Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biến đổi do… con người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biến đổi do… con người

Hồng Văn

(TBKTSG) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng hạ lưu của sông Mekong, do vậy vùng châu thổ này chịu mọi tác động của con người ở vùng thượng lưu.

>> Nguy cơ từ các nhà máy thủy điện trên sông Mekong

Tại một hội thảo về nước biển dâng và biến đổi khí hậu tác động tới ĐBSCL, nhiều nhà khoa học lo ngại, không chỉ những biến đổi khí hậu toàn cầu, mà chính những thay đổi do con người tạo ra đã và đang tác động tiêu cực tới vùng châu thổ này.

Theo một nhà khoa học thủy lợi, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL phải phân tích những tác động của con người ở vùng thượng lưu, như xây dựng thủy điện, kế hoạch sử dụng nước. Chẳng hạn khi mưa lũ, các đập thủy điện ở thượng nguồn xả lũ đồng loạt sẽ gây ngập úng nhanh chóng cho cả ĐBSCL, hoặc ngược lại, khi các con đập này giữ nước thì ĐBSCL có thể bị khô hạn, bị thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, mặn xâm nhập sâu mà chẳng cần nước biển dâng.Vào mùa khô, ĐBSCL cần lưu lượng nước tối thiểu 600-650 mét khối/giây.

Theo tính toán của các nhà khoa học, tới năm 2010, lưu lượng nước vào tháng hai có thể đạt 1.015 mét khối/giây và tháng 4, tháng kiệt nhất, chỉ được 846 mét khối/giây, gần mức tối thiểu. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai, khi mà xu hướng xây đập tích nước để khai thác thủy điện và thủy lợi đang phát triển mạnh ở vùng thượng lưu.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết ông có sang Campuchia dự hội nghị Ủy hội sông Mekong. Phía Campuchia thông báo cho ông chương trình đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của họ tới năm 2020 với chỉ tiêu xuất khẩu tám triệu tấn gạo, đưa diện tích sản xuất lúa một vụ/năm lên 2-3 vụ/năm, đồng thời khai khẩn thêm hàng triệu héc ta đất hoang hóa, nhất là vùng giáp với Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười của Việt Nam.

“Chúng ta phải tính toán lại quy hoạch thủy lợi, vì nếu Campuchia đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thì có nghĩa họ xây dựng lại hệ thống thủy lợi và dùng một lượng nước lớn từ sông Mekong, có thể vụ lúa hè thu của Việt Nam bị thiếu nước trầm trọng”, ông Nguyên cảnh báo.

Ba năm trước, một quan chức của Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết, Trung Quốc cam kết hợp tác và cung cấp các thông tin dự báo lũ ở đầu nguồn sông Mekong thuộc địa giới của nước này cho các nước thuộc lưu vực sông, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên lúc đó Trung Quốc mới hoàn thành và vận hành hai đập thủy điện có công suất nhỏ, với lượng nước tích trữ 450-470 triệu mét khối. Hiện nước này đang xây dựng hai đập thủy điện có công suất lớn, với lượng nước tích trữ hơn 20 tỉ mét khối. Khi hai đập thủy điện này đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ chi phối tới 16% lưu lượng dòng chảy của sông Mekong và tác động tới các nước vùng hạ lưu sẽ không nhỏ chút nào.

Một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc đã mời cơ quan chức năng của Việt Nam đến các nơi xây đập thủy điện, đồng thời cam kết cung cấp các thông tin liên quan tới vận hành đập thủy điện và đặc biệt là cam kết việc vận hành của các đập thủy điện này không tác động xấu đến môi trường trong lưu vực sông Mekong.

Ông nói: “Hiện tại vào mùa nước lũ, phía Trung Quốc cung cấp các số liệu dự báo lũ, mực nước đầu nguồn nhưng chúng tôi đang yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp thông tin vào mùa khô hạn khi Việt Nam thường bị mặn xâm nhập”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới