Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biến đổi khí hậu và phát triển đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biến đổi khí hậu và phát triển đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL

Nguyễn Văn Kiền (*)

Biến đổi khí hậu và phát triển đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL
Đê bao ở huyện Tân Hồng, tình Đồng Tháp, bị hư hại nghiêm trọng do lũ. Ảnh: Huỳnh Kim.

(TBKTSG) – Ở ĐBSCL lũ đang lên rất nhanh. Hơn 4.000 héc ta lúa thu đông ở An Giang bị nhấn chìm, và hàng ngàn héc ta lúa ở các tỉnh khác đang bị đe dọa nghiêm trọng. Thực tế này đặt lại vấn đề nên chăng phát triển đê bao khép kín ồ ạt để sản xuất lúa vụ ba như hiện nay trong viễn cảnh biến đổi khí hậu ở ĐBSCL?

Từ khi ra đời Quyết định số 99/TTg- ngày 9-2-1996 về việc “phát triển thủy lợi, giao thông, xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL”, đê bao và bờ bao ở ĐBSCL được xây dựng một cách nhanh chóng. Đến năm 2008, toàn vùng ĐBSCL có đến 12.000 ki lô mét đê bao (đê cao) được xây dựng, hình thành 1.200 tiểu vùng khép kín.

Mặc dù lũ được coi là lợi thế, nhưng việc hình thành bờ bao nhằm sản xuất vụ ba vẫn tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trong vùng ngập lũ ĐBSCL. Một trong những động cơ xây dựng đê bao triệt để là hình thành những vùng sản xuất lúa vụ ba nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu, cải thiện đời sống nông dân, và phục vụ giao thông nông thôn. Hơn 50% sản lượng gạo được xuất khẩu hàng năm là từ ĐBSCL. Chính phủ vừa hỗ trợ 93 tỉ đồng tăng diện tích lúa vụ thu đông năm 2011 cho các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, các tỉnh vùng ngập lũ sâu được nhận mức cao hơn vùng ít ngập lũ. Điều đó cho thấy định hướng diện tích đê bao triệt để ba vụ cho vùng thường xuyên ngập lũ khá rõ.

Việc xây dựng hệ thống đê bao bờ bao ở ĐBSCL chưa được xem xét đầy đủ trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH). Với thiết kế đê bao, bờ bao hiện nay (chỉ có thể chống lũ năm 2000), liệu có đủ sức để chống lũ lớn không? Thực tiễn cho thấy nhiều nơi đầu nguồn sông Cửu Long đã phải vất vả gia cố đê bao để bảo vệ hàng ngàn héc ta lúa vụ thu đông năm 2011. Riêng ở huyện Hồng Ngự – Đồng Tháp có đến 200 héc ta lúa đã bị mất trắng và có hàng ngàn héc ta lúa thu đông ở An Giang và Đồng Tháp đang bị đe dọa vỡ đê bất cứ lúc nào. Từ thực tế và kết quả các nghiên cứu trên thế giới, chính sách sống chung với lũ ở ĐBSCL hiện nay cần phải nghiên cứu kỹ trong bối cảnh BĐKH.

Có nên tăng diện tích đê bao ba vụ như hiện nay?

Theo dự báo của IPCC (Cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu 2007), lũ lụt sẽ có xu hướng nhiều hơn ở châu Á, đặc biệt là các vùng đồng bằng thấp ở Đông Nam Á. Theo Ngân hàng Thế giới (2007) thì Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi BĐKH trong khu vực châu Á. Một nghiên cứu của Wassaman và cộng sự (2004) dự báo rằng, nếu mực nước biển dâng lên 30 cen ti mét, kết hợp với mưa lớn cục bộ trong mùa lũ, thì hầu hết diện tích lúa của ĐBSCL bị nhấn chìm, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn. Một báo cáo gần đây nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009) cho thấy mực nước biển đã đâng lên 20 cen ti mét trong vòng 50 năm qua, và sẽ tăng khoảng 65-100 cen ti mét vào năm 2100.

Nhiều nước trên thế giới có xu hướng chuyển một số vùng đê bao có nguy cơ bị ngập lụt cao trở về trạng thái tự nhiên. Điển hình là Hà Lan, một đất nước có hơn hai phần ba diện tích đất nằm dưới mực nước biển, và đê bao được xây dựng vào khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Đến thế kỷ thứ 11, phong trào khai hoang mở đất được phát triển, và một số tuyến đê chính được hình thành dọc các bờ sông Rhine, Maas, và Waal. Đặc biệt, nhiều đê bao, bờ bao được hình thành vào năm 1932. Đến năm 1984, nhiều tuyến đê đã được nâng cao đến 4,5 mét so với mực nước biển.

Tuy nhiên, trong lịch sử hình thành đê bao, bờ bao của Hà Lan có những thành công và cũng có những thất bại cần được xem xét. Vào những năm 1420, trận lũ lịch sử có tên là “St Elizabeth” đã cướp đi 10.000 sinh mạng người dân xứ hoa tulip. Lũ năm 1953 đã cướp đi 1.800 dân, do đó Chính phủ Hà Lan tiếp tục hình thành dự án xây đê cao hơn và đóng các cửa sông chính, thậm chí có khả năng chống lũ xác suất 1/10.000 năm (tức là lũ lớn 10.000 năm xuất hiện 1 lần). Thế nhưng, lũ lớn năm 1995 làm vỡ đê 500 ki lô mét đê bao dọc bờ biển Tây Nam của Hà Lan, làm 250.000 người phải di tản gấp.

Kể từ đó, Quốc hội Hà Lan đã ban hành một đạo luật về thiên tai và thừa nhận rằng việc xuất hiện lũ càng lớn là do con người tạo ra, vì nhiều vùng đất ngập nước tự nhiên đã chuyển thành khu dân cư, khu công nghiệp và đất nông nghiệp, cùng với hệ thống đê bao và bờ bao chằng chịt. Quan niệm về quản lý lũ ở Hà Lan được xem xét lại, không chỉ đơn thuần dựa vào xác suất lũ xuất hiện (như lũ 100, 1.000, 10.000 năm) để thiết kế đê bao, mà rủi ro được xác định bởi một hàm số gồm xác suất lũ xuất hiện nhân với hệ quả của lũ (thiệt hại do lũ gây ra). Đặc biệt, khi đê bao và bờ bao được hình thành, thì đầu tư vào nông nghiệp, nhà ở, công nghiệp càng nhiều, do đó rủi ro thiệt hại sẽ càng cao. 

Vì sao đê bao và bờ bao dẫn đến lũ lớn hơn?

Nghiên cứu của Ying và Li (2001) chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến mực nước lũ ngày càng cao hơn trên sông Yên Tử của Trung Quốc. Nguyên nhân thứ nhất là chặt phá rừng ở thượng nguồn làm cho nước không được giữ lại dẫn đến lũ hạ lưu. Nguyên nhân thứ hai là việc khai hoang đất kèm theo sự bồi lắng ở các hồ chứa làm thiếu không gian chứa nước trong mùa lũ, dẫn đến lũ cục bộ. Nguyên nhân thứ ba là việc xây dựng các con đê, bờ bao ven sông ngòi, kênh rạch ngăn chặn lũ làm cho phù sa bị bồi lắng ở đáy sông, kênh, rạch qua nhiều năm, dẫn đến dòng chảy bị yếu đi, nên thoát lũ rất chậm.

Ở ĐBSCL, nghiên cứu của Lê Thị Việt Hoa và cộng sự (2007) cho thấy việc xây đê bao triệt để sản xuất lúa vụ ba ở An Giang làm cho nước lũ có xu hướng di chuyển theo hướng đông bắc ĐBSCL và làm nước cao hơn ở vùng Đồng Tháp Mười và tỉnh Long An. Các nguyên nhân trên cho thấy rằng việc xây đê bao, bờ bao khép kín sẽ làm tăng khả năng xảy ra lũ lớn cục bộ, và cả diện rộng.

Vậy làm sao sống chung với lũ?

Giải pháp phi công trình (non-structured measures). Một nghiên cứu của đồng tác giả Wong và Zhao (2001) cho thấy rằng trận lũ lịch sử năm 1994 ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã nhấn chìm 9.000 ngôi làng, phá hủy 100.000 héc ta lúa hè thu, và 230.00 ngôi nhà, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 3,2 tỉ nhân dân tệ. Có đến 102 người bị chết và 2.000 người bị thương do trận lũ này. Nhiều bờ bao đê bao bị vỡ, không thể kiểm soát được lũ. Người dân tỉnh Quảng Đông mới nhận ra rằng giải pháp công trình (đê), không thể hoàn toàn chống lại lũ lớn. Và họ cho rằng việc lũ xảy ra là điều không thể tránh khỏi, trong khi đê bao không thể xem là giải pháp tối ưu. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho rằng BĐKH sẽ ảnh hưởng nhiều đến những cộng đồng có sinh kế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, do đó chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp sẽ giúp thích ứng tốt với BBĐKH.

Kết hợp giữa giải pháp công trình và sinh thái. Chính quyền Hà Lan đã nhận ra rằng giải pháp kỹ thuật (xây đê bao, bờ bao cao hơn) không có hiệu quả về lâu dài, đặc biệt là trong những trận lũ lớn của lịch sử. Từ đó, chính sách nới rộng không gian cho sông (rooms for river) ra đời vào đầu thập niên 2000. Mục đích của chính sách này là nới rộng không gian để chứa nước lũ bằng việc chuyển đổi một số vùng đất nông nghiệp không hiệu quả, ít dân cư trở về trạng thái nguyên thủy (đất ngập nước), đồng thời khai thác du lịch sinh thái trên các vùng đất ngập nước trên. Chích sách này đã giúp Hà Lan kết hợp cả giải pháp kỹ thuật và sinh thái để quản lý lũ, và giảm sự tổn thương bởi lũ.

Trong khi các nước có truyền thống lâu đời trong quản lý lũ điển hình là Hà Lan và Trung Quốc có xu hướng đẩy mạnh sang giải pháp phi công trình và sinh thái, thì ở ĐBSCL lại có xu hướng đi ngược lại. Hà Lan từng xây đê bao, bờ bao qua nhiều thế kỷ, nhưng nay lại trở về điều kiện tự nhiên cho một số vùng, nhằm tạo thêm không gian để chứa nước trong điều kiện biến đổi bất thường của khí hậu. Điệp khúc cắt lúa chạy lũ, gia cố bờ bao, đê bao trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người dân ở ĐBSCL.

Việc xây dựng nhiều công trình bờ bao, đê bao tiểu vùng để sản xuất lúa vụ ba có thể đạt mục tiêu ngắn hạn như tăng sản lượng lúa, nhưng về lâu dài cần phải phân tích, tính toán sao cho thích ứng với bối cảnh BĐKH. Nên dành nhiều không gian đê chứa lũ, chỉ làm vụ ba ở những vùng ngập nông, không phát triển đê bao khép kín ồ ạt như hiện nay. Một khi đê bao đã hình thành, cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đầu tư cho nông nghiệp tăng, thì thất thoát do lũ gây ra sẽ là cấp số nhân.

________
(*) Giảng viên Đại học An Giang, nghiên cứu sinh về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL tại Đại học Quốc gia Úc.
Một số dữ liệu trong bài được lấy từ các nghiên cứu của: Dương Văn Nhã 2006, Conway 2003, Bauduin và cộng sự 1999, Geomans và Visser 1987; Wesselink 2007, Bezuyen và cộng sự 1998…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới