Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bỏ một số nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bỏ một số nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự

Quang Chung

Bỏ một số nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự
 

(TBKTSG Online) – "Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác"; "nguyên tắc tuân thủ pháp luật"; "nguyên tắc hòa giải"… sẽ được loại bỏ khỏi Bộ luật Dân sự, theo Bộ Tư pháp.

Trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, nguyên tắc cơ bản được đề cập là đảm bảo quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Và, mọi cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên.

Vì, trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, thành phần kinh tế, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau. Tất nhiên các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự; đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết, thỏa thuận.

Theo Bộ Tư pháp, dự thảo Bộ luật Dân sự cũng không quy định địa vị pháp lý của hộ gia đình và tổ hợp tác với tư cách là chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự như luật hiện hành, mà thay vào đó điều chỉnh bằng các chế định tương ứng của Bộ luật Dân sự, cụ thể như: điều chỉnh hộ gia đình bằng chế định sở hữu chung, đại diện và các quy định trong một số chế định khác có liên quan; điều chỉnh tổ hợp tác bằng chế định hợp đồng hợp tác.

Vì sao? Vì thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, hộ gia đình và tổ hợp tác không phải là pháp nhân mà chỉ là sự kết hợp của các cá nhân với nhau để cùng đóng góp tài sản, công sức trong thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh chung cũng như tham gia vào các quan hệ dân sự. Trong quan hệ với bên ngoài thì hộ gia đình và tổ hợp tác đều có người đại diện thay mặt các thành viên thực hiện hành vi pháp lý. Đó là chưa nói việc xác định ai là thành viên của hộ gia đình hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong giao dịch dân sự cũng như trong thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân; còn về tổ hợp tác thì sự hình thành, hoạt động hay chấm dứt tổ hợp tác đều dựa trên cơ sở hợp đồng mà không dựa trên địa vị pháp lý của các chủ thể độc lập.

Ngoài ra, sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này có quy định thêm về hình thức sở hữu mới đó là sở hữu pháp nhân (ngoài các hình thức sở hữu toàn dân, sở hữu cá nhân và sở hữu chung hiện nay). Theo Bộ Tư pháp, quy định thêm về sở hữu pháp nhân là để phù hợp với các chế độ sở hữu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 cũng như để đảm bảo nguyên tắc xác định hình thức sở hữu (khi xác định hình thức sở hữu, cần căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của mình chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể của quyền sở hữu như quy định hiện nay).

Một điểm mới nữa của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đó là quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức không còn cứng nhắc. Cụ thể, trong trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý mà hình thức này không được tuân theo nhưng các chủ thể đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thì hành vi pháp lý vẫn có hiệu lực.

Theo Bộ Tư pháp, quy định hiện hành chưa thực sự đứng trên góc độ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch, đặc biệt đối với bên thiện chí. Thực tế cho thấy, bên không thiện chí thường lạm dụng quy định hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ hình thức để bội ước, gây thiệt hại cho bên đối tác, gây mất ổn định trong quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng. Và, trong nhiều trường hợp, giao dịch mặc dù có vi phạm về hình thức nhưng các bên đã thực hiện xong và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba, do đó, việc tuyên bố giao dịch vô hiệu là không phù hợp với lợi ích của các bên, gây mất ổn định trong giao lưu dân sự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới