Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Blackberry ‘bàn phím huyền thoại’ sẽ sớm trở lại và lợi hại hơn xưa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Blackberry ‘bàn phím huyền thoại’ sẽ sớm trở lại và lợi hại hơn xưa?

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – BlackBerry tuyên bố sẽ tái sinh và quay lại với thị trường smartphone thế hệ 5G trong năm 2021 bằng sự kết hợp độc đáo giữa bàn phím vật lý và màn hình cảm ứng. Hãng có thể đặt hàng tại các xưởng chế tạo có sẵn của Foxconn tại Trung Quốc hay Việt Nam.

Blackberry 'bàn phím huyền thoại' sẽ sớm trở lại và lợi hại hơn xưa?
Mẫu Key 2 của Black Berry tung ra năm 2018 cũng không thu hút được nhiều khách hàng trẻ vốn ưa chuộng màn hình cảm ứng hơn. Ảnh: Reuters

Bàn phím và màn hình chạm?

Hồi tháng 8-2020, thương hiệu điện thoại nổi tiếng một thời đã chính thức xác nhận một tính năng quan trọng của dòng BlackBerry mới: Bàn phím vật lý sẽ hiện diện trên mặt smartphone mới ở một số hình thức nào đó.

Cái bắt tay giữa BlackBerry với startup chuyên về bảo mật OnwardMobility và nhà thầu chính của Apple đưa ra hai thông điệp chính: Một là hướng đến khách hàng là giới doanh nhân với yêu cầu riêng tư và bảo mật cao. Hai là BlackBerry quay lại với dòng chảy chính của công nghệ smartphone hiện nay.

CEO OnwardMobility Peter Franklin vào lúc đó đã hứng khởi: “Doanh nghiệp đang mong chờ các thiết bị 5G an toàn, tăng hiệu suất làm việc mà không làm giảm trải nghiệm người dùng. Dòng điện thoại mới sẽ chú trọng bảo vệ thông tin liên lạc, quyền riêng tư và dữ liệu. Đây là cơ hội tốt cho OnwardMobility đưa các thiết bị 5G thế hệ kế tiếp ra thị trường với sự hỗ trợ của Blackberry và FIH Mobile thuộc Foxconn”.

Sáu tháng đã trôi qua. Hiện chưa có khung thời gian rõ ràng khi nào sản phẩm ra thị trường. OnwardMobility nói dòng sản phẩm mới sẽ được bán ở Bắc Mỹ và châu Âu trước, rồi mới đến châu Á. “Đây là thiết bị di động hàng đầu thế giới. Châu Á là thị trường rất quan trọng với chúng tôi. Hiện chúng tôi đang trong quá trình thảo luận với khách hàng và các hãng viễn thông trên toàn cầu để phát triển hệ thống phân phối”, CEO Franklin nói với Nikkei Asia hôm 11-2.

OnwardMobility đang hy vọng sẽ đạt được may mắn với FIH Mobile, hãng con của Foxconn chuyên sản xuất dòng Android. Dòng smartphone mới sẽ bàn phím gây ấn tượng, cùng với camera chất lượng cao và tương thích với dòng 5G.

OnwardMobility cũng hy vọng sẽ bảo vệ tốt hơn trước các tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu khi mọi người tăng cường làm việc từ xa. Hãng này cũng thuê thêm công ty an ninh mạng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và những nhân vật chú trọng đến bảo mật thông tin.

Hãng sẽ làm việc với Foxconn về dây chuyền sản xuất. “Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là chế tạo thiết bị mới tại Mỹ”, vị CEO nói. Ông nói sẽ công bố thêm nhiều chi tiết mới trong vài tháng tới. Tuy nhiên, câu trả lời này cho thấy khả năng cao là dây chuyền sản xuất BlackBerry dòng mới là ở Trung Quốc hay Việt Nam bởi Foxconn đang có nhiều nhà máy lớn tại hai nơi này.

Chuỗi thất bại vang bóng một thời

BlackBerry ban đầu do công ty Research In Motion (RIM) ở Canada thiết kế. Năm 1999, nguyên mẫu của “chiếc điện tthoại” cầm tay này là máy nhắn tin hai chiều. Đúng một thập niên sau, BlackBerry bán được 26 triệu máy với doanh số 11 tỉ đô la. Thời vàng son, BlackBerry bán được 80 triệu chiếc mỗi năm.

Quá nặng lòng với bàn phím vật lý, BlackBerry đã tự đào hố dưới chân mình.

Năm 2016, BlackBerry ngừng sản xuất điện thoại, tập trung chủ yếu vào các hoạt động bảo mật mạng. BlackBerry đã từng nỗ lực tìm lại “vàng son một thời” bằng việc hợp tác với hãng điện tử TCL của Trung Quốc.

Dù đưa nhiều mẫu với thương hiệu BlackBerry trên thị trường khổng lồ, BlackBerry cuối cùng cũng thoái lui khi tuyên bố chấm dứt hợp tác với TCL vào đầu năm 2020.

Nhờ vào bàn phím vật lý QWERTY (các phím chữ hàng đầu, tay gõ trái) và hệ điều hành sở hữu độc quyền, BlackBerry nhanh chóng được giới doanh nhân, đặc biệt là ngành tài chính, ưa chuộng từ năm 2010.

BlackBerry trở thành biểu tượng của người thành đạt và giới nhà giàu thời đó. Research In Motion (RIM) cũng đổi tên thành BlackBerry là vì vậy.

Khi Apple ra mắt iPhone thế hệ đầu tiên năm 2007, nhà mạng Verizon ở Mỹ đã yêu cầu BlackBerry tạo ra một chiếc điện thoại màn hình cảm ứng có khả năng "giết iPhone".

Tuy nhiên kết quả không thành công. Verizon chuyển sang hợp tác với Motorola và sau đó là Google. Bên cạnh đó, các nhà phát triển ứng dụng lại chuộng Android và iOS hơn, khiến các hệ điều hành của Microsoft hay BlackBerry chết yểu.

Nhà đồng sáng lập Steve Jobs đã từng chê BlackBerry là minh chứng cho sự giới hạn của công nghệ lúc đó: Bàn phím QWERTY chiếm 50% diện tích màn hình cho những tính năng mà khách ít hoặc không dùng tới. Bàn phím ảo trên màn hình chạm cảm ứng của iPhone khiến người dùng thích thú hơn với các trải nghiệm lướt mạng hoặc xem clip.

BlackBerry đã không chịu lép vế trước các chỉ trích của Apple. Trong một chương trình phỏng vấn trên tryền hình, CEO Mike Lazaridis đã gửi thông điệp đến Steve Jobs: “Tôi không thể gõ trên bàn phím cảm ứng của iPhone. Đến giờ tôi vẫn không gõ được và nhiều bạn tôi cũng không làm được”.

Một năm sau khi cả thế giới đã mê mẩn iPhone, ông vẫn nói rằng: “Xu hướng thú vị nhất trong lĩnh vực di động là bàn phím vật lý QWERTY đầy đủ”. Storm là sản phẩm đáp trả của BlackBerry với iPhone sau đó với màn hình tạo cảm giác click sau khi nhấn. Nhưng tỷ lệ đổi trả vì hư hỏng màn hình có lúc lên đến 100%, khiến BlackBerry sớm xóa sổ.

Trong một cuộc họp ban giám đốc năm 2013, ông Lazaridis đã chỉ vào một chiếc BlackBerry với bàn phím và nói rằng "tôi hiểu về thiết bị này". Rồi ông chỉ vào một chiếc BlackBerry cảm ứng "tôi không hiểu gì hết". Vị đồng sáng lập cảnh báo rằng việc chuyển dịch từ một thiết bị đang có doanh số tốt ở phân khúc cấp cao sang một thiết bị cảm ứng sẽ là một sai lầm lớn.

Cũng năm 2013, BlackBerry đưa ra hệ điều hành thông minh để cạnh tranh với iOS và Android. Nhưng hai sản phẩm BB10 và Z10 sau đó vẫn mang bàn phím vật lý chiếm diện tích lớn.

Sự cải tiến không ngừng hàng năm của iPhone và các đối thủ khác đã dìm chết BlackBerry. Hãng đã không thể đương đầu với iPhone và các dòng smartphone khác bởi các thiết bị đối thủ chú trọng đến các ứng dụng, còn riêng BlackBerry thích chơi nổi bằng con đường riêng  và chỉ chú trọng vào phần cứng.

Sự từ chối chuyển đổi công nghệ của nhà đồng sáng lập Mike Lazaradis đã khiến “dâu đen” huyền thoại bị đối thủ “táo khuyết” và các hãng smartphone khác loại hẳn thị trường. Ảnh: Reuters

Cú lội ngược vất vả

BlackBerry, OnwardMoblity và Foxconn chú trọng vào sức hấp dẫn mới của bàn phím vật lý trong sự trở lại lần này. “Smartphone của chúng tôi có thể giúp tăng hiệu suất làm việc. Điều này có ý nghĩa hơn giữa thời đại dịch Covid-19”, CEO Franklin nói với Nikkei Asia.

Nhưng cú lội ngược vào thời điểm này sẽ không dễ dàng ở mảng quản trị công nghệ và quản trị vốn với BlackBerry.

Nhưng đây cũng là cuộc lội ngược dòng vất vả bởi thị trường đang do những gã khổng lồ thống trị. Trong số 1,29 tỉ smartphone bán trên toàn cầu trong năm 2020, Samsung chiếm đến 20,6% và Apple chiếm 15,9% – theo dữ liệu của International Data Corp. Thương hiệu smartphone sang chảnh mới còn phải đương đầu với các dòng smartphone giá rẻ nhưng hoạt động tốt của Trung Quốc, đặc biệt là Xiaomi.

Công bằng mà nói, sự chuyển đổi lần này của Blackberry đáng được khen ngợi – nhà phân tích đầu tư Matt McCall của trang WireMoney nhận định hôm 12-2. “Mảng điện thoại di động của BlackBerry đã chịu cú đấm quá mạnh. Hãng phải chuyển sang nhiều mảng công nghệ khác. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện và thường thất bại. Giới quản lý đã đưa BlackBerry theo một hướng khác và đạt được một thành công nhất định. Nhưng để đầu tư vào cổ phiếu của BlackBerry, mọi chuyện lại càng không như vậy”, McCall nói và đề cập đến tình trạng giá cổ phiếu BlackBerry tăng 300% trong tháng 1 vừa rồi.

Sau sụt giảm giá cổ phiếu và doanh thu trong năm 2020, dự báo tài chính của BlackBerry  cũng không khả quan hơn: doanh thu sẽ tiếp tục giảm 14,4% xuống còn 941 triệu đô la trong năm 2021, sau đó bật tăng 8,6% để đạt 1,02 tỉ đô la trong năm 2022.

“Ai biết được. BlackBerry có thể làm chúng ta ngạc nhiên với sức mạnh mới trong năm nay. Không nhắc đến thời vàng son nữa, nhưng hãng đã không tạo được niềm tin của các nhà đầu tư. Doanh số trồi sụt thất thường nhiều năm trong mức 900 triệu và 1,3 tỉ đô la mà không có sự cải thiện rõ rệt. Đơn giản là nó luôn lềnh bềnh, còn nhà đầu tư thì mong doanh số tăng trưởng ổn định”, McCall kết luận. Ông nói nên bán sớm cổ phiếu BlackBerry khi đang được giá.

Và ngay cả trong lần lội ngược dòng vất vả lần này, không ai thấy một nhà lãnh đạo vang bóng một thời hay nhân vật mới nổi nào của BlackBerry lên tiếng cùng OnwardMobility. Tất cả nhờ vào một công ty khởi nghiệp ở Texas.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới