Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Tài chính giữ quan điểm không giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Bộ Tài chính, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chính sách này còn có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do.

Lắp ráp xe ô tô của một liên doanh ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

TTXVN đưa tin, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ. Liên quan đến đề xuất giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện chính sách này.

Bộ Tài chính cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Tài chính đã hai lần trình Chính phủ ban hành các nghị định giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước gồm Nghị định số 70/2020 và Nghị định số 103/2021.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng có các tồn tại, hạn chế như tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước.

Việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngoài việc làm giảm thu ngân sách nhà nước được đánh giá là sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.

Ngoài ra, chính sách này lại có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Thực tế Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng chính sách giữa xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và xe ô tô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Liên quan đến vấn đề này, các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam và EuroCham đã đề xuất phải thực hiện giảm cả đối với ô tô nhập khẩu để đảm bảo cam kết quốc tế đã ký kết.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là kéo dài quá thời gian cần thiết.

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án.

Phương án 1: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Với phương án này, ưu điểm là sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe ô tô tồn kho, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, nhược điểm là chưa tuân thủ quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, các FTA, nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế. Phương án này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000-9.000 tỉ đồng. Đồng thời chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc hạn chế sử dụng xe cá nhân.

Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và cả ô tô nhập khẩu. Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng chưa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, vì người dân sẽ ưu tiên mua xe ô ô nhập khẩu hơn xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đồng thời, nếu thực hiện theo phương án này thì tổng số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sẽ giảm khoảng 15.000-16.000 tỉ đồng, từ đó ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước năm 2023 và đặc biệt là cân đối ngân sách của một số địa phương khó khăn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Giảm giá xe quan trọng hơn nhiều. Để giảm giá xe, không có gì khác hơn thông qua cơ chế cạnh tranh thị trường. Tất nhiên các loại thuế cũng là điều cần thiết. Nhưng vai trò của người tiêu dùng mới là quan trọng nhất. Giai đoạn hiện nay, người tiêu dùng thông minh không có gì phải vội vã. Sức ép giảm giá mạnh đang gây sức ép hàng loạt các thương hiệu lớn. Bên cạnh đó sức cạnh tranh từ xe điện đang tăng lên mạnh mẽ, buộc xe xăng phải tìm cách xả nguồn hàng. Ngư ông hưởng lợi. Người tiêu dùng cứ thong thả nhé.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới