Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ máy cồng kềnh hút kiệt ngân sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ máy cồng kềnh hút kiệt ngân sách

Tư Hoàng

Bộ máy cồng kềnh hút kiệt ngân sách
Các chuyên gia cho rằng, bộ máy nhà nước quá lớn là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chương trình tái cơ cấu kinh tế – Ảnh: TG

(TBKTSG Online) – Bộ máy nhà nước đã trở nên đồ sộ, cồng kềnh, chiếm hầu hết nguồn lực và làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Báo cáo dầy 155 trang mang tên “Giám sát và đánh giá quá trình thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế” được CIEM soạn thảo và công bố hôm nay nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo báo cáo này, do tỷ lệ huy động thấp, nhu cầu chi lớn nên từ năm 2012 trở lại đây Việt Nam đang phải chịu tỷ lệ thâm hụt ngân sách khá lớn và luôn trên 5%.

Bắt đầu từ 2013 đến nay, chi thường xuyên được ghi nhận đã tăng trên ngưỡng 70% chi NSNN, trong chi đầu tư phát triển đã co lại xuống dưới mức 20%.

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách giảm mạnh từ đầu năm 2010 đến nay, trong khi tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao, trong đó chủ yếu chi cho bộ máy nhà nước hoạt động, còn các khoản chi cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học hầu như không tăng.

Điều này phản ánh bộ máy hành chính của Việt Nam tương đối cồng kềnh gây áp lực chi thường xuyên lớn, giảm dư địa hỗ trợ của Chính phủ trong việc khắc phục khiếm khuyết của thị trường và hỗ trợ phát triển.

Chi thường xuyên tăng nhanh do số lượng người hưởng thu nhập từ ngân sách ngày càng lớn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì hiện nay có tổng cộng khoảng 8 triệu công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công đang hưởng lương, phụ cấp từ NSNN, tức là cứ hơn 11 người thì có một người hưởng lương từ NSNN.

Báo cáo trích dẫn, một xã đảo ở Quảng Ninh có gần 200 hộ mà có hơn 100 cán bộ ăn lương và phụ cấp; thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều có tới 639 "công bộc" hưởng lương, phụ cấp từ NSNN. Riêng tỉnh Quảng Ninh thì cứ 8,5 người có một người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách.

Số lượng người hưởng lương và ngân sách quá lớn là do cơ cấu tổ chức bộ máy của đất nước quá cồng kềnh. Chỉ riêng cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn đã chiếm hơn 900.000 người, theo Vụ Chính quyền địa phương thuộc Bộ Nội vụ.

Phần lớn trong số này hưởng phụ cấp từ ngân sách, một phần trong số đó là do người dân đóng góp.

Bộ máy nhà nước cồng kềnh không chỉ làm tăng khoản chi thường xuyên từ NSNN mà còn làm tăng thêm nạn hạch sách, nhũng nhiễu và tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Bình luận về điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, ngay cả Quốc hội gần đây cũng nhận định tình hình ngân sách khẩn có nhiều dấu hiệu lo ngại, đặc biệt là chi thường xuyên chiếm tới 70% chi ngân sách là quá lớn.

Báo cáo nhận xét, nếu không có tái cơ cấu triệt để hệ thống bộ máy nhà nước từ thôn lên trung ương thì khoản chi thường xuyên sẽ tiếp tục tăng cao và hiệu quả quản lý nhà nước tiếp tục xuống thấp.

Báo cáo của CIEM gợi ý, việc giảm chi thường xuyên phải gắn liền với đổi mới chức năng quản trị nhà nước. Điều này đòi hỏi cải cách mạnh mẽ hệ thống thể chế ở nước ta chuyển dịch sang mô hình nhà nước kiến tạo, giảm bớt những can thiệp trực tiếp của nhà nước vào thị trường, tăng cường vai trò của thị trường trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công ích và các dịch vụ y tế và giáo dục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới