Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bình Thuận ưu tiên các dự án tổ hợp du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bình Thuận ưu tiên các dự án tổ hợp du lịch

Đào Loan

Bình Thuận ưu tiên các dự án tổ hợp du lịch
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận giới thiệu lễ kỷ niệm Bình Thuận 20 năm đổi mới và phát triển tại TPHCM – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Nhà đầu tư muốn phát triển các dự án du lịch ở tỉnh Bình Thuận nên chuẩn bị vốn cho những dự án lớn, có chất lượng cao, tốt nhất là những tổ hợp du lịch – dịch vụ vì UBND tỉnh đang ưu tiên cho những dự án này và sẽ không cấp phép cho những dự án có quy mô dưới 5 héc ta.

>>> Chuẩn bị khởi công cảng nước sâu Kê Gà.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó chủ tịch tỉnh cho biết, chính sách ưu tiên nhắm vào những dự án lớn, những tổ hợp du lịch-dịch vụ nhằm để Bình Thuận chuyển hướng đầu tư cho mảng du lịch từ chiều rộng, chỉ dồn vào hệ thống cơ sở lưu trú, sang chiều sâu với nhiều dịch vụ giải trí, thể thao… để giữ chân du khách dài hơn.

"Chúng tôi dành ưu tiên cho những tổ hợp có cơ sở lưu trú như resort, khách sạn hay biệt thự kết hợp cùng dịch vụ mua sắm, giải trí, thể thao, hội nghị… Diện tích của tổ hợp có thể từ 200 – 300 héc ta", ông nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 3-4, bên lề cuộc họp báo giới thiệu lễ kỷ niệm 37 năm giải phóng và 20 năm tái lập tỉnh.

Du lịch Bình Thuận bắt đầu phát triển sau sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24-10-1995. Hiện tại, tỉnh đã thu hút nhiều dự án du lịch dọc ven biển thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi cùng các huyện như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân với 411 dự án với tổng vốn đăng ký gần 54.720 tỉ đồng, trong đó có 150 dự án, chủ yếu là các khách sạn, resort đã đi vào hoạt động.

Khu vực Hàm Tiến – Mũi Né được mệnh danh là "thủ đô của resort" với hàng loạt resort san sát bờ biển nhưng lại có nhiều resort được xây dựng trên diện tích nhỏ, đầu tư manh mún. Lượng khách đến Bình Thuận tham quan và nghỉ dưỡng vào năm 2011 đạt 2,8 triệu lượt, tăng bình quân khoảng 16,7%. Tuy nhiên, du khách vẫn than phiền là ngoài bãi biển đẹp, một số điểm tham quan thì tỉnh vẫn thiếu nhiều dịch vụ cho khách du lịch.

Ông Tâm cho biết, tỉnh đã quy hoạch một số khu vực dành cho các tổ hợp du lịch. Trong số đó, có khu vực dọc đường 706 B trên đường đi ra Mũi Né với diện tích lên đến 1.000 héc-ta. Đây sẽ là trọng điểm về dịch vụ để tạo động lực phát triển cho khu vực Hàm Tiến – Mũi Né. Tỉnh đang tiến hành việc đền bù giải tỏa cho khu đất lớn này và sẽ áp dụng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư.

"Chúng tôi đang gấp rút thực hiện công việc này, đến khoảng cuối năm 2012 thì sẽ bắt đầu đấu giá để nhà đầu tư tham gia. Hiện tại, mỗi dự án du lịch từ khi bắt đầu chuẩn bị đến khi mở cửa phải mất thời gian khá lâu, khoảng từ 3-4 năm nên chúng tôi muốn thực hiện nhanh hơn", ông nói.

Cũng theo ông, một dấu hiệu khá lạc quan trong đầu tư du lịch là đã có một số nhà đầu tư đăng ký dự án lớn, từ 100 – 150 héc-ta tại những khu vực như Tiến Thành, Long Sơn – Suối Nước, Bắc Bình và Hòa Thắng.

Hoãn khởi công xây dựng cảng nước sâu Kê Gà

Dự án xây dựng cảng nước sâu Kê Gà, một trong năm công trình được UBND tỉnh Bình Thuận chọn để khởi công nhân dịp chào mừng kỷ niệm 37 năm giải phóng và 20 năm tái lập tỉnh sẽ không được tiến hành như kế hoạch do chủ đầu tư – Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đề nghị lùi lại.

"Chúng tôi định khởi công vào tháng 4-2012 nhưng chủ đầu tư nói không kịp chuẩn bị. Đây là lần thứ hai dự án này lùi thời hạn khởi công nhưng chậm nhất thì đến cuối năm nay dự án sẽ công", ông Nguyễn Thành Tâm, Phó chủ tịch tỉnh nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới