Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biến đổi khí hậu, chiến tranh gây sức ép lên ngành tái bảo hiểm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Môi trường kinh doanh trở nên khó khăn đối với các công ty tái bảo hiểm trong vài năm qua. Các yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản do thảm họa thiên nhiên và thiệt hại liên quan đến đại dịch Covid-19 đã xóa sạch một phần lớn lợi nhuận của họ.

Các thảm họa nhiên nhiên như lụt bão, cháy rừng ngày càng diễn ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, khiến các công ty tái bảo hiểm hàng đầu thế giới phải rút lui hoặc thu hẹp hoạt động ở mảng kinh doanh bảo hiểm thiệt hại tài sản do thiên tai. Ảnh: Insurance Insider

Hàng loạt vấn đề nóng gần đây trên toàn cầu từ chiến tranh ở Ukraine, lạm phát tăng vọt cho đến các rủi ro ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu đã khiến ngành công nghiệp tái bảo hiểm phải quyết liệt hành động để thích ứng. Ở một số lĩnh vực, các công ty tái bảo hiểm tăng phí và ở một số lĩnh vực khác, họ rút lui hoàn toàn.

Các công ty tái bảo hiểm đóng một vai trò quan trọng trong thương mại và nền kinh tế toàn cầu bằng cách giúp các công ty bảo hiểm giảm rủi ro từ các yêu cầu bồi thường lớn có thể “xóa sổ” họ. Tổng nguồn vốn tái bảo hiểm 700 tỉ đô la trên toàn cầu mang lại cho các công ty bảo hiểm sự tự tin để cung cấp bảo hiểm cho một thị trường rộng lớn hơn nhiều.

Trong số những nhà cung cấp chính sách tái tái bảo hiểm lớn nhất thế giới có bốn công ty ở châu Âu gồm Munich Re, Swiss Re, Hannover Re và Scor, cũng như thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm Lloyd’s of London và Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett.

Giám đốc điều hành Swiss Re, Christian Mumenthaler, cho biết trong những năm gần đây, mức phí của các chính sách tái bảo hiểm cho thảm họa thiên nhiên chỉ tăng “rụt rè”, nhưng hiện nay đang tăng mạnh sau 3 năm chịu tổn thất cao hơn vì thua lỗ.

Đối với các hợp đồng tái bảo hiểm gia hạn hồi tháng 7, Swiss Re đã tăng phí thêm 12% ở mảng tái bảo hiểm thiệt hại tài sản do thảm họa bao gồm thiên tai.

Các lãnh đạo trong ngành lưu  ý thị trường tái bảo hiểm đang thắt chặt do nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh lạm phát làm tăng giá trị của những gì được bảo hiểm, và sự sụt giảm nguồn cung sau khi một số công ty tái bảo hiểm rút lui, đặc biệt là ở mảng tái bảo hiểm liên quan đến thảm họa thiên nhiên do sức ép của các nhà đầu tư,

Aki Hussain, Giám đốc điều hành Hiscox, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất trên thị trường London, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng thị trường tái bảo hiểm đang thay đổi mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, phí tái bảo hiểm tăng chậm nhưng hiện nay lần đầu tiên tăng nhanh hơn phí bảo hiểm.”

Một yếu tố khác khiến phí tái hiểm tăng là những yêu cầu bồi thường thiệt hại lớn do hậu quả của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Các công ty bảo hiểm trong các lĩnh vực như hàng không hiện đang đối mặt với các yêu cầu bồi thường hàng tỉ đô la từ các chủ sở hữu của hàng trăm máy bay cho thuê bị mắc kẹt tại Nga.

Khi các công ty tái bảo hiểm thu hẹp hoạt động, điều này có thể tạo ra cái gọi là “thị trường cứng”, nơi nhu cầu về cơ bản vượt xa nguồn cung, dẫn đến phí tái bảo hiểm tăng vọt.

Gần đây, một số công tái bảo hiểm đã rời khỏi mảng bảo hiểm thảm họa thiên nhiên. Ngoài ra, những tổn thất lớn liên quan đến chiến tranh Ukraine có thể thúc đẩy một số công tái bảo hiểm cắt giảm rủi ro.

Sau nhiều năm biến động và các yêu cầu bồi thường thiệt hại ngày càng tăng, hồi tháng 6, Công ty tái bảo hiểm Axis Capital, có cổ phiếu niêm yết tại New York, tuyên bố sẽ rút khỏi mảng kinh doanh tái bảo hiểm tài sản, bao gồm mảng bảo hiểm thiệt hại tài sản do thiên tai. Giám đốc điều hành Axis Capital, Albert Benchimol cho biết “những tác động đáng kể và ngày càng tăng của biến đổi khí hậu cũng như những thách thức mà thị trường tái bảo hiểm đang gặp phải” đã buộc công ty phải hành động.

Trước đó một tháng, Công ty tái bảo hiểm Scor của Pháp cho biết đang giảm 15% sự hiện diện ở  mảng bảo hiểm thiệt hại tài sản do thiên tai. Trong khi đó, hãng bảo hiểm Axa của Pháp tiết lộ đơn vị tái bảo hiểm của hãng đã cắt giảm 40% quy mô ở mảng bảo hiểm thiệt hại tài sản thảm họa thiên nhiên vào hồi đầu năm.

Các lãnh đạo và công ty môi giới trong ngành tái bảo hiểm cho rằng một số động thái trên là do áp lực của nhà đầu tư đối với các công ty tái bảo hiểm. Rod Fox, đồng sáng lập Công ty môi giới tái bảo hiểm TigerRisk, nói các nhà đầu tư không muốn chịu thêm rủi ro ở mảng tái bảo hiểm thiệt hại tài sản do thiên tai,

Lara Mowery, Giám đốc phân phối toàn cầu Công môi giới tái bảo hiểm Guy Carpenter, trong những năm gần đây, nguồn cung sản phẩm tái bảo hiểm ở mảng thiệt hại tài sản do thảm họa vượt quá nhu cầu, dẫn đến mức phí thấp,

Tuy nhiên, bà cho biết hiện nay, mức phí tái bảo hiểm đang tăng nhanh khi các nhà cung cấp thu hẹp các sản phẩm giữa lúc nhu cầu tăng lên.

Một dấu hiệu cho thấy tình hình đang thay đổi đến vào tháng 6, thời điểm bận rộn cho việc gia hạn các chính sách tái bảo hiểm thiệt hại tài sản do thảm họa họa tập trung vào thị trường Florida, Mỹ. Theo TigerRisk, nguồn cung suy giảm một trong những yếu tố khiến chi phí tái bảo hiểm tăng trung bình từ 20 đến 30%.

Công ty môi giới tái bảo hiểm Aon ghi nhận lần đầu tiên kể từ sau các siêu bão tàn phá nước Mỹ vào năm 2004 và 2005, nguồn cung sản phẩm tái bảo hiểm thiệt hại tài sản do thiên tai giảm mạnh, thậm chí một số công ty tái bảo hiểm rút lui hoàn toàn khỏi mảng này.

Aon nhận định những khách hàng tìm kiếm chính sách tái bảo hiểm trong các lĩnh vực như hàng không và hàng hải cũng sẽ đối mặt với mức phí tăng lên đáng kể khi gia hạn hợp đồng do các công ty tái bảo hiểm phải tính toán các tổn thất tiềm tàng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới