Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biến động sở hữu ngân hàng và câu chuyện làm mới cơ cấu cổ đông

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cơ cấu cổ đông của nhiều ngân hàng đang và sắp có những thay đổi đáng chú ý, đến từ việc thoái vốn của các tập đoàn nhà nước, các thương vụ sáp nhập mới hay bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này liệu sẽ có những ảnh hưởng gì lên hệ thống ngân hàng và nền kinh tế?

Từ cổ đông trong nước

Ngày 7-4-2023, Petrolimex sẽ tổ chức đấu giá 120 triệu cổ phiếu PGB tương ứng 40% vốn điều lệ tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank), với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu trên sàn HOSE. Sau hơn 16 năm đầu tư, việc Petrolimex thoái vốn toàn bộ tại PGBank đang thu hút sự chú ý của thị trường. Theo thông tin từ sàn HOSE đầu tuần này (3-4-2023), đã có chín cá nhân và bảy tổ chức trong nước đăng ký tham gia đợt chào bán này, với tổng khối lượng đăng ký mua gần 213 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu PGB đã leo từ mức quanh 18.000 đồng lên gần 23.000 đồng/cổ phiếu trong hai tuần qua.

Trong một diễn biến khác, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) cho biết ngân hàng này đang chuẩn bị phương án sáp nhập thêm một ngân hàng để trình đại hội đồng cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, nhằm giúp Hàng hải Việt Nam tăng quy mô nhanh hơn, với PGBank là một trong số các ngân hàng được quan tâm. Cần biết rằng thời gian gần đây đã có một loạt nhân sự từng giữ các vị trí quan trọng tại Hàng hải Việt Nam lần lượt gia nhập PGBank.

Trước đó, PGBank từng là ngân hàng nằm trong kế hoạch nhận sáp nhập của VietinBank vào năm 2015 và HDBank vào năm 2018, tuy nhiên các thương vụ này đều bị ngừng lại vào phút chót. Nếu như mối lương duyên giữa PGBank với VietinBank không thành là do không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan tới giao dịch vì quyền lợi của các cổ đông, thì với HDBank là do Petrolimex có chiến lược thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng tại PGBank nên HDBank thấy không còn phù hợp với việc sáp nhập.

Đối với ngành ngân hàng, việc thay đổi, làm mới cơ cấu cổ đông giúp các ngân hàng này có điều kiện tái cấu trúc lại hoạt động, gia tăng năng lực quản trị, điều hành, thu hút thêm dòng vốn đầu tư mới để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, mạng lưới phân phối, cải thiện các hệ số an toàn và khả năng cạnh tranh.

Petrolimex không chỉ là cổ đông lớn của PGBank mà còn là đối tác lớn khi có 2.600 trạm xăng Petrolimex chấp thuận thanh toán thẻ PGBank, 184 công ty con và đối tác của Petrolimex cũng có hợp tác làm ăn với PG Bank… Rõ ràng việc Petrolimex thoái vốn sẽ có tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh của PGBank và phần nào giảm đi sức hấp dẫn của ngân hàng này. Một số tác động có thể kể đến liên quan đến tiền gửi, khoản vay, bảo lãnh phát hành, tài khoản ngân hàng, dịch vụ thanh toán tại các trạm xăng.

Theo Petrolimex, quyết định thoái vốn khỏi PGBank nhằm tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và để các nhà đầu tư có thể sở hữu tỷ lệ cao tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Đây cũng là định hướng mà Tổng cục Bưu điện Việt Nam (VNPost) nhắm tới khi quyết định thoái vốn khỏi Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (HOSE:LPB).

Cụ thể, sau khi thất bại trong việc bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phiếu LPB vào đầu năm 2022 thì đầu tháng 2-2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận đề nghị của Bưu điện Liên Việt về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu cổ phiếu LPB do VNPost sở hữu. Được biết VNPost sẽ đấu giá số cổ phiếu này vào ngày 21-4-2023 với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu LPB tại thời điểm đầu tuần này (ngày 3-4) đang nằm tại mức 15.500 đồng/cổ phiếu.

Đáng lưu ý là mới đây NHNN đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2015/TT-NHNN ngày 31-12-2015 quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Bưu điện Liên Việt. Theo đó, kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của Bưu điện Liên Việt, phòng giao dịch bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó và đến hạn trả thì Bưu điện Liên Việt, phòng giao dịch bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng và chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch bưu điện.

Mạng lưới phòng giao dịch bưu điện từng được đánh giá là điểm hấp dẫn nhất của Bưu điện Liên Việt, khi trong thỏa thuận trước đây giữa VNPost và Bưu điện Liên Việt đã thống nhất thời hạn hợp tác là 50 năm. Theo đó, Bưu điện Liên Việt từng có định hướng sẽ nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện, giúp mạng lưới của ngân hàng này có thể mở rộng nhanh chóng lên tốp đầu hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh các ngân hàng khác có những hạn chế trong việc thành lập các phòng giao dịch mới. Tuy nhiên, với kế hoạch thoái vốn của VNPost và tương lai các phòng giao dịch bưu điện phải chấm dứt hoạt động, triển vọng của Bưu điện Liên Việt đã giảm đi đáng kể.

Đến cổ đông nước ngoài

Không chỉ biến động sở hữu từ cổ đông lớn là các tập đoàn nhà nước, một số ngân hàng cũng đang và sẽ chứng kiến sự xáo trộn trong sở hữu của cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, tâm điểm mới đây nhất là thương vụ bán 15% vốn của VPBank cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với giá lên đến 1,5 tỉ đô la Mỹ.

SMBC từng là cổ đông chiến lược tại Eximbank từ năm 2007 với tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ Eximbank. Tuy nhiên, trước cuộc tranh giành giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank trong nhiều năm qua, SMBC đã quyết định rút khỏi Eximbank, sau khi bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư trong nước vào 13-1-2023 và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Eximbank xuống dưới 5%. Do đó, việc chuyển hướng đầu tư vào VPBank là không quá bất ngờ, khi SMBC hồi tháng 10-2021 đã mua 49% cổ phần tại FECredit – cũng thuộc sở hữu của VPBank.

Hồi cuối năm 2022, thị trường từng rộ lên tin tức Sacombank (HOSE:STB) có kế hoạch bán đấu giá 32,5% cổ phần của ngân hàng này đang được VAMC quản lý cho đối tác nước ngoài trong năm 2023. Giá trị khoản nợ này là khoảng 10.000 tỉ đồng, tương ứng mức giá chào bán khoảng 18.000-19.000 đồng/cổ phiếu. Thông tin này đã là một trong những chất xúc tác mạnh mẽ kéo giá cổ phiếu STB từ tháng 11-2022 đến nay.

Hay mới đây nhất là việc NHNN đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong nước. Theo đó, mức room ngoại tối đa của những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ do Chính phủ quyết định. Trừ các ngân hàng thương mại cổ phần gốc nhà nước, tỷ lệ này được phép vượt quá mức room ngoại tối đa 30% tại các ngân hàng nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.

Trong số bốn ngân hàng có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc là Vietcombank, MBBank, HDBank và VPBank, ngoại trừ Vietcombank có gốc nhà nước, ba ngân hàng còn lại đều có cơ hội được nới room ngoại lên mức tối đa 49%. Trong đó, với MBBank có đặc thù phục vụ các nhóm khách hàng quân đội và chi lương cho lực lượng quân nhân, có lẽ việc bán vốn với tỷ lệ sở hữu vượt trội cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải là giải pháp tối ưu.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 6, điều 7 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014 nói trên, các tổ chức tín dụng yếu kém cũng có thể được Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vượt quy định 30%. Như vậy, trong thời gian tới, ít nhất sáu ngân hàng thương mại cổ phần có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ, chiếm tương đương 17,14% số ngân hàng thương mại cổ phần.

Nếu như việc thoái vốn của các tập đoàn nhà nước giúp mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ thêm cho chính sách tài khóa mở rộng, thì việc bán vốn cho các cổ đông nước ngoài của các ngân hàng sẽ giúp mang về thêm một lượng ngoại tệ lớn trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ chính sách tiền tệ khi giúp tỷ giá ổn định và tạo điều kiện cho NHNN gia tăng thêm dự trữ ngoại hối, từ đó cũng có thể giúp lãi suất tiền đồng có điều kiện giảm thêm.

Đối với ngành ngân hàng, việc thay đổi, làm mới cơ cấu cổ đông cũng giúp các ngân hàng này có điều kiện tái cấu trúc lại hoạt động, gia tăng năng lực quản trị, điều hành, thu hút thêm dòng vốn đầu tư mới để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, mạng lưới phân phối, cải thiện các hệ số an toàn và khả năng cạnh tranh. Tất cả những yếu tố trên đều góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành ngân hàng, dù trước mắt có thể một số ngân hàng này sẽ đối mặt với một số thách thức khi mất đi những cổ đông chiến lược và cũng là đối tác lâu năm, vốn có đóng góp và sức ảnh hưởng lớn vào hoạt động ngân hàng trong suốt những năm qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới