Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Công Thương: Khó đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ Công Thương: Khó đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo

TH

(TBKTSG Online) – Về đề xuất cấm các doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng dự trữ gạo quốc gia cũng sẽ không được tham gia xuất khẩu theo Bộ Công Thương là đề xuất không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra, bộ này cũng cho rằng khó đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo. 

Bộ Công Thương: Khó đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo
Phản hồi lại ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng bộ này đã tiếp thu, phản hồi đầy đủ những đề xuất hợp lý và hợp pháp. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 20-4 về việc không tiếp thu góp ý của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ bộ này đã tiếp thu hầu hết ý kiến hợp lý, quan trọng.

Cụ thể, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng hai bộ không có bất đồng nào về hạn ngạch xuất khẩu gạo, cũng như phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước". Thậm chí, Bộ Tài chính còn giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh phương án điều hành qua các góp ý về thẩm quyền áp dụng hạn ngạch và các trường hợp không cần áp dụng hạn ngạch.

Tuy nhiên, đối với góp ý về việc chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15-6-2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia", Bộ Công Thương cho rằng hạn chế xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết đã báo giải trình với Thủ tướng 2 lần. Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng, để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Về phần đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác, vị đại diện của Bộ Công Thương cho rằng đó có thể là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển, bởi bằng mắt thường, khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).

Cho nên, văn bản Bộ Công Thương có đoạn nêu: "Để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Chi phí tăng thêm về thời gian, tiền bạc không nhỏ và bất hợp lý trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo".

Về đề xuất cho đấu thầu hạn ngạch của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng cho rằng đây là đề xuất bất hợp lý vì: 

Thứ nhất, đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15 – 20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Như vậy sẽ gây gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo trong thời gian dài.

Thứ hai, đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch.

Về đề xuất cấm các doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng dự trữ gạo quốc gia cũng sẽ không được tham gia xuất khẩu theo Bộ Công Thương là đề xuất không có cơ sở pháp lý.

Theo Bộ Công Thương, xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới