Thứ Tư, 29/03/2023, 20:37
30 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Bình Dương gọi tên em

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bình Dương gọi tên em

Lê Phú Cường

(TBKTSG) – Trong năm, đã nghe người thân ở quê đi làm trên Bình Dương khá nhiều. Đối với tôi, từ Cà Mau lên Bình Dương là một chuyến đi lìa xứ chứ chẳng phải chuyện chơi. Tết về gặp em hỏi còn đi học không, em bảo đi Bình Dương làm rồi. Bình Dương cách Sài Gòn không xa, nhưng cách Cà Mau xa lắm. Tôi ở Sài Gòn nhưng ít liên lạc nên Tết về mới có dịp gặp gỡ, hỏi thăm.

Mấy năm trước em nhỏ xíu, lại hiếu động, hay chạy vòng vòng trong nhà, phá phách đồ đạc kiểu con nít, bị ba tôi rầy hoài. Ba năm không gặp lại, em thành người lớn, đẹp trai ngon lành, thành công nhân Bình Dương. Hỏi em có bồ chưa, em nói có rồi (rất thiệt thà!); hỏi chừng nào cưới vợ, nói còn lâu! Hỏi một ngày làm việc mấy tiếng, em bảo từ bảy giờ sáng tới chín giờ tối; hỏi mệt không, em tươi cười bảo không. Hỏi lương bao nhiêu, em nói mười triệu. Tôi biết em làm tăng ca nhưng em không mệt thật, vì em mới mười tám tuổi mà! Sức đó làm thêm việc cũng không thấy mệt.

Rồi anh Tư sáu mươi tuổi cũng đi Bình Dương, để cùng làm chung với người vợ sau khoảng năm mươi tuổi. Còn bao người buồn chân, chán việc ở quê hăm he đi Bình Dương nữa! Dân miền Tây giờ đi làm Bình Dương nhiều. Như một điều tất yếu của nơi nông nhàn ít việc, khi thừa lao động thì dịch chuyển về nơi cần lao động, chủ yếu là những nơi có nhiều khu công nghiệp, cần tuyển nhiều công nhân, lao động phổ thông. Có gia đình cả bốn người, vợ chồng con cái cùng trong độ tuổi lao động đều lên Bình Dương hoặc Sài Gòn, đi làm. Họ cộng tổng thu nhập một tháng hai ba chục triệu đồng, thấy ham đối với người ở quê. Và họ gửi lại nhà cửa cho người thân, ra đi với lời hẹn kiếm được kha khá, khi nào hết làm được thì về quê, có dư chút đỉnh để dễ dàng xoay xở tiếp, phòng khi về già không còn sức.

Có những cuộc di dân rời xứ ồn ào, xúc động. Nhưng dân miền Tây Nam bộ rời nhà đi xứ khác mần ăn nhẹ tênh. Hai người, hoặc một mình, trên chiếc xe máy với một vài cái ba lô, là họ vẫy tay rời xứ được rồi. Bình Dương có sẵn bạn bè, có sẵn nhà trọ, có sẵn khu công nghiệp, các xưởng gỗ, xưởng gốm, xưởng cơ khí… chờ đón họ. Rồi nếu nghỉ Tết về quê mà thấy ở lại quê có việc gì đó vui hơn thì họ ở lại luôn. Bởi vậy nên những ông chủ doanh nghiệp ở Bình Dương thường hay neo lại một ít tiền lương để sau Tết công nhân vì tiếc tiền mà sẽ quay trở lại làm với họ. Cuộc mưu sinh xem ra đơn giản, chuyện ở và đi cũng chẳng mấy nặng lòng.

Tôi có đứa em họ làm việc văn phòng ở Sài Gòn hay than bị áp lực, vẫn chưa hài lòng với công việc, nhưng Tết này về quê nghe mấy người cùng xóm kể chuyện họ lên Bình Dương làm công nhân mới thấy nó còn may mắn hơn nhiều. Lớp người lao động áo trắng, mua được nhà cửa không nhiều. Họ cần được thỏa mãn đời sống tinh thần nhiều hơn, đôi khi bị stress, đôi khi bị trầm cảm, dù đời sống vật chất khá đủ đầy. Còn số đông, đi Bình Dương để mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, vì công việc ở quê không tốt bằng, hoặc đổ vỡ tình cảm, buồn tình bỏ xứ. Thanh niên mới lớn không có điều kiện học tiếp thì đi theo trào lưu, đi theo sự rủ rê của bạn bè, của người thân đi trước. Dẫu sao, Bình Dương cũng giúp cho họ có việc làm chân chính, tuy ở nhà trọ, tuy phải tăng ca. Với dân số dồi dào trong độ tuổi lao động của miền Tây, sự dịch chuyển lao động là điều tất yếu.

Nhưng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn dòng người chen chúc nối đuôi trên quốc lộ về quê và quay lại sau mỗi dịp Tết. Và quê nhà, hàng xóm mình có những ngôi nhà đóng cửa hoặc chỉ còn lại người già hết tuổi lao động, chiều về hay gọi điện hoặc ngóng chờ con.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới