Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Công Thương: TPHCM cần mở các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ Công Thương: TPHCM cần mở các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa

Chánh Trung

(KTSG Online) – Bộ Công Thương cho rằng bên cạnh việc duy trì, mở lại các chợ truyền thống thì việc mở lại các chợ đầu mối tại TPHCM là cần thiết và trước mắt tập trung vào việc mở một số địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa ngay tại các chợ đầu mối để giảm tải cho hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại.

Bộ Công Thương: TPHCM cần mở các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa

Điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã đi vào hoạt động vào ngày 11-7 vừa qua. Ảnh: Bộ Công Thương

Trước mắt, cần mở các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa

Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương vừa đi khảo sát công tác phòng chống dịch và phương án tổ chức trạm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Thủ Đức), Hóc Môn (huyện Hóc Môn) và Bình Điền (quận 8).

Thời điểm bình thường (không có dịch Covid-19) lượng khách ra vào  3 chợ đầu mối tại TPHCM khoảng 12.000 đến 15.000 lượt khách/đêm, thời gian cao điểm từ 20.000 – 30.000 lượt khách/đêm; bên cạnh đó, hiện có khoảng 3.000 thương nhân và hơn 18.000 người lao động hoạt động tại 3 chợ. Lượng hàng về 3 chợ đầu mối khoảng 8.500 – 8.700 tấn/ngày đêm, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thiết yếu (như: thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây).

Tổ công tác nhận định, các chợ đầu mối giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho TPHCM và các tỉnh phía Nam. Nhưng hiện nay cả 3 chợ đầu mối đang bị đóng cửa nhằm phòng chống dịch.

Do đó việc tận dụng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực hiện có của các chợ đầu mối này để tham gia hoạt động phân phối hàng hóa thiết yếu, cũng như đầu ra cho nông sản của các tỉnh, thành phố phía Nam nhằm giảm áp lực cho hệ thống phân phối hiện đại và đáp ứng tối đa nhu cầu của nhân dân là giải pháp quan trọng và cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Với những diễn biến của dịch bệnh tại thời điểm hiện nay, để đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho người dân TPHCM cũng như hỗ trợ đầu ra cho nông sản ở các tỉnh phía Nam, bên cạnh việc duy trì, mở lại các chợ truyền thống thì mở lại các chợ đầu mối là cần thiết. Tuy nhiên trước mắt nên tập trung vào việc mở một số địa điểm tập kết hàng hóa trung chuyển ngay tại các chợ đầu mối để giảm tải cho hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại”.

Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí việc sớm mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối của TPHCM. Hai bộ đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của từng chợ để nghiên cứu, tổ chức thực hiện trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối các quy định của các cấp có thẩm quyền, ngành y tế về phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 11-7, điểm tập kết trung chuyển hàng hóa nông sản đặt tại bãi xe container của chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP. Thủ Đức) đã đi vào hoạt động. Điểm tập kết trung chuyển hàng hóa nông sản sẽ hoạt động từ 17 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, dự kiến sẽ trung chuyển 1.500 – 2.000 tấn rau củ quả mỗi đêm, phục vụ nhu cầu người dân TPHCM trong thời gian giãn cách xã hội.

Ngày 17-7 vừa qua, Sở Công Thương TPHCM và UBND huyện Hóc Môn TPHCM cũng đã thống nhất cơ bản với phương án bố trí địa điểm và chuẩn bị tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn. Điểm trung chuyển này được bố trí tại bãi đậu xe rộng hơn 5.000 m2 trong khuôn viên chợ.  Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đang triển khai các bước chuẩn bị, dự kiến sẽ đưa điểm trung chuyển tại chợ này đi vào hoạt động trong thời gian tới đây.

Các chợ đầu mối đã sẵn sàng

Ông Nguyễn Văn Huây – Tổng giám đốc chợ nông sản Thủ Đức, cho hay chợ này có quy mô hơn 20 ha với lượng hàng trung chuyển về chợ mỗi đêm khoảng 2.800 tấn hàng hóa. Tuy nhiên ngày 7-7 vừa qua chợ đã tạm ngưng để thực hiện phòng chống dịch Covid-19. So với trước đây lượng hàng về chợ giảm mạnh chỉ còn 50-60 tấn/ngày, chủ yếu là trái cây và rau củ quả. Để chuẩn bị cho phương án mở lại chợ, mở các trạm trung chuyển, đơn vị này đã sẵn sàng sân bãi, nhân sự, lực lượng bảo vệ kiểm tra cũng như tổ chức xét nghiệm cho tiểu thương và lái xe tham gia hoạt động buôn bán.

Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đi khảo sát tại 3 chợ đầu mối ở TPHCM ngày 24-7 vừa qua. Ảnh: Bộ Công Thương

Còn chợ đầu mối Hóc Môn đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 28-6 để thực hiện công tác vệ sinh, phun khử khuẩn phòng chống dịch. Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ, cho biết gần 1 tháng nay ban lãnh đạo công ty đã chuẩn bị phương án mở khu vực tập kết hàng trung chuyển tại chợ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, tính đến chiều ngày 24-7, trên địa bàn TPHCM có 32/237 chợ đang hoạt động; 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động (trong đó có 3 chợ đầu mối và 202 chợ truyền thống). Các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm: TP. Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.

Theo đó khu vực tập kết hàng hóa trung chuyển có diện tích 5.000 m2 và đơn vị này đã lên danh sách các xe ra vào khu vực trung chuyển, thực hiện tiêu độc khử trùng và “3 tại chỗ” cho nhân viên, lái xe cũng như các hộ kinh doanh tại đây. Nếu đi vào hoạt động trạm trung chuyển này sẽ có sức chứa từ 120-150 tấn thực phẩm/ngày.

Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, 3 chợ đầu mối này được bố trí tại các khu vực cửa ngõ của TPHCM, kết nối đến các vùng sản xuất nông nghiệp lớn của miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên đã trở thành các trung tâm tập trung và trung chuyển, điều phối hàng hóa cho thành phố và cả nước.

Các chợ đầu mối cũng giúp đảm bảo đầu ra cho các hộ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khuyến khích người dân tăng cường chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng quy mô sản xuất. Và góp phần phát triển nông nghiệp cho khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh cung cấp hàng hóa cho các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long, các chợ đầu mối cung ứng 60-70% cho nhu cầu của người dân trên địa bàn TPHCM.

Mời xem thêm:

Chợ đầu mối Hóc Môn chuẩn bị mở cửa trung chuyển hàng hóa về TPHCM

TPHCM lên phương án đảm bảo cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu

TPHCM làm cách nào để cung cấp thực phẩm cho 10 triệu dân trong giãn cách?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới