Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 24-38% trong 5 năm tới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 24-38% trong 5 năm tới

Vân Phong

(KTSG Online) – Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trung bình của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong vòng 5 năm tới là 24-38%, theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV.

BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 24-38% trong 5 năm tới
BIDV đặt mục tiêu giảm tỷ lệ trích lập dự phòng trong 5 năm tới. Ảnh: DN cung cấp.

Bổ sung 8.300 tỉ đồng vốn điều lệ

Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – cho biết đơn vị này đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng nhằm chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn.

“Có khá nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của BIDV nhưng do dịch Covid-19 nên họ đang cân nhắc đầu tư”, ông Tú chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Cũng theo ông Tú, BIDV đã gửi kế hoạch tăng vốn tới KEB Hana Bank – một cổ đông lớn của ngân hàng – nhưng hiện chưa thể khẳng định việc đơn vị có tham gia hay không. Trước đó, KEB Hana Bank đã đồng ý giảm tỷ lệ sở hữu và dành cơ hội cho các nhà đầu tư khác, nếu BIDV phát hành thêm cổ phiếu.

Cũng tại đại hội đồng cổ đông thường niên, BIDV đã trình phương án bổ sung 8.304 tỉ đồng vốn điều lệ qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu và được các cổ đông thông qua.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành lần lượt 207,3 triệu và 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và 2020. Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến là vào hai quí 3 và 4-2021. Còn thời gian chào bán cổ phiếu với công chúng hoặc chào bán riêng lẻ dự kiến diễn ra trong năm 2021 và 2022, sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ban lãnh đạo BIDV cho rằng, kế hoạch tăng vốn nhằm đảm bảo nhu cầu vốn trong cả điều kiện kinh doanh thông thường và điều kiện căng thẳng. Trong đó, tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn vốn nền tảng, tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác.

Trước đó, bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết hệ số số CAR của BIDV đã giảm từ mức 8,77% ở thời điểm cuối năm 2019 xuống mức 8,34% ở thời điểm cuối năm 2020, sau khi tăng tốc tín dụng cuối năm và quyết định chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỉ lệ 8%.

Tỷ lệ vốn cấp 1 của ngân hàng chỉ đạt 5,88% tính tới cuối năm 2020, theo SSI Research. Ngoài ra, số dư trái phiếu cấp 2 đã gần đến giới hạn.

“Với hệ số CAR hiện tại, chúng tôi ước tính BIDV có đủ vốn để tăng trưởng tín dụng trong năm 2021, nhưng việc tăng vốn là rất cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai”, SSI Research chia sẻ.

Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hơn 44%

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của BIDV đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị độc lập của ông Lê Việt Cường từ 1-5, theo nguyện vọng cá nhân.

Cổ đông bầu ông Nguyễn Quang Huy – nguyên Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – giữ chức thành viên Hội đồng quản trị độc lập BIDV nhiệm kỳ 2017-2022 từ ngày 1-5.

Ông Huy đã có nhiều năm giữ các vị trí quan trọng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như Trưởng phòng Vụ quan hệ quốc tế, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, ban lãnh đạo BIDV trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỉ đồng, tăng hơn 44% so với mức thực hiện của năm 2020.

Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng ở mức 10-12%, huy động vốn tăng trưởng ở mức 12-15%. Còn tỉ lệ nợ xấu ở thời điểm cuối năm 2021 dự kiến ở mức dưới 1,6%.

Ban lãnh đạo BIDV cho biết, động lực giúp tăng lợi nhuận là tiết kiệm chi phí vốn thông qua việc tăng tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) từ mức 14% lên 16% vào cuối năm nay. Ngoài ra, khoản thu từ dịch vụ và thu nợ ngoại bảng của ngân hàng dự kiến đạt mức 8.000 tỉ đồng.

Với khoản chi phí dự phòng liên tục tăng mạnh trong nhiều năm, ông Phan Đức Tú cho biết đây là kết quả của nỗ lực làm sạch bảng cân đối tài sản của ngân hàng, sau thời gian phát triển mạnh về quy mô nhưng để lại một số khiếm khuyết.

“Quan điểm của BIDV là đạt hiệu quả trong dài hạn nên trích lập dự phòng khá nhiều, khiến lợi nhuận khá khiêm tốn so với tổng tài sản”, ông Tú cho biết.

Chủ tịch BIDV cũng khẳng định việc chí phí dự phòng lớn hơn lợi nhuận sẽ được giải quyết trong kế hoạch 5 năm tới, khi dự phòng bao phủ nợ xấu được đưa lên mức 130%.

“Chúng tôi quyết tâm giảm tỷ lệ trích dự phòng và cải thiện lợi nhuận trong 5 năm tới. Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng trung bình 5 năm tới là từ 24 đến 38%”, ông Tú chia sẻ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới