Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ KHĐT đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ KHĐT đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021

V.Dũng

(KTSG Online) – Dưới tác động của đại dịch đã có 90% doanh nghiệp lĩnh vực du lịch dừng hoạt động, ngành dệt may lần đầu tăng trưởng âm sau 25 năm, doannh nghiệp vận tải bị bóp nghẹt bởi cước phí tăng kỷ lục và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bộ KHĐT đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021
Doanh nghiệp du lịch lao đao sau 4 lần bùng phát của đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Hiếu Trương

Đây là nhận định của Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021. Dự thảo vừa được Bộ KHĐT gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi báo cáo Thủ tướng cho thấy 8 ngành nghề kinh doanh: du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may; bán lẻ; cơ khí, chế tạo, ô tô; nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vận tải, logistics; hàng không; công nghệ thông tin, viễn thông đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19. Các doanh nghiệp trong ngành đã cố gượng dậy sau năm 2020, kỳ vọng vào dịp Tết 2021 thì dịch bệnh lại bùng phát. Lượng khách đặt tour dịp Tết 2021 giảm mạnh, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu, kiệt quệ.

Có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.

Bên cạnh khó khăn dịch bệnh, VITA cho rằng quy định doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải ký quỹ 500 triệu, giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bị áp giá điện dịch vụ đang khiến doanh nghiệp trong ngành khó khăn hơn.

Cũng theo đánh giá của Bộ KHĐT, dịch Covid-19 đã khiến ngành dệt may Việt Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm 10,5% trong 25 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 chỉ đạt 35 tỉ đô la, giảm 4 tỉ đô la so với năm 2019.

Đại dịch Covid-19 bùng phát lại đang tác động tiêu cực đến ngành dệt may, thời gian tới ngành dệt may còn khó khăn hơn, doanh nghiệp không còn những đơn hàng cũ, nguồn tiền dự phòng giảm dần. Dự báo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thì tới quí 2-2022, tiêu cực hơn đến quí 4-2023, ngành dệt may mới phục hồi về ngưỡng năm 2019.

Trong khi đó, ngành vận tải cũng đang chịu nhiều tổn thất bởi tác động của dịch khi doanh thu của các doanh nghiệp vận tải ô tô giảm 25-50% so với trước khi có dịch. Các thủ tục đề vận chuyển hành khách cũng tăng lên dẫn đến chi phí phát sinh cũng tăng.

"Bi kịch" nhất là ngành vận tải biển bước vào năm 2021 khi giá thuê container tăng gấp 10 lần nhưng chủ yếu là các hãng tàu nước ngoài hưởng lợi. Ngoài ra chuỗi cung ứng gãy, tắc nghẽn, các quốc gia lại có chính sách lưu thông hàng hóa, dịch vụ khác nhau trong bối cảnh dịch bênhj dẫn tới vận tải khó khăn ùn tắc. Thảm cảnh này khiến doanh thu các các công ty vận tải biển khó bù được chi phí.

Trước tình hình này Bộ KHĐT đề xuất giải pháp Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính trình Thủ tướng tiếp tục áp dụng và có sửa đổi chính sách giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động 15 ngày trở lên do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tiếp tục cho áp dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp nhập linh kiện về sản xuất máy thở, hoàn thuế cho doanh nghiệp đã nhập khẩu linh kiện về sản xuất máy thở.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế VAT năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như hàng không, khách sạn, nhà hàng để giảm giá dịch vụ, kích cầu nội địa. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các địa phương giảm thuế VAT về 0% trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vận tải, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô mới đăng ký kinh doanh vận tải.

Với các khoản phí, lệ phí phải nộp, Bộ KHĐT cũng đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 12-2021; giãn đóng phí công đoàn và giảm 50% phí công đoàn trong hai năm 2020-2021; cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2021…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới