Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biết làm ăn thế nào đây với những quy định ‘đưa ra lúc nửa đêm’?

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm nay (15-3), đáng lẽ giới kinh doanh du lịch, hàng không phải rất chộn rộn với các kế hoạch kinh doanh mới khi Việt Nam nối lại hoàn toàn mảng du lịch quốc tế, thế nhưng không khí lại cực kỳ im ắng.

Gần như chẳng có mấy doanh nhân có kế hoạch hành động dù đã rất mong chờ biên giới mở cửa nhằm tìm đường sống cho doanh nghiệp sau hai năm kiệt quệ vì đại dịch.

Ngày 15-3 là thời điểm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nối lại hoàn toàn mảng du lịch quốc tế, gồm đưa khách đến Việt Nam và đưa du khách đi du lịch nước ngoài, qua tất cả các cửa khẩu.

Các bộ, ngành và quan chức chính phủ đồng thuận với đề xuất này, nhưng cả tháng nay đề xuất vẫn là đề xuất.

Cơ quan nào cũng nói là 15-3 sẽ mở cửa nhưng không nơi nào đưa ra hướng dẫn mở cửa ra sao, quản lý y tế với du khách quốc tế trong giai đoạn dịch bệnh như thế nào, chính sách thị thực được hứa hẹn nối lại nhưng có nối hay không vẫn không rõ… nên không doanh nghiệp nào dám hành động.

Trò chuyện với KTSG Online, có doanh nhân cho biết chưa dám lên sản phẩm chào bán cho mùa tới, có người phải từ chối khách đặt tour trong tháng 4 và tháng 5 vì sợ vẫn còn quy định cách ly y tế, có công ty có khách hoãn tour từ đầu năm 2020 nay muốn quay lại cũng không dám báo cho khách vì không biết có mở cửa hay không.

Có người “liều lĩnh” hơn, sắp xếp kế hoạch tổ chức FAM trip (tour làm quen, khảo sát sản phẩm) cho hàng chục đối tác nước ngoài tại Việt Nam vào tháng 4 tới nhưng rồi lại run, ngày nào cũng ôm điện thoại chờ thông tin mở cửa vì sợ bể tour.

“Rõ ràng là thiếu chuẩn bị, không chuyên nghiệp. Du lịch xem ra còn lâu mới thành ngành kinh tế và để có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì lại càng rất lâu nữa”, một doanh nhân nhắn với người viết vào 10 giờ tối qua.

Doanh nhân này bức xúc vì chỉ còn vài giờ nữa là đến thời điểm dự kiến mở cửa nhưng thông tin ông nhận được chỉ là yêu cầu của Phó thủ tướng, đề nghị Bộ Y tế sửa đổi các quy định, yêu cầu với khách du lịch nhập cảnh, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15-3 để nối lại du lịch.

Trong những lần họp bàn trước, các bộ, ngành đã thông qua đề xuất của cơ quan quản lý du lịch về thời điểm mở cửa, quan chức chính phủ cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan về các đầu việc phải làm để nối lại du lịch thành công.

Lẽ nào, cứ sau mỗi cuộc họp, mỗi văn bản chỉ đạo công việc thì lại phải có thêm một văn bản nữa từ Chính phủ để nhắc việc cần làm lần nữa thì nhiệm vụ mới được thực thi còn nếu không thì tình trạng chậm trễ vẫn tiếp tục xảy ra?

Trước đây, đã có rất nhiều bức xúc vì các yêu cầu về vận chuyển, mở – đóng dịch vụ, công bố cấp độ dịch… đưa ra vào sát thời điểm phải thực thi khiến doanh nghiệp và người dân trở tay không kịp, không lẽ cơ quan quản lý không rút được kinh nghiệm?

Hình như, vẫn chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm vì đã gây nên tình trạng này, cũng chưa có ai bị xử lý nên tình trạng chậm trễ vẫn tồn tại, như chuyện mở cửa du lịch lần này.

Vì vậy, trong hai năm dịch Covid-19, giới kinh doanh hay đùa rằng, thời này là thời của những quyết định được “quyết định vào lúc nửa đêm” để sáng mai thực hiện cho nên khỏi hỏi, khỏi chuẩn bị để khỏi bị… hố.

Tối qua, nhiều doanh nhân nói với nhau, có thể chiều mai (15-3), cơ quan chức năng sẽ công bố mở cửa cùng các chính sách liên quan.

Vậy là, thay vì hôm nay là thời điểm doanh nghiệp có thể đón khách và thực hiện các chương trình truyền thông ngay cột mốc mở cửa nhằm tạo dấu ấn với du khách nước ngoài thì lại chỉ là một ngày để nhận thông tin mở cửa.

Chuyện làm ăn, vì thế cũng phải còn cần thêm nhiều thời gian nữa mới có thể bắt đầu, chỉ vì những quyết định được đưa ra vào phút chót.

3 BÌNH LUẬN

  1. Quả bóng trách nhiệm được đá từ bộ này qua bộ khác, đá lên CP rồi lại đá về bộ YT, chỉ có khán giả là không biết bao giờ bàn thắng quyết định mới có hồi kết.

  2. Ở ta chuyện “chuyền bóng” là bình thường quá rồi. Kể cả “sút bóng” là chuyện quan trọng nhất, cũng chưa chắc làm xong, bởi vì toàn sút lên trời, hoặc ra ngoài sân. Cho nên mới có chuyện văn bản ban hành buổi tối, sáng mai rút lại, hoặc đính chính là thường tình. Việc đón khách quốc tế là chuyện của ngành du lịch, còn chuyện phòng chữa bệnh là của ngành y tế, chi phí có bảo hiểm lo. Cứ làm theo đúng phận sự chức năng của mình, tại sao phải chồng chéo cho rách việc.

  3. Để sát đến giờ G mới ban hành quyết định cũng là cách làm cao mình, nhưng khó người,. Như vậy làm sao có thể chuẩn bị chu đáo và đầy đủ để tiến hành mọi công việc được trôi chảy. Đề nghị phải có một hành lang pháp lý cụ thể về quá trình chuẩn bị và ban hành văn bản quy phạm pháp luật bài bản, quyền và nghĩa vụ rõ ràng, không thể tùy theo ý chí chủ quan, cảm xúc cảm hứng nhất thời, mọi thiệt hại nếu gây ra thì cấp ban hành văn bản phải có trách nhiệm bồi thường, hoặc chịu chế tài cụ thể của pháp luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới