Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ trưởng GTVT: Địa phương không đưa ra quy định riêng ‘làm khó’ vận tải hàng hóa

An Yên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chiều ngày 25-8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc hội nghị trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ông đề nghị các địa phương thống nhất theo chỉ đạo chung của Chính phủ, không đưa ra quy định riêng và không “làm khó” hoạt động vận tải hàng hóa.

Kiểm tra giấy nhận diện có QR Code của phương tiện vận chuyển hàng hóa tại TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Tham dự cuộc hội nghị có đại diện các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng các cơ quan trực thuộc Bộ GTVT, các hiệp hội, doanh nghiệp… Tại cuộc họp, hàng loạt những khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa và nông sản đã được Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan kiến nghị để tháo gỡ nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch Covid-19.

Theo thông tin trên website Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đang kiểm tra hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa tại các tỉnh phía Nam. Hiện nay, có tình trạng một số địa phương ban hành những văn bản cục bộ, phủ định, đi ngược lại những chỉ đạo của Chính phủ, gây khó khăn cho hoạt động vận tải, dẫn đến ùn tắc giao thông. Ông đề nghị các đại biểu tham dự họp tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại một số địa phương, đảm bảo lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ, không để khan hiếm hàng hóa…

Loại bỏ văn bản, giấy phép trái chỉ đạo của Chính phủ

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền đã báo cáo một số địa phương yêu cầu thêm giấy đi đường, không chấp nhận giấy đi đường của các tỉnh khác hoặc yêu cầu kết quả xét nghiệm PRC… như: TPHCM; Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Hải Phòng, Quảng Ninh… gây cản trở hoạt động lưu thông hàng hoá.

Trước thực tế thành phố Cần Thơ bị phản ánh đang gây khó doanh nghiệp, làm ách tắc lưu thông hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng địa phương này là thủ phủ miền Tây Nam Bộ, là điểm trung chuyển lớn, những trục quốc lộ quan trọng đều đi qua thành phố mà hiện nay mỗi ngày chỉ khoảng 3.000-4.000 phương tiện đi, đến và đi qua thành phố là không lớn.

Trong khi đó, TPHCM, Đồng Nai đang ảnh hưởng dịch bệnh, lưu lượng phương tiện lớn hơn rất nhiều song các địa phương này vẫn tổ chức tốt, đảm bảo phòng chống dịch.

TTXVN dẫn lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phải gọi điện “cầu cứu” ông vì xe chở oxy về Sóc Trăng không qua được Cần Thơ. Sau đó, Bộ trưởng GTVT phải gọi điện thoại cho Chủ tịch Thành phố Cần Thơ để xử lý, và ông cho rằng như vậy là địa phương vừa gây khó khăn cho chính mình và cho cả các tỉnh miền Tây.

Để duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, nông sản và phòng chống dịch, Bộ trưởng GTVT đề nghị các bộ, ngành và tỉnh, thành thời điểm này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu (trừ hàng cấm). Các tuyến đường bộ, đường thủy là “luồng xanh” để phục vụ vận chuyển hàng hóa.

“Tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đều được lưu thông; cấp mã QR (QR Code) là để tạo ưu tiên khi qua chốt, chỉ tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm minh với các vi phạm. Khi tổ chức kiểm soát phải đảm bảo không được để ùn tắc giao thông kéo dài, nghiêm trọng.

Nếu xảy ra ùn tắc phải xả chốt ngay để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây bức xúc cho lái xe và ách tắc hàng hóa. Việc cấp QR Code phải tự động toàn bộ, lái xe, chủ phương tiện chủ động cập nhật thông tin nếu có sự thay đổi mà không cần phải làm lại hồ sơ cấp QR Code”, ông Thể lưu ý.

Thống nhất hiệu lực giấy xét nghiệm Covid-19 trong 72 giờ

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết một số địa phương khi triển khai vẫn chưa thực sự thống nhất, còn có những quy định cá biệt, chưa đúng tinh thần chỉ đạo chung nên công tác vận tải hàng hóa, đặc biệt là nông sản gặp nhiều khó khăn.

“Hiện nay, một số chuỗi sản xuất nông sản bị đứt gãy, giá vật tư đầu vào như vật tư, thú ý, thức ăn gia súc, phân bón… tăng cao. Chi phí logistics tăng, container rỗng thiếu… dẫn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù cao, có tính thời vụ nên nếu không kịp thời lưu thông, chế biến sẽ quá thời hạn, chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng chuỗi giá trị gia tăng”, ông Tiến bày tỏ mối lo ngại.

Trong 3 ngày qua, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ khi phương tiện đã có giấy nhận diện QR Code, người trên xe có giấy xét nghiệm nhưng địa phương vẫn không cho lưu thông vào. Nhiều địa phương yêu cầu lái xe phải có giấy xét nghiệm PCR có giá trị trong vòng 48 giờ, không thống nhất với quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế…

“Cần phải quán triệt tư tưởng, nhận thức chung để thống nhất thực hiện, không để ùn ứ hàng hóa, ảnh hưởng tiêu thụ do thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện của các địa phương; phải đảm bảo kết nối thông suốt cung-cầu tiêu thụ, không nên tạo ra ách tắc trong phân phối”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng cho rằng các địa phương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ, hoặc yêu cầu lái xe có giấy xét nghiệm còn hiệu lực vẫn phải xét nghiệm nhanh (test nhanh) trước khi lưu thông qua địa bàn như An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu là không hề có căn cứ khoa học nào mà chỉ gây thêm bức xúc, tạo sự ùn tắc cho phương tiện và gây tâm lý chán nản không muốn đi làm của đội ngũ lái xe trong khi lực lượng này hiện đang thiếu…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các địa phương cần thống nhất về công nhận kết quả xét nghiệm âm tính của phương pháp RT-PCR cũng như test nhanh kháng nguyên và có hiệu lực trong 72 giờ; ưu tiên tiêm vaccine ngừa Copvid-19 cho đội ngũ lái xe, đội ngũ bốc xếp hàng hóa; không yêu cầu cấp giấy đi đường đối với lái xe mà phương tiện đã được cấp giấy nhận diện; không tổ chức trung chuyển hàng hóa.

“Các địa phương khi đưa ra các biện pháp, quy định cần phải đánh giá kỹ những phát sinh không cần thiết có thể gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa”, ông đề nghị.

Theo Bộ GTVT, đến nay đã cấp Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải đường bộ cho khoảng 410.000 xe.

Ngày 24-8, Bộ GTVT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 để thống nhất, dễ dàng áp dụng thực hiện.

Theo TTXVN, mt.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới