Thứ Tư, 27/09/2023, 11:44
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Bỏ quên nông dân và người nghèo?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bỏ quên nông dân và người nghèo?

Hồ Hùng

(TBKTSG) – LTS: Làm sao để tăng trưởng kinh tế đến với tất cả mọi người rõ ràng có hiệu quả và mang tính bền vững hơn các dự án xóa đói giảm nghèo đơn thuần. Dưới góc nhìn đó, chuyên mục “Sự kiện & Vấn đề” tuần này nhìn lại việc sử dụng vốn ODA sao cho mọi “người dân có thể đóng góp và hưởng lợi từ những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được”, như nhận xét của các nhà tài trợ tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ vào tuần trước.

>>> Khi ODA là dự án dân sinh

>>> Ba mặt của nghèo đói

Những dự án vay vốn ODA đã và sắp được triển khai, phần lớn tập trung vào lĩnh vực giao thông và phát triển công nghiệp. Với những dự án ấy, người nghèo (chiếm tỷ lệ 11,3% dân số), và người ở nông thôn (chiếm khoảng 70% dân số), không hưởng lợi nhiều so với những thành phần khác.

Nông dân, người nghèo thiệt!

Từ những số liệu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) công bố tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) hồi tuần rồi, nếu chịu khó xem kỹ, không khó để nhận ra sự chênh lệch quá lớn giữa nhu cầu vốn ODA cần cho giao thông, phát triển công nghiệp so với y tế, cấp nước và xử lý nước thải, giáo dục, thậm chí với cả lĩnh vực vốn vẫn còn lợi thế của nước ta là nông, lâm và thủy sản!

Theo danh mục nhu cầu đầu tư các dự án nhóm A và các dự án quan trọng giai đoạn 2011-2015 do Trung ương quản lý, nếu chỉ tính các dự án chuyển tiếp, thì nhu cầu vốn ODA dành cho giao thông đã lên đến 237.552 tỉ đồng, chiếm hơn 59% tổng nhu cầu. Trong đó, phần lớn là dành cho các tuyến quốc lộ, đường sắt đô thị, đường cao tốc… và chỉ có 1.890 tỉ đồng thực sự dành cho giao thông nông thôn, nhưng phân bổ cho cả… 33 tỉnh. Còn lĩnh vực công nghiệp, vốn ODA dự kiến dành khoảng 75.729 tỉ đồng, cao hơn hẳn so với con số dự kiến dành cho nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ vào khoảng 38.166 tỉ đồng.

Đó là lý do mà không có gì bất ngờ, khi tổng số vốn còn lại dành cho giáo dục, y tế, cấp nước… những thứ mà người nghèo và nhiều nông dân đang khao khát, quá ít. Y tế cũng chỉ được dành 3.083 tỉ đồng, chỉ đứng trên số vốn ODA khoảng 1.000 tỉ đồng dự định phân bổ cho lĩnh vực văn hóa.

Nhìn vào kế hoạch phân bổ vốn ODA mà Bộ KH-ĐT dành cho những dự án đang tính toán khởi công trong giai đoạn 2011-2015, người ta vẫn thấy lĩnh vực giao thông chiếm vị trí “bề trên”, với 455.193 tỉ đồng, chiếm hơn 56,4% tổng vốn ODA dự định phân bổ. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 8.315 tỉ đồng, còn y tế mất hẳn để dành cho những dự án dài dằng dặc của lĩnh vực công nghiệp và khu công nghiệp…

Nông dân và người nghèo đâu?

Hàng năm, Việt Nam dành khoảng 2.500 tỉ đồng để chi trợ cấp xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục, tạo việc làm… Riêng trong năm qua, Chính phủ đã chi bảo đảm an sinh xã hội với tổng kinh phí khoảng 75.700 tỉ đồng, 64.000 tấn gạo để cứu trợ cho dân và trên 440.000 liều vắc-xin phòng chống dịch bệnh gia súc…

Nhưng phần lớn những khoản chi nói trên là những khoản hỗ trợ cấp thời và số người khó khăn vẫn còn cao. Bởi theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện số người dễ bị tổn thương trong xã hội còn khá lớn, chiếm khoảng 28% dân số. Đó là những người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo và những nông dân vùng xa khó khăn… Số hộ giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao khi gặp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh…

Còn theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chỉ 11,7% dân số nông thôn được sử dụng nước máy và hơn 80% số hộ gia đình nông thôn không có nhà vệ sinh đạt chuẩn… nên dễ mắc nhiều bệnh.

Và khi vốn ODA chỉ ưu tiên cho giao thông và công nghiệp, tức là khi những con đường khang trang xuất hiện, những nhà máy hoành tráng mọc lên, những người dân có điều kiện, tay nghề hoặc có óc kinh doanh, sẽ tập trung về đấy thì càng tạo thêm khoảng cách với những người nghèo trong ngõ hẹp, những nông dân kém chữ vùng sâu. Họ càng dễ bị lãng quên trong guồng máy phát triển.

Đất nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nên việc dành ưu tiên vốn cho các công trình giao thông, công nghiệp, ở góc độ nào đó, là điều dễ hiểu. Nhưng liệu có bất công với nông dân và người nghèo không, khi họ chưa được chú ý đúng mức.

Thậm chí, nhiều người trong số họ phải rời bỏ mảnh đất, thửa ruộng mà bao thế hệ gia đình nhờ đó đã lớn lên, để nhường cho những con đường thênh thang, những khu công nghiệp bề thế? Bao nhiêu người trong số họ sẽ được là công nhân của những nhà máy khi vốn học vấn quá thấp mà sự đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực giáo dục để giúp họ cũng chưa nhiều? Cần có sự phân bổ thỏa đáng hơn đầu tư của Nhà nước cho nông dân và người nghèo.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị CG, ông Benedict Bingham, đại diện cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cũng cho rằng: “Việc tái xác định vai trò của Nhà nước cho phù hợp với nhu cầu của một nền kinh tế mới nổi hiện đại sẽ là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thập kỷ tới. Điều này liên quan đến việc xem xét phân bổ tốt nhất nguồn lực của Nhà nước: nên đầu tư vào hàng hóa công (cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế) hay vào các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước!”.

Phát triển kinh tế song hành với chăm lo an sinh xã hội

Tại hội nghị CG, khi thảo luận các chủ đề, các nhà tài trợ rất quan tâm đến tính bền vững trong dài hạn của nền kinh tế. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, công ăn việc làm, mạng lưới an sinh xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo cho đến biến đổi khí hậu cũng được mang ra thảo luận rất nhiều.

Vấn đề mà họ quan tâm là khoảng cách giàu nghèo, tình trạng người nghèo ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Họ chúc mừng Việt Nam đã đạt thành tích rất ấn tượng trong giảm nghèo từ 19,5% hồi năm 2004, đã giảm còn 14,5% năm 2008, nhưng họ cũng lưu ý Chính phủ cần có sự quan tâm nhiều hơn khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, để tránh sự chênh lệch thu nhập lớn. Họ cũng lưu ý về tiêu chí xác định chuẩn nghèo, cơ quan công bố…

Về lĩnh vực giáo dục, các nhà tài trợ tỏ ra quan tâm đến tình trạng tham nhũng. Ngân sách dành cho giáo dục không nhỏ và đang là mảnh đất cho tham nhũng phát triển. Tham nhũng trong giáo dục còn có mối nguy khác là làm đạo đức suy giảm, sự kính trọng mà xã hội dành cho nhà giáo bị suy giảm, niềm tin của học sinh đối với thầy cô giáo cũng bị xói mòn.

Đại diện các bộ tham dự Hội nghị cũng đã có những thông báo về chính sách, các giải đáp và trao đổi, cho thấy Chính phủ cũng quan tâm nhiều đối với các vấn đề trên, đặc biệt là các vấn đề xã hội, khoảng cách giàu nghèo, đào tạo lao động, nguồn nhân lực, công ăn việc làm.

Võ Hùng Dũng (VCCI Cần Thơ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới