Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biến tướng đa cấp 4.0: Thực hư ứng dụng MyAladdinz

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biến tướng đa cấp 4.0: Thực hư ứng dụng MyAladdinz

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Hoàn tiền (cashback) là một trong những phương thức giúp thúc đẩy doanh số trong thương mại điện tử, nhưng gần đây lại bị biến tướng và "gắn kết" thêm hình thức trả thưởng đa cấp với dấu hiệu huy động vốn trái phép. Từ thực trạng này, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo đến người dân.

Hoàn tiền 80% khi mua sắm: Mô hình kinh doanh xoáy vào lòng tham

Cashback biến tướng: Coi chừng “tham sáu đồng lãi mất năm mươi tư đồng vốn”

Biến tướng đa cấp 4.0: Thực hư ứng dụng MyAladdinz
Hình ảnh được chia sẻ trên một nhóm hoạt động của MyAladdinz trên mạng xã hội.

Khi đa cấp gắn "mác" hoàn tiền

Trong nhiều ngày qua, chị V.P.T.L được một người bạn rủ tham gia ứng dụng MyAladdinz. Là người chuyên bán hàng trực tuyến (online) trên mạng xã hội, chị L. cũng dao động trước lời quảng cáo về một thị trường “khổng lồ”, bán hàng rất chạy và quan trọng nữa là được “hoàn tiền” tới 80%.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người khác, chị L. không hiểu về cơ chế hoạt động của ứng dụng này, nên vẫn còn ngần ngại dù trong lòng cũng muốn cũng muốn tham gia thử xem sao.

Ứng dụng này đang trở thành hiện tượng phổ biến rộng khắp vì các “tuyến trên” tăng cường quảng bá. Đến nỗ Công an tỉnh Bình Phước mới đây vừa có văn bản gửi các đơn vị, yêu cầu tăng cường cảnh giác, khi trên địa bàn xuất hiện nhiều buổi hội thảo giới thiệu về ứng dụng này.

Theo lời quảng cáo của những người tham gia thì MyAladdinz được dùng để tích điểm hoàn tiền khi mua sắm. Còn theo tìm hiểu của TBKTSG Online, đây là một dạng ứng dụng thanh toán khi mua hàng (nhưng thực tế là chuyển loại tiền riêng của Ví cho nhau), được cộng điểm và có hoa hồng theo cấp bậc tham gia khi có giao dịch mua sắm.

Giao diện ứng dụng MyAladdinz.

Khi đăng ký sử dụng thử (cần có ID của người giới thiệu), người viết bài nhận thấy ứng dụng nói trên không có hàng hóa cũng như “shop” nào để mua sắm.

Tuy nhiên, thay vào đó thì những người “bán hàng online” thì lại hoạt động rất sôi nổi trên các trang, nhóm riêng, có khi lên đến gần cả trăm ngàn lượt theo dõi. Những người bán hàng này đăng tải hình ảnh và thậm chí có đính kèm cả giá được quy đổi ra Gem, tên gọi loại tiền riêng của ứng dụng này.

Trong ứng dụng này được chia làm 2 loại ví, đó là ví Gem và ví Point (điểm thưởng). Cơ chế hoạt động của MyAladdinz dựa vào sự chuyển đổi qua lại giữa 2 loại ví này, khiến số tiền ban đầu có thể phình to ra.

Chẳng hạn, khi phát sinh giao dịch bán Gem hoặc mua hàng, tức chuyển Gem đi ra khỏi ví, thì người tạo giao dịch được thưởng 80% bằng Point.

Bên cạnh đó, Gem còn được chuyển thành Point theo một cơ chế đặc biệt, có nhân với tỷ lệ rất lớn (2 lần đầu được nhân 5 lần số Gem, tiếp theo nhân 4, nhân 3, nhân 2 và cuối cùng là không nhân), nhưng tối đa 6 lần. Sau đó, số Point này có thể được chuyển ngược lại thành Gem trong vòng 1 năm (với tỷ lệ 0,2% mỗi ngày trong vòng 6 tháng đầu tiên và 0,1% trong 6 tháng còn lại).

Lấy ví dụ, người dùng có 1.000 Gem, chuyển hết sang Point thì chuyển lần đầu sẽ được nhân 5 lần, thành 5.000 point, còn ví Gem về 0 đồng.

Sau đó, hàng ngày người dùng chuyển 0,2% số Point đó thành Gem, tương ứng với con số 10 Point mỗi ngày biến thành 10 Gem.

Theo quảng cáo thì gần 4 tháng liên tục thì người dùng có 1.000 Gem và 4.000 điểm trong ví Point, đồng nghĩa với việc “hòa vốn” ví Gem và có 4.000 điểm Point được sinh ra từ hệ thống.

Gem dùng để “thanh toán” cho nhau, còn Point dùng để xác định “thứ bậc” khi tham gia hệ thống. Theo đó, người “cấp trên” trực tiếp ăn từ 0,4-0,7% số Gem khi “cấp dưới” phát sinh giao dịch chuyển Gem, và từ 5-8% điểm thưởng nếu người đó chuyển Gem thành Point. Hoa hồng được nhận bằng Gem.

Vậy làm thế nào để có Gem? Theo quảng cáo thì có 2 phương án, một là nạp trực tiếp vào tài khoản ứng dụng, nhưng thông qua một loại tiền mã hóa là USDT. Việc nạp tiền kiểu này cũng nhiêu khê vì phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của người tham gia về thị trường tiền mã hóa.

Ngoài ra, người dùng có thể mua bán trực tiếp bằng tiền đồng thông qua nhiều người rao bán trên các trang mạng xã hội. Người mới tham gia cũng có thể được chuyển một lượng Gem (thay vì tiền mặt) nếu thực sự bán hàng hóa. Có lẽ đây là lý do khiến thị trường “rao vặt” gắn với MyAladdinz gần đây khá phát triển, quy tụ được nhiều chủ cửa hàng tự nguyện đăng bán hàng.

 

Cơ chế chuyển đổi giữa Ví Gem và Ví Point theo quảng cáo trong ứng dụng.

 

Ép buộc tham gia vào hệ thống “chân rết”

Đầu tiên, ứng dụng này được quảng cáo xuất phát từ nước ngoài, nhưng không có thông tin gì cụ thể thêm, chủ yếu liên quan đến các khóa học làm giàu. Ứng dụng thì không có nhiều chức năng, ngoài việc chuyển tiền giữa các tài khoản với nhau, nạp tiền Gem vào tài khoản, chuyển đổi từ Gem sang Point và ngược lại.

Khi đăng ký sử dụng thì ứng dụng này yêu cầu phải có mã số (ID) giới thiệu của người dùng khác. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng muốn tham gia thì phải chấp nhận trở thành “chân rết” của một ai đó, tức để cho người khác được hưởng hoa hồng trên mỗi giao dịch của mình.

Nhưng tạo tài khoản là chưa đủ, nếu muốn nhận được hoa hồng từ cấp dưới thì người dùng phải duy trì số Point tối thiểu là 1.000 điểm, đồng nghĩa với việc nếu muốn tham gia thì người dùng phải “tiêu” 1.250 Gem (tương ứng việc chuyển đổi 80% thành điểm Point).

Trên các diễn đàn, con số này tương ứng với 1.250 đô la theo quy ước cũng như lời rao mua bán của thành viên tham gia ứng dụng này.

Lợi ích từ việc tham gia hệ thống theo quảng cáo

Một vấn đề khác là việc quy đổi từ Gem sang tiền mặt sẽ phải mất nhiều bước trung gian. Cách trực tiếp là rao bán đồng Gem trên thị trường cho những người muốn mua, hoặc cách khác là tạo ra giao dịch đổi đồng Gem thành đồng USDT (một loại tiền mã hóa), từ đó đổi ngược lại thành tiền đồng qua các sàn giao dịch tiền mã hóa không được pháp luật thừa nhận.

Theo các điều khoản mua bán giao dịch bằng USDT của ứng dụng, phí giao dịch lên đến 20% nếu là tài khoản cá nhân và 5% nếu là tài khoản chủ cửa hàng. Tiền mã hóa USDT thì lại thay đổi theo thời giá. Việc mua bán trên ứng dụng không nằm ngoài khả năng thao túng của  chủ ứng dụng.

Sự thao túng cũng là vấn đề được đặt ra ở những hệ thống không rõ ràng. Một câu hỏi khác là ai quản lý nguồn cung Gem trong ứng dụng? Chủ ứng dụng có thể tự mình tạo ra hàng loạt Gem, sau đó rao bán trên các trang mạng xã hội để thu tiền trực tiếp hoặc gián tiếp bằng tiền mã hóa, còn người dùng bị mắc kẹt trong “hệ sinh thái” của ứng dụng MyAladdinz trong khi rất khó chuyển ngược thành tiền mặt.

 

Thông báo mới của hệ thống sau khi các cơ quan chức năng cảnh báo về ứng dụng.

Theo một số lời quảng cáo của những người ở “tuyến trên”, việc sở hữu Gem giúp người dùng có thể đủ mua hàng hóa mỗi ngày mà “không phải suy nghĩ”, nhờ cơ chế hoàn tiền và hoán đổi điểm, tức tiền cứ nằm đó và xoay vòng rồi mua sắm, không cần phải rút ra nữa. Tuy nhiên, người dùng dễ gặp rắc rối về chất lượng hàng hóa, chưa tính đến những quy định pháp lý trong hoạt động kinh doanh.

Theo công an tỉnh Bình Phước, về mặt pháp lý, ứng dụng này chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Do đó, việc người dân đăng kí tham gia ứng dụng có thể dẫn đến mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp.

"Mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử cashback có biểu hiện không minh bạch, biến tướng và sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép", Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá. Dù vậy, MyAladdinz không phải là trường hợp duy nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới