Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

BIDV xúc tiến đầu tư sang Myanmar, Czech

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

BIDV xúc tiến đầu tư sang Myanmar, Czech

Thanh Thương

BIDV xúc tiến đầu tư sang Myanmar, Czech

Nhà đầu tư đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo BIDV trong buổi giới thiệu IPO sáng ngày 11-12. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Trong buổi giới thiệu chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được tổ chức hôm 11-12 tại TPHCM, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, cho biết BIDV sẽ đẩy mạnh đầu tư sang Myanmar và Czech trong năm sau.

>>> BIDV sắp chào bán lần đầu 3% cổ phần

>>> Giá khởi điểm IPO của BIDV là 18.500 đồng

Ông Hà cho rằng Myanmar là thị trường có tiềm năng, sau 30 năm ít phát triển thì tốc độ mở cửa hiện nay của nền kinh tế này là rất nhanh, đây cũng là cơ hội cho ngân hàng Việt Nam và “nếu chậm chân thì không còn chỗ”.

Còn tại Czech, ngân hàng đang xúc tiến hoạt động đầu tư tài chính với khoảng 7 triệu đô la Mỹ (khoảng 147 tỉ đồng), có phần đóng góp của đại diện cộng đồng người Việt Nam ở đây.

Trước đó, tháng 6-1999, BIDV đã liên doanh với Ngân hàng ngoại thương Lào để hình thành Ngân hàng Lào Việt, đến nay có 5 chi nhánh, 350 nhân viên. Theo ông Hà, việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam kém hiệu quả là do đầu tư trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn và sinh lợi phải kéo dài. Tại Lào, năm ngoái BIDV đã có lãi, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn 19%, năm nay cũng tương đương. Tại Cambodia, từ năm 2008 BIDV đã đầu tư hoạt động ngân hàng ở đây, và lợi nhuận cũng đã có dù chưa nhiều.

Về việc hỗ trợ vốn cho 3 ngân hàng hợp nhất (Ngân hàng TMCP Đệ Nhất – FicomBank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa – TinNghiaBank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB) theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ông Hà cho biết BIDV đã cho vay qua liên ngân hàng với số tiền 2.400 tỉ đồng, và toàn bộ số dư nợ trên có tài sản đảm bảo với tổng số tài sản của 3 ngân hàng là 30.000 tỉ đồng. Tính đến ngày 30-9, BIDV cũng đã cho vay trên thị trường liên ngân hàng là 59.000 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ còn hơn 20.000 tỉ đồng, đa phần đều có tài sản đảm bảo để tránh nợ xấu.

Trong buổi giới thiệu cổ phiếu hôm 11-12, nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều đến lợi nhuận của BIDV trong 9 tháng, và cho rằng chưa cao. Giải thích điều này, đại diện ban giám đốc ngân hàng cho biết, một phần lợi nhuận giảm là do lượng vốn huy động từ tổ chức kinh tế giảm từ khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm trần lãi suất từ ngày 7-9. Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn cũng khiến nợ xấu tăng cao. Đầu năm nay, BIDV dự định trích lập 1.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, nhưng hiện đã quyết định tăng lên 4.800 tỉ đồng, đây cũng là một nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm.

Đến ngày 30-11, tổng tài sản của BIDV đạt 403.000 tỉ đồng; huy động vốn đạt 274.000 tỉ đồng; tín dụng đạt 268.200 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 4.100 tỉ đồng; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 10%.

Đề cập đến thời điểm IPO, ông Hà cho biết các yếu tố kinh tế vĩ mô đều có dấu hiệu phục hồi, vì vậy BIDV chọn thời điểm này là hợp lý. Ông cũng đề xuất tái cấu trúc thị trường chứng khoán từ cơ chế vận hành, khuôn khổ pháp lý cho đến thực tiễn thị trường, giảm số lượng công ty chứng khoán. Theo đó, Ủy ban chứng khoán nên sớm công bố các quy định về quỹ mở vì trong năm sau đa phần các quỹ đóng đã hết hạn, nhiều quỹ đầu tư sẽ bán cổ phiếu rút tiền về, gây ảnh hưởng đến thị trường. Đồng thời, ông đề xuất chính phủ nên có động thái sớm để hỗ trợ thị trường này.

Ông Hà cam kết cổ tức sẽ trả bằng tiền mặt và không thấp hơn lãi suất huy động tiết kiệm bình quân 12 tháng và không thấp hơn so với các ngân hàng có cùng quy mô đang niêm yết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới