Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ NN&PTNT: xuất khẩu gỗ đạt 8,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ NN&PTNT: xuất khẩu gỗ đạt 8,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020

Trung Chánh

Bộ NN&PTNT: xuất khẩu gỗ đạt 8,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020
Một đầu mối thu mua gỗ cao su  tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: Phú Li

(TBKTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đến năm 2020 là 8,5 tỉ đô la Mỹ, tức tăng 700-900 triệu đô la Mỹ so với con số dự kiến được đơn vị này đưa ra cho cả năm 2017.

Thông tin trên được Bộ NN&PTNT nêu ra tại hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới” diễn ra hôm nay, 14-10.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, mục tiêu chung trong chiến lược phát triển rừng thời gian tới là nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế của người dân làm nghề rừng…

Còn mục tiêu cụ thể, theo ông Cường, phấn đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 5,5-6% năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu héc ta; đưa năng suất rừng trồng đạt 20 m3 gỗ/héc ta/năm; duy trì ổn định 25 triệu việc làm cho người dân làm nghề rừng.

Đặc biệt, theo ông Cường, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt cao nhất là 8,5 tỉ đô la Mỹ, tức tăng 700-900 triệu đô la Mỹ so với con số dự kiến được đơn vị này đưa ra cho cả năm 2017.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, ông Cường cho rằng, cần tăng cường năng lực thực thi pháp luật, kéo giảm tình trạng vị phạm, trong đó, kéo giảm các vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại 30-35% so với giai đoạn 2011-2015; khoanh nuôi tái sinh 360.000 héc ta rừng/năm; chuyển hóa rừng trồng, kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn 90.000 héc ta…

Thông tin từ Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 5,9 tỉ đô la Mỹ. Với kết quả này, VIFORES dự báo cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt đến 8 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 16% so với năm trước đó.

Thế nhưng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2017 dự báo đạt 7,6-7,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 300-500 triệu đô la Mỹ so với năm trước đó nên đơn vị này đã đề ra mục tiêu như nêu ở trên.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Cường cho biết, kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 cho thấy tổng diện tích có rừng đạt trên 14,3 triệu héc ta, tăng gần 316.000 héc ta so với năm 2015, Độ che phủ rừng tính đến hết năm ngoái đạt 41,19%, tăng chỉ 0,35% so với năm 2015.

Riêng tại khu vực Tây Nguyên, diện tích rừng tiếp tục giảm với diện tích đến năm 2016 đạt hơn 2,5 triệu héc ta, giảm 3.170 héc ta so với năm 2015. Trong đó, rừng tự nhiên đạt hơn 2,2 triệu héc ta, giảm 11.473 héc ta; rừng trồng đạt 324.205 héc ta, tăng 8.304 héc ta so với năm 2015.

Một số địa phương ở Tây Nguyên có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh như Đắk Nông giảm 3.337 héc ta; Gia Lai giảm 1.151 héc ta; Kon Tum giảm 194 héc ta; Đắk Lắk giảm 180 héc ta…

Về tình trạng phá rừng, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ (tương đương 21%) so với cùng kỳ với diện tích rừng bị thiệt hại là 1.257 héc ta, giảm 3.078 héc ta (tương đương 71% so với cùng kỳ).

Riêng khu vực Tây Nguyên, 9 tháng đầu năm nay, phát hiện 3.877 vụ vi phạm, giảm 10% số vụ so với cùng kỳ, nhưng diện tích rừng bị thiệt hại tăng 5% so với cùng kỳ và chiếm đến 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước (1.257 héc ta).

Về khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên, theo ông Cường, 9 tháng đầu năm 2017, có 12 tỉnh (Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Gia Lai) đã khai thác tận thu, tận dụng 18.297 m3 gỗ.

Mời xem thêm:

Xuất khẩu gỗ có thể đạt 8 tỉ đô la Mỹ năm 2017

Khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới