Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Công Thương đề xuất giải pháp ‘cấp cứu’ doanh nghiệp xăng dầu

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ… để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu.

Bộ này cũng có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.

Bộ Công Thương gửi công văn hỏa tốc đến Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp ‘cấp cứu’ doanh nghiệp xăng dầu. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Theo Công văn số 6435/BCT-TTTN của Bộ Công Thương ký ngày 18-10 gửi hỏa tốc đến Ngân hàng Nhà nước, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

Theo báo cáo của nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, ngoài nguyên nhân khách quan do nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, còn có nguyên nhân là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh.

Cũng theo Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng do không đủ hạn mức tín dụng và nguồn ngoại tệ nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tiết giảm chi phí kinh doanh, trong đó có việc giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh xăng dầu thua lỗ.

Trong công văn nói trên, Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Trong công văn đề xuất này, Bộ Công Thương cũng đính kèm danh sách 16 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đề nghị được hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại, trong đó có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Thương mại XNK Thanh Lễ, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Công ty XNK Xăng dầu Tín Nghĩa…

Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng có công văn hỏa tốc số 6436 gửi Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.

Về những bất cập của thị trường, Bộ Công Thương cho biết, đáng chú ý, tại một số địa phương, Chi cục Hải quan đã ngừng thông quan đối với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu do chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử, chậm nộp thuế…

“Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho 4 doanh nghiệp đầu mối – Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty cổ phần thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thuỷ bộ Hải Hà, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp – thực hiện thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước”, Bộ Công Thương đề xuất.

Trước đó, ngày 12-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải có buổi làm việc với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Ông Hải cho rằng, không phải lúc này mới có khó khăn về cung ứng xăng dầu mà vấn đề đã diễn ra từ đầu năm, thậm chí là từ cuối năm 2021. Ông Hải giao Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý.

Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của bộ thì phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.

Ngày 19-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để xảy ra bất ổn. Trước đó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp thông tin báo chí gửi Văn phòng Chính phủ phản ánh về việc những ngày gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

1 BÌNH LUẬN

  1. Không phải là cấp cứu mà là phẫu thuật. Nếu chỉ cấp cứu sẽ không giải quyết rốt ráo tình hình. Phẫu thuật thì cho biết nguyên nhân và cách trị liệu đến nơi đến chốn. Trong mọi trường hợp, phải biết đặt quyền lợi chính đáng của đại đa số người tiêu dùng lên trước hết, chứ không phải là quyền lợi cục bộ của các doanh nghiệp đầu mối. Nếu không cẩn thận sẽ làm gia tăng chi phí đẩy đối với sản xuất kinh doanh, là nguồn cơn thúc đẩy thêm lạm phát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới