Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Tài chính không đồng ý cho các bộ, ngành và địa phương trả lại vốn ODA

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tính đến hôm qua (1-12) đã có đến 8 bộ, ngành và 35 địa phương đã xin được điều chỉnh kế hoạch đầu tư với tổng vốn ODA, xin giảm 12.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc bộ không đặt vấn đề hoàn trả vốn, bởi dự toán đã giao thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan đề xuất kế hoạch vốn.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành là một dự án dùng vốn ODA bị chậm tiến độ giải ngân vì vướng mắc về thủ tục tài chính, phải tạm ngưng thi công từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Bộ GTVT

Số liệu tại hội nghị với 13 bộ, ngành, 61 địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (viện trợ ODA) 11 tháng năm 2022 và giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 1-12 cho thấy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn khá thấp. Lũy kế 11 tháng, có 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0% và có tới gần 40% số dự án chưa giải ngân đồng nào.

Thông tin tại hội nghị, hiện nhiều bộ, ngành và địa phương xin trả lại vốn. Năm 2022, cả nước có 13 bộ, ngành được phân bổ nguồn vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tài chính đến ngày 30-11 cho thấy, có tới 35/59 địa phương đề nghị giảm tổng cộng hơn 8.800 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn có 8 bộ, ngành đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, với tổng số vốn đề nghị giảm là gần 3.700 tỉ đồng. Con số này không bao gồm 250 tỉ đồng của Bộ Tài nguyên Môi trường và 50 tỉ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm trước đó.

Theo báo cáo từ các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, tổng số vốn giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt hơn 26% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022, tương ứng hơn 9.000 tỉ đồng. Trong đó giải ngân của các bộ, ngành là hơn 4.150 tỉ đồng, đạt 35% và địa phương là hơn 4.860 tỉ đồng, đạt hơn 21% kế hoạch.

Bộ Tài chính đánh giá, con số này gần gấp ba lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm (9,12%), song vẫn thấp hơn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước (khoảng 60% kế hoạch). Đặc biệt, có tới 54 địa phương và 10 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%. Chỉ có 3 bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.

Trong tổng số 294 dự án, tiểu dự án (gọi chung là dự án) trong cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022, có đến 114 dự án chưa giải ngân, với số vốn được giao là 6.235 tỉ đồng, chiếm 18% kế hoạch, 47 dự án giải ngân dưới 20%, 59 dự án giải ngân trong khoảng từ 20-50% và 74 dự án giải ngân trên 50% kế hoạch.

Về nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu, hoặc vướng trong thực hiện hợp đồng với nhà thầu.

Một nguyên nhân khác là do kế hoạch vốn 2021 kéo dài, phải được thực hiện và giải ngân trước 31-12-2022 nhưng kế hoạch vốn kéo dài của năm 2021 được thông báo và giao chậm. Vì vậy, nhiều dự án không thể giải ngân kế hoạch vốn 2022 trước đồng thời kế hoạch vốn 2021 kéo dài giải ngân rất chậm.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét các vấn đề về thủ tục, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, trong đó bao gồm cả kiến nghị điều chỉnh tổng mức chủ trương đầu tư của các dự án.

Quan điểm của cơ quan này là về nguyên tắc không đặt vấn đề hoàn trả vốn, bởi dự toán đã giao thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan đề xuất kế hoạch vốn. Chưa kể, đối với phần vốn ngoài nước, dù hoàn trả nhưng cả trung ương và địa phương vẫn phải trả chi phí cam kết vốn, lãi vay.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhận cũng không dễ gì. Trả cũng rất khó khăn. Vậy thiệt hại gây ra do không/ chậm/ lãng phí sử dụng vốn, tiền treo, lãi phạt… ai sẽ chịu trách nhiệm đây. Tất nhiên, sẽ không có cá nhân nào phải bỏ tiền túi ra, chỉ có quốc khố phải chịu gánh vác thôi. Một điều rất lạ là, câu chuyện này rất cũ, nhưng năm nào cũng thấy “mới”?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới