Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Công Thương đề nghị cấp mã đăng ký cho kinh doanh TMĐT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ Công Thương đề nghị cấp mã đăng ký cho kinh doanh TMĐT

Thu Hiền

Trang web B2B của Gophatdat, là một trong những sàn giao dịch TMĐt hiệu quả trong những năm gần đây.

(TBKTSG Online) – Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương vừa có kiến nghị chính phủ nên xem thương mại điện tử (TMĐT) là một ngành, nghề kinh doanh có mã đăng ký riêng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT phát triển hơn nữa trong 5 năm tới.

Đây là thông tin tại cuộc họp lấy ý kiến các doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương các tỉnh phía Nam về kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015, diễn ra tại TPHCM hôm 14-4.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, cho rằng trong 5 năm trở lại đây, TMĐT phát triển khá nhanh nhưng chưa được xem là một ngành, nghề kinh doanh riêng biệt và đang được xếp vào ngành kinh doanh dịch vụ thương mại. “Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ cấp mã đăng ký cho kinh doanh TMĐT nhằm tạo điều kiện pháp lý rõ ràng hơn cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này”, ông Vĩnh nói.

Theo kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 mà Bộ Công Thương và Cục TMĐT và CNTT biên soạn, thì bộ này và một số bộ ngành liên quan sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, bao gồm các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực TMĐT. Bên cạnh đó, sẽ bổ sung các quy định về mã sản phẩm, trị giá tính thuế hải quan đối với xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm số hóa phù hợp với luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Điều đáng chú ý trong kế hoạch này là kiến nghị Chính phủ ban hành quy phạm pháp luật chi tiết các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT, đồng thời chi tiết hóa các chế tài đối với hành vi gian lận trong giao dịch TMĐT.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, cho biết trong vòng 5 năm tới, ứng dụng TMĐT sẽ không còn là chuyện lập các sàn giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B), giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C), mà sẽ được đẩy mạnh trong lĩnh vực mua sắm công nhằm bảo đảm tính minh bạch và tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, đến hết năm 2015 hầu hết các mua sắm công từ cấp trung ương đến cấp tỉnh thành đều phải tiến hành trực tuyến. “Để chuẩn bị cho việc này, các cơ quan nhà nước ngay từ bây giờ phải chuẩn bị việc cung cấp thông tin về dự án sử dụng ngân sách nhà nước, thông tin về đấu thầu trong mua sắm công lên trang tin điện tử của mình hoặc cơ quan chức năng có liên quan khác”, ông Hưng nói.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, TMĐT trong những năm gần đây phát triển khá nhanh nhưng bắt đầu chững lại do hiệu quả của sàn giao dịch TMĐT đang ở mức thấp và cần có sự tháo gỡ về mặt quản lý nhà nước như hành lang pháp lý, nguồn nhân lực… và nỗ lực của chính doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2009, do Bộ Công Thương và Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin thực hiện đối với 2.004 doanh nghiệp cho thấy: có 12% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT trong và ngoài nước, tỷ lệ này giữ nguyên không đổi so với năm 2008.

Tính theo quy mô doanh nghiệp, có 9% doanh nghiệp vừa và nhỏ và 25% doanh nghiệp lớn tham gia sàn giao dịch TMĐT. Trong số các doanh nghiệp tham gia giao dịch TMĐT, thì 48% đánh giá hiệu quả của việc tham gia sàn giao dịch TMĐT đạt mức cao, 40% đánh giá hiệu quả ở mức trung bình, chỉ có 9% đánh giá hiệu quả ở mức thấp và rất thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đanh giá có hiệu quả rất cao chỉ đạt mức 3%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới