêu cầu của Hải quan) cho số vải tiết kiệm thuộc các hợp đồng đã thực hiện từ năm 2004 đến nay mà doanh nghiệp đã nộp đầy đủ các thuế khác. Với các hợp đồng sau này cũng như vậy”.

Lại thêm một câu chuyện lúng túng vì chưa có qui định rõ ràng của các cơ quan chức năng, tương tự như việc tranh cãi quanh hàng trăm container được gọi là rác thải hay phế liệu của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đang bị tắc ở cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn.                                                              

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới