Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bỏ của chạy lấy người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bỏ của chạy lấy người

Khải Phong

Nông dân Điện Bàn đồng loạt nhổ bỏ ớt Hàn Quốc – Ảnh: Khải Phong

(TBKTSG) – Trong vòng hai năm (2008-2009), UBND tỉnh Quảng Nam ba lần ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của ba doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có cùng lĩnh vực đầu tư – cây ớt Hàn Quốc. Sự lặp lại liên tục này có phải là do… cây ớt Hàn Quốc không hợp với thổ nhưỡng Quảng Nam hay còn nguyên do nào khác?

Cái “hạn”

Ba doanh nghiệp, đều là của Hàn Quốc, gồm Công ty TNHH Nông sản Quốc tế Hàn Việt (Hàn Việt), Công ty TNHH Nông sản Việt Hàn (Việt Hàn) và Công ty TNHH một thành viên Tương Lai (Tương Lai).

Ngày 15-4, bà Huỳnh Thị Mỹ Nhân, Phó phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư), khẳng định cả ba doanh nghiệp đều bị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Lần thu hồi gần đây nhất là của Công ty Hàn Việt (ngày 3-4-2009).

Trong ba doanh nghiệp thì hết hai doanh nghiệp có giám đốc bỏ chạy (giám đốc Việt Hàn “mất tích” vào tháng 6-2007; còn giám đốc của Tương Lai “mất tích” vào tháng 6-2008). Cả ba doanh nghiệp đã hết “duyên” với Quảng Nam nhưng nợ thì vẫn còn. Trong đó lớn nhất là Tương Lai nợ 1,4 tỉ đồng; Việt Hàn 157 triệu; Hàn Việt 75 triệu. Những khoản nợ này gây lao đao cho một bộ phận nông dân (khoảng 1.000 hộ) và một số hợp tác xã (HTX), cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vận tải…

Vì sao ba doanh nghiệp này liên tiếp bỏ chạy khỏi Quảng Nam?

Cả tin

Ở Quảng Nam có cả trăm HTX, đất trồng ớt được không thiếu, chẳng hiểu sao ba doanh nghiệp chỉ tranh nhau về Điện Quang và “bắt tay” chủ yếu với HTX Dịch vụ nông nghiệp Điện Quang. Nếu tính từ đường quốc lộ 1A, Điện Quang là xã cuối cùng của Gò Nổi (Điện Bàn).

Giao thông ở đây vẫn còn hạn chế nhưng do tin lời một cán bộ ở địa phương là “dự án nâng cấp cầu về Điện Quang đã được thông qua và chuẩn bị triển khai”, một doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư nhà máy chế biến. Thế nhưng “dự án” chờ hoài chẳng thấy đâu dẫn đến nhà máy chế biến bị dang dở (vì xe container không thể về chở sản phẩm).

Thiếu thông tin là cái “nạn” đầu tiên của doanh nghiệp. Thực lực tài chính các doanh nghiệp cũng không được như họ cam kết. Việc thanh toán tiền mua ớt của nông dân ì ạch, gặp một hai “sự cố” trong kinh doanh là “sụp” luôn.

Có người cho rằng, việc kiểm tra năng lực tài chính doanh nghiệp của cơ quan cấp phép là Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiều hạn chế. Việc hậu kiểm cũng không thấy được thực hiện bởi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty Tương Lai, trụ sở được ghi là cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được (huyện Thăng Bình) nhưng thực tế trụ sở công ty này nằm ở Điện Quang và Điện Trung (Gò Nổi) mà không ai phát hiện.

Trong khoảng 20 HTX (với khoảng 1.000 hộ xã viên) ký hợp đồng trồng ớt (nhiều vụ) cho ba doanh nghiệp chỉ có mỗi HTX (và xã viên) ở Điện Quang là không bị quỵt nợ do đơn vị này biết “nắm đằng chuôi”, buộc doanh nghiệp phải đặt cọc tiền mua ớt trước, thanh toán nợ cũ mới được mua hàng mới. Các HTX khác do cả tin đã bị lừa hàng loạt.

Thất tín và bội tín

Đưa doanh nghiệp đến chỗ “bỏ của chạy lấy người” có một phần trách nhiệm của nông dân, và đây là cái “bệnh” trầm kha của họ. Trong hợp đồng (ký với các HTX) nông dân cam kết là sẽ bán sản phẩm cho các nhà đầu tư, thế nhưng khi thu hoạch lại ào ạt bán ra ngoài. Nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư giống, kỹ thuật, vật tư phân bón cho nông dân trồng ớt nhưng đến khi thu hoạch lại không mua được sản phẩm (hoặc mua quá ít), nên lỗ là điều dễ hiểu.

Vụ đông xuân 2006-2007, huyện Duy Xuyên cam kết vận động nông dân trồng 100 héc ta ớt nguyên liệu cho Công ty Việt Hàn nhưng kết quả chỉ vận động được 29 héc ta. Sản lượng của 29 héc ta này là 720 tấn thế nhưng nông dân bán cho công ty chỉ có 148 tấn (bằng 20%), còn lại bán ra ngoài. Tình trạng này diễn ra với cả Công ty Hàn Việt và Tương Lai.

Cái giá mà doanh nghiệp cam kết mua đảm bảo nông dân có lãi thế nhưng vì tham lãi lớn hơn họ đã bán ớt cho người khác với giá cao hơn. Thông thường sau khi có được diện tích nguyên liệu (tại Quảng Nam), các doanh nghiệp sẽ về Hàn Quốc ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến theo một sản lượng ước định. Thế nhưng vì nông dân bán không đủ sản phẩm cho họ nên dẫn đến việc họ vi phạm hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến.

Trước khi thất tín với nông dân, các doanh nghiệp đã bị nông dân bội tín. Chính cái “bệnh” này của nông dân (Quảng Nam và nhiều tỉnh khác) đã khiến cho không ít nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lao đao, có thể kể như đường, dứa, sắn…

Sự ra đi không kèn trống của ba nhà đầu tư Hàn Quốc để lại nhiều bài học trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Còn chuyện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư chỉ là vấn đề thủ tục, không hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới