Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ máy và “biên chế” – ba điều lưu ý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ máy và “biên chế” – ba điều lưu ý

Nguyễn Quang Đồng

(TBKTSG) – Hội nghị Trung ương 6 đã phát đi những tín hiệu mạnh mẽ về cải cách bộ máy nhà nước và tinh giản “biên chế”, với những cam kết chính trị có thể coi là cao nhất trong suốt ba thập niên kể từ sau đổi mới. Tiếp đó, trên diễn đàn Quốc hội cũng như báo chí đang diễn ra những thảo luận rộng rãi về chủ đề quan trọng này. Nhìn lại những chuyển động chính sách và các thảo luận, ba vấn đề lớn có thể rút ra, giúp định hướng tốt hơn, có nhận thức sát và tiếp cận sát đối với một lĩnh vực vốn dĩ phức tạp. 

Thứ nhất, cần minh định rõ “biên chế” và “bộ máy”, từ đó xác lập mục tiêu và phương pháp tiếp cận cải cách phù hợp. Biên chế là hệ quả của bộ máy nhà nước. Tổ chức bộ máy tốt (trong đó, chức năng Nhà nước phù hợp, tinh gọn; ranh giới Nhà nước – thị trường – các tổ chức xã hội được xác lập rõ ràng) là căn cứ để tổ chức nhân sự tốt. Kết quả mong muốn là, tổng thể biên chế bộ máy sẽ giảm xuống nhưng chỗ cần tăng vẫn có thể tăng, chỗ đáng giảm vẫn có thể giảm. Như vậy, mục tiêu chính là “bộ máy” chứ không nên là “biên chế”. Khi thiết lập mục tiêu và kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động, cần xác định đối tượng thay đổi trước hết là chức năng của các cơ quan nhà nước, thứ đến mới là biên chế.

Cần minh định rõ
“biên chế” và “bộ máy”, từ đó xác lập mục tiêu và phương pháp tiếp cận cải cách phù hợp.

Thứ hai, cần nhận thức hợp lý hơn rằng, lợi ích của giảm biên chế không đơn thuần nằm ở tiết kiệm chi ngân sách, cụ thể là chi thường xuyên – lương bổng và chi phí để nuôi biên chế. Cái lợi lớn nhất là chất lượng và hiệu quả của quản trị quốc gia được nâng cao khi có bộ máy tốt và nhân sự tốt. Xây dựng chính sách tốt hơn, thực thi chính sách hiệu quả hơn có thể mang lại những lợi ích khổng lồ cho đất nước. Do đó, cần kết hợp những áp lực ngắn hạn (thâm hụt và căng thẳng ngân sách do chi thường xuyên quá lớn) và lợi ích hứa hẹn về dài hạn để tạo động lực mạnh cho tiến trình cải cách. Làm được điều này sẽ giúp duy trì cam kết và tính bền vững của cải cách bộ máy, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, “đánh trống, bỏ dùi” như các đợt cải cách bộ máy trước đây.

Thứ ba, bộ máy nhà nước là phức tạp, có nhiều khu vực khác nhau, do đó cần có triết lý hướng dẫn và lý luận khoa học làm nền tảng cho tiến trình cải cách. Một ví dụ nhỏ, biên chế hưởng lương từ ngân sách hiện ở trong ba khu vực lớn: khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp và khu vực Đảng, đoàn thể. Dù đều làm việc dưới hình thức biên chế và được bao cấp ngân sách, ba nhóm này có ba chức năng riêng và có những đặc thù khác nhau. Vì vậy, thiết kế các hoạt động cải cách cần nhận thức rõ các đặc thù và có tiếp cận phù hợp với những nhóm này. Không thể “cắt” một cách chung chung, đặt các mục tiêu và áp dụng các giải pháp chung như nhau cho tất cả các nhóm.

Trong ba nhóm này, nhóm các đơn vị sự nghiệp công và nhóm đoàn thể là hai nhóm đang thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ mà phần lớn có thể chuyển giao cho thị trường và các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Các nỗ lực cắt giảm mạnh nên tập trung mạnh vào hai nhóm này (đặt các mục tiêu cao về cắt giảm bộ máy và nhân sự). Trong khi đó, khu vực hành chính, với nòng cốt là nhóm công chức, lại có chức năng và vai trò phức tạp hơn. Với nhóm công chức này, cần thận trọng  (giảm chỗ cần giảm và có thể tăng một số chỗ cần tăng đi kèm với hiện đại hóa và nâng cao năng lực) chứ không phải là “cắt đồng đều” theo các chỉ tiêu mang tính áp đặt.

Triết lý hướng dẫn và nền tảng khoa học giúp lựa chọn mô hình nhà nước, từ đó thiết kế chiến lược, sách lược cải cách cho từng khu vực riêng là tối quan trọng và cần đi trước một bước. Nó cũng giúp tránh được những thất bại từ quá khứ: cải cách manh mún, sát nhập cơ học bộ máy mà hệ quả là càng “cải” bộ máy và biên chế lại càng phình to.

Quyết tâm chính trị và cam kết cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, cả từ phía Đảng lẫn Chính phủ là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cải cách bộ máy luôn là công việc phức tạp và hàm chứa nhiều rào cản và thách thức từ trong nội bộ bộ máy nhà nước. Sự quyết liệt, do đó, cũng cần đi kèm với chiến lược thực thi một cách khoa học, thận trọng và phù hợp hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới