Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Phải bỏ tội cố ý làm trái…”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Phải bỏ tội cố ý làm trái…”

Tư Giang

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Phải bỏ tội cố ý làm trái...
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh TH

(TBKTSG Online) – Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thiết tha đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm không hình sự hóa các hoạt động kinh tế vì “vận mệnh dân tộc”.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi) sáng nay (16-6), ông Vinh nói: “Những luật về kinh tế có thoáng bao nhiêu chăng nữa mà Luật hình sự bó chặt lại, không rõ ràng, không minh bạch thì không ai dám bỏ tiền làm ăn. Tôi chắc chắn như vậy, và đây là vận mệnh của đất nước”.

Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi đã bỏ tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị giữ nguyên điều này.

Ông Vinh, người được phân công trong Chính phủ quản lý phát triển khu vực doanh nghiệp, tỏ ra lo lắng cho xu thế này: “Tôi đề nghị phải bỏ, tôi ủng hộ việc này (của dự thảo)”.

Ông nói thêm rằng nhiều đại biểu đã phát hiện ra có tới “mấy chục, mấy trăm” trường hợp cụ thể về tôi danh kinh tế quy định trong dự thảo.

Thậm chí, ông nói, có một số đại biểu còn muốn xác định thế nào là trốn thuế, thế nào là trốn đóng bảo hiểm xã hội, thế nào là phải vào tù…, song ông không ủng hộ hình sự hóa các quan hệ kinh tế này.

“Những việc này cố gắng không được hình sự hóa, (thay vào đó) sử dụng các biện pháp để thu hồi và ngăn chặn bằng biện pháp kinh tế thì tốt nhất,” ông Vinh nói.

Ông nhận xét, trong bản dự thảo Luật Hình sự sửa đổi, các đại biểu đang nói rất nhiều đến ba loại tội là kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; và báo cáo sai trong quản lý kinh tế .

Tuy nhiên, với tội kinh doanh trái phép, thì Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua năm 2014 đã quy định rất rõ 6 lĩnh vực ngành nghề cấm, và quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ trưởng cho biết, trong các dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, hầu hết các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đều đề nghị không ghi danh mục nào vào dự thảo.

Như vậy, hai luật Đầu tư, Doanh nghiệp, và các văn bản hướng dẫn đang có mục tiêu rất rõ ràng là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Vì vậy, các luật khác cũng cần theo tinh thần này.

Bộ trưởng nói: “Rõ ràng chúng ta phải hết sức thận trọng. Như vậy, điều này trong Luật hình sự phải phù hợp. Tôi ủng hộ Ban soạn thảo bỏ điều này (kinh doanh trái phép) ra.”

Trong phần nhận xét trước đó, để "vận động" các vị đại biểu, Bộ trưởng Vinh đã viện dẫn Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định rất rõ là mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Bên cạnh đó, thông lệ của quốc tế là cũng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.

Tuy nhiên, ông nói, đây là vấn đề không mới nhưng rõ ràng đang là những trở ngại, những rào cản đối với công cuộc đổi mới sáng tạo, làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư, doanh nhân muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

“Tôi chắc chắn trong gần 41 (đại diện) doanh nghiệp có mặt trong Quốc hội hôm nay cũng như mấy trăm nghìn các doanh nghiệp khác đều phản ánh và rất lo lắng việc này. Nếu bộ luật của chúng ta khái niệm không minh bạch, rõ ràng thì chắc chắn đang là rào cản rất lớn, khi đầu tư kinh doanh chỉ sơ xảy là có thể bị quy tội hình sự,” ông Vinh nói.

Ông nói: “Những hành động về mặt kinh tế phải được xử lý bằng các biện pháp kinh tế, để thu hồi lợi nhuận và khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. Đây là mục tiêu chính của chúng ta, thu hồi những cái họ mong muốn đạt được. Thậm chí có thể phạt nặng hơn rất nhiều những cái mà họ đã chiếm, để ngăn chặn tái diễn trong tương lai”.

Theo bộ trưởng, sử dụng biện pháp hình sự chưa chắc đã đảm bảo được mục tiêu đó. Cho vào tù nhưng tài sản có thể thất thoát, thực tế là đã có rất nhiều vụ án đã xử mà vẫn bị thất thoát, không thu hồi được tài sản.

Ông nói, khi mắc sai phạm kinh tế mà được miễn tử hình, thì cuối cùng họ phải đền bù lại tài sản đó, lại có thể đóng góp cho phát triển.

“Lẽ ra để cho họ sống thì tài sản đó được thu hồi, thậm chí họ còn trở thành anh hùng và đã có nhiều người như vậy”.

“Nếu chúng ta không làm được, vấn đề này sẽ trở thành một rào cản (trong việc) phát triển thêm các doanh nghiệp. Có nhiều đổi mới có thể đi trước và có thể không đúng luật pháp, nếu chúng ta quy vào những tội không rõ ràng sẽ rất nguy hiểm cho đất nước,” ông Vinh nói.

Đọc thêm:

– TBKTSG số 26-2013: Hình sự hóa quan hệ dân sự

– Bộ Tư pháp đề xuất: kinh doanh trái phép không bị hình sự hóa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới