Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biểu tình giáng đòn nặng lên kinh tế Pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biểu tình giáng đòn nặng lên kinh tế Pháp

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Làn sóng biểu tình và bạo lực trong tháng qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Pháp. Các cuộc tuần hành, phong tỏa đường xá và bạo loạn của những “người áo vàng” đã khiến nhiều siêu thị thiếu hàng hóa để bán; cản trở người dân mua sắm Giáng sinh cũng như khiến du khách hoảng sợ, tránh xa nước Pháp.

Thách thức lớn của Tổng thống Pháp

Biểu tình giáng đòn nặng lên kinh tế Pháp
Hơi cay bao phủ khu vực Khải Hoàn Môn ở Paris hôm 1-12 khi người biểu tình xung đột với cảnh sát. Ảnh: Getty

GDP của quí cuối năm sẽ tăng thấp hơn dự báo

Cuộc biểu tình của những "người áo vàng" ở Pháp đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong hơn một thập kỷ qua khiến hàng trăm người bị bắt giữ, 1.400 người bị thương và 5 người chết.

Làn sóng biểu tình vốn bắt đầu chỉ để bày tỏ sự giận dữ trước kế hoạch tăng thuế đối với nhiên liệu hóa thạch của chính phủ Pháp nhưng sau đó đã bùng lên thành một cuộc biểu dương lực lượng chống Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người bị chỉ trích là thiếu quan tâm đến mối âu lo của người dân thường. Những người biểu tình áo vàng thực chất là tập hợp người dân từ nhiều xu hướng chính trị khác nhau vốn đang bất mãn vì thu nhập thấp, thất nghiệp, thuế thu nhập cao.

Biểu tình khiến ngân khố của chính phủ Pháp chịu thiệt hại vì doanh thu thuế sẽ thấp hơn dự khiến do các hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cửa hiệu bị ảnh hưởng nặng nề.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết tác động xấu của các cuộc biểu tình sẽ khiến tăng trưởng GDP của Pháp mất 0,1 điểm phần trăm trong quí cuối cùng của năm 2018. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Pháp cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP trong quí 4 từ 0,4% xuống còn 0,2%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng cần thiết 0,8% để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 1,7%.

Tai họa cho mùa mua sắm Giáng sinh

Các cuộc biểu tình xảy ra vào một thời điểm mà người dân Pháp bắt đầu mua sắm chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Trung tâm thành phố Paris tê liệt. Khi các đám đông "người áo vàng" phong tỏa các khu mua sắm, nhiều khách hàng buộc phải chuyển sang đặt mua quà Giáng sinh trực tuyến. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói: “Ngay trước Giáng sinh là thời điểm hoạt động thương mại sôi động nhưng lần này, đó là tai họa”.

Liên đoàn Thương mại và phân phối (FCD), một tổ chức đại diện cho nhiều chuỗi bán lẻ lớn nhất nước Pháp, ước tính các nhà bán lẻ bị mất doanh thu 1,1 tỉ đô la. Đồ chơi trẻ em, áo quần và thực phẩm là những ngành hàng chịu tác động nặng nhất. Trong khi đó, ông Francois Asselin, Chủ tịch Liên hiệp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Pháp, ước tính thiệt hại cho các doanh nghiệp khoảng 10 tỉ euro (11,4 tỉ đô la).

“Mọi người đang e ngại đi mua sắm. Giờ đây, họ không có tâm trạng mua sắm. Sẽ là một tai tọa nếu mùa mua sắm Giáng sinh này không thành công”, Gontran Thuring, Giám đốc điều hành Hội đồng các khu mua sắm quốc gia Pháp, nói.

Các cuộc biểu tình và bạo động cũng gây thiệt hại lớn cho các khách sạn ở Paris. Số lượng đặt chỗ các khách sạn giảm trong tháng 12 với khoảng 35.000 đêm nghỉ bị hủy bỏ, theo công ty nghiên cứu thị trường MKG. Nhiều nước như Bỉ, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Czech đã khuyến cáo công dân hoãn du lịch đến Pháp.

Thiệt hại khó đong đếm về hình ảnh

Các chủ cửa hiệu ở Paris đang thay thế lại các cửa kính cửa sổ bị người biểu tình đập phá, trong khi đó, các công nhân vệ sinh dọn dẹp những ô tô bị đốt cháy rụi và lau chùi những câu khẩu hiệu chống chính phủ và chủ nghĩa tư bản trên các bức tường của các cửa hiệu. Hơn một tuần sau khi bị người biểu tình đập phá, các công trình lịch sử và các địa điểm nổi tiếng bao gồm Khải Hoàn Môn đã mở cửa trở lại hôm 12-12. Hàng loạt radar đo tốc độ ở Paris cũng bị đập phá và chi phí thay mỗi radar như vậy lên đến hàng chục ngàn đô la.

Song các thiệt hại khó định lượng hơn đó là hình ảnh và danh tiếng của nước Pháp cũng như những nỗ lực của ông Macron nhằm xây dựng nước Pháp trở thành một địa điểm thân thiện với kinh doanh và cởi mở với đầu tư.

Để xoa dịu người biểu tình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10-12 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế và xã hội, ra lệnh chính phủ và quốc hội ngay lập tức tiến hành các biện pháp để thay đổi các quy định về thuế và các chính sách khác ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động Pháp.

Ông đưa ra nhiều cam kết gồm lương tối thiểu thêm 100 euro mỗi tháng bắt đầu từ năm 2019, bãi bỏ thuế thu nhập làm việc quá giờ, giảm thuế thu nhập đối với những người về hưu có lương thấp, yêu cầu các công ty có lợi nhuận phải trả thưởng cuối năm không tính thuế cho người lao động.

Chính phủ Pháp cho biết tổng chi phí của các nhượng bộ dành cho người biểu tình cho đến nay lên đến khoảng 10 tỉ euro, bao gồm 6 tỉ euro cho các biện pháp mới của ông Macron và mức thất thu ước tính 3,9 tỉ đô la khi chính phủ quyết định không tăng thuế môi trường đối với các nhiên liệu hóa thạch.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới