Thứ Sáu, 8/12/2023, 12:24
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Biến túi nylon, hộp giấy bỏ đi thành tiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biến túi nylon, hộp giấy bỏ đi thành tiền

Hồng Văn  

Bà Từ Bích Nguyệt, phụ trách môi trường của Tetra Pak Việt Nam đang cầm trên tay hộp sữa mà theo bà, sau khi uống xong, vỏ hộp có thể tái chế thành sản phẩm hữu ích-Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Túi nhựa của bà nội trợ sau khi đựng hàng hóa về nhà được sử dụng một thời gian ngắn rồi thành rác, hay hộp sữa tươi của trẻ em uống xong vứt vào sọt rác…  đều là những loại rác có thể tái chế để trở thành sản phẩm có ích cho cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường.  

Đây là nội dung chính của cuộc hội thảo “Quản lý rác bao bì nhựa và giấy ở TPHCM” do Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường TPHCM tổ chức ngày 18-8, trong mục tiêu hình thành quy chế quản lý chất thải bao bì nhựa và giấy – vốn đang là các chất thải tác động lớn tới môi trường sinh thái.  

Câu chuyện giấy tái chế và nylon tự hủy 

Câu chuyện mà đại diện Tetra Pak – nhà cung cấp dây chuyền máy đóng gói bao bì thực phẩm, mang đến hội thảo là việc thuyết phục khách hàng đẩy mạnh việc tái chế vỏ hộp giấy đựng sữa.

Bà Từ Bích Nguyệt, phụ trách môi trường của Tetra Pak Việt Nam, cho biết vào năm 2004, Tetra Pak đã cùng một số doanh nghiệp Việt Nam chạy thử nghiệm dây chuyền tái chế vỏ hộp giấy và năm 2005 bắt đầu hoạt động chính thức. Thời gian đầu, chỉ có 8 tấn vỏ hộp được tái chế mỗi năm, đến năm 2008 đã lên tới hơn 300 tấn với nhà máy giấy Thuận An ở Bình Dương.  

“Việc bóc tách vỏ các thành phần trong vỏ hộp gặp khó khăn cả về chi phí đầu tư lẫn công nghệ nên các doanh nghiệp Việt Nam đã không mặn mà khi Tetra Pak đề nghị”, bà Nguyệt kể.  

Hiện tại, Tetra Pak mới chỉ bóc tách vỏ hộp để lấy phần giấy tái chế làm sổ tay, túi giấy, giấy in danh thiếp, còn khoảng 25% vỏ hộp là kim loại và nhựa thì vẫn phải bỏ đi vì công nghệ tái chế của Việt Nam chưa đạt tới. Hơn một tháng trước, một nhà máy ở Bình Chánh đã cam kết với Tetra Pak là tái chế thành công phần nhựa dính liền với lớp nhôm của vỏ hộp thành các hạt dùng trong xử lý nước.  

Tuy nhiên, điều quan trọng mà Tetra Pak hướng tới là khơi dậy ý thức của người tiêu dùng sau khi uống sữa hay dùng thực phẩm có bao bì của công ty thay vì vứt đi sẽ thu gom để phục vụ cho việc tái chế. Công ty đã tổ chức nhiều chương trình vận động học sinh thu gom vỏ hộp sữa, hay các chương trình khuyến khích người tiêu dùng đổi vỏ hộp sữa để lấy sữa, nhằm tạo thành ý thức thu gom vỏ hộp ngay ở từng nhà dân, trường học.  

Câu chuyện mà ông Lê Lộc, Chủ tịch Công ty Phúc Lê Gia – một trong những doanh nghiệp tại TPHCM đi tiên phong trong việc sản xuất bao nylon tự hủy nhằm góp phần bảo vệ môi trường, kể tại hội thảo lại là hành trình khó khăn trong 5 năm tìm thị trường cho sản phẩm.

“Người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà phân phối hàng hóa vẫn còn thờ ơ với bao bì tự hủy và khi chúng tôi muốn chào hàng thì rất khó khăn,” ông Lộc kể, và nói thêm rằng dù đây là sản phẩm cần được khuyến khích nhưng khi doanh nghiệp xin được ưu đãi bằng chính sách thuế cũng gặp nhiều khó khăn.  

Theo ông Lộc, nhu cầu về bao bì tự hủy chưa cao do tâm lý người tiêu dùng chuộng bao nylon thông thường vì tiện lợi. Bên cạnh đó, Phúc Lê Gia còn gặp nhiều trở ngại từ nhiều ý kiến nghi ngờ bao bì tự hủy sẽ phát sinh nhiều khí CO2 làm ô nhiễm môi trường; nguồn nguyên liệu hữu cơ chế tạo bao bì cũng gặp phải ý kiến nghi ngờ sẽ tác động xấu tới môi trường.  

Khảo sát của công ty, bình quân mỗi ngày, một người dân thành phố dùng 3-4 túi nylon và thời gian tồn tại trong gia đình của một túi nylon từ 1-2 tháng, phần lớn bao nylon được người bán phát không cho người mua tại các chợ, cửa hàng, siêu thị. Trong khi túi nylon tự hủy hiện nay có giá bán cao hơn 3-4 lần so với túi nylon thông thường.  

“Không dễ gì cho túi nylon tự hủy thâm nhập thị trường nếu nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng không thay đổi cách nghĩ hoặc không có chính sách khuyến khích phát triển túi nylon tự hủy”.  

Bỏ phí nguồn tài nguyên  

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng rác thải là nguồn tài nguyên nhưng đang bị bỏ phí-Ảnh: Hồng Văn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày hệ thống xử lý chất thải rắn của thành phố phải thu gom và xử lý 5.600 – 6.000 tấn, đạt 93% toàn lượng rác thải với công nghệ xử lý là chôn lấp. Trong đó, rác thải là bao bì nhựa khoảng 2.200 tấn nhưng chỉ một phần nhỏ được người dân tái sử dụng hoặc phân loại để bán phế liệu, phần còn lại cũng chôn lấp như bao loại rác thông thường khác.  

Tương tự với bao bì nhựa, bao bì giấy cũng được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày, và mỗi ngày lượng giấy thải ra tại TPHCM hơn 1.400 tấn. Do công nghệ tái chế lạc hậu, chi phí cao nên lượng giấy thải đưa vào tái chế chiếm tỷ lệ rất thấp.  

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng quản lý chất thải rắn – Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết hiện tại thành phố có 700 cơ sở thu mua phế liệu và hàng trăm cơ sở tái chế giấy và nhựa nhưng ở quy mô nhỏ và rất nhỏ. Công nghệ tái chế thì 30 năm qua vẫn không hề thay đổi, rất lạc hậu nên thường gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh.  

Bao bì nhựa, giấy phế thải trong rác thải được ông Việt xem là “nguồn tài nguyên” nhưng tới nay, các văn bản pháp quy của nhà nước lẫn các chính sách khuyến khích tái chế vẫn chưa có. “Nhật có 11 luật quy định chi tiết về tái chế, Việt Nam mới chỉ có Luật Bảo vệ môi trường mà trong đó phần tái chế rác thải được đề cập rất ít”, ông Việt dẫn chứng.  

Ông lấy ví dụ sản xuất 1 tấn bột giấy cần tới 5 mét khối gỗ và 100 mét khối nước, nên tái chế được lượng giấy phế thải nói trên cũng là cách góp phần bảo bệ môi trường, hạn chế tàn phá rừng, suy kiệt nguồn nước.  

Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TPHCM thì cho rằng đã đến lúc nhà nước phải đánh thuế rác thải từ các nhà sản xuất bao bì nhựa, giấy, đồng thời có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp sử dụng bao bì tái chế, bao bì tự hủy.

Theo Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường TPHCM, hàng năm, toàn thành phố tiêu thụ khoảng 950.000 tấn bao bì nhựa và 800.000 tấn giấy. Các doanh nghiệp nhựa và giấy trong nước hiện đang nhập rác thải của nước ngoài về lọc ra nhựa và giấy để tái chế, còn rác thải trong nước thì tái chế chưa được 25% bao bì nhựa và 1% rác bao bì hộp giấy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới