Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ trưởng GTVT: Sân bay TSN tắc nghẽn trên trời lẫn dưới đất!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ trưởng GTVT: Sân bay TSN tắc nghẽn trên trời lẫn dưới đất!

Văn Nam

Bộ trưởng GTVT: Sân bay TSN tắc nghẽn trên trời lẫn dưới đất!
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị trực tuyến sáng nay – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ sáng nay 29-12, đã đề nghị UBND TPHCM hỗ trợ đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bởi hiện nay sân bay này đang tắc nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, cả bên trong lẫn bên ngoài.

“Hiện nay ngành giao thông tập trung nâng cấp các sân bay mà trước mắt là sân bay Tân Sơn Nhất. Tân Sơn Nhất tắc nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, cả trong lẫn ngoài sân bay. Bộ Quốc phòng đã giúp rất nhiều trong việc có đất để mở rộng, nâng cấp sân bay này; Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) cũng đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai sớm nhất sân bay Long Thành”, ông Đinh La Thăng nói.

Trước đó vào tháng 10-2015, Bộ Giao thông vận tải cho biết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) sẽ được tăng diện tích đất mở rộng về phía Bắc để nâng công suất từ 20 triệu hành khách lên 25 triệu hành khách mỗi năm. Và diện tích đất để mở rộng sân bay là đất quốc phòng chứ không phải đất dân sinh.

Trong thời gian tới sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục sử dụng hai đường cất cánh và hạ cánh, các đường lăn hiện hữu, chỉ có khu vực đậu máy bay và nhà điều hành được mở rộng về phía Bắc sân bay; số chỗ đậu máy bay sẽ tăng lên 82 vị trí, trong đó có 54 vị trí cho hàng không dân dụng và 28 vị trí đỗ của hàng không lưỡng dụng có thể đáp ứng các loại máy bay hiện đại, so với 40 vị trí đậu máy bay hiện nay.

Tổng diện tích đất của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay là 590,48 héc ta, và diện tích đất của cảng hàng không này dự kiến đến năm 2030 là 598,11 héc ta. Như vậy 7,63 héc ta đất lấy thêm từ đất quốc phòng sẽ được dùng vào việc mở rộng sân đỗ máy bay. Toàn bộ diện tích đất mở rộng sân bay không ảnh hưởng đến đất dân sinh.

Cũng liên quan đến việc cải tạo các sân bay, người đứng đầu ngành giao thông cho biết hiện sân bay Đà Nẵng đang xây nhà ga quốc tế mới để đến năm 2017 có thể thể đón được 13 – 15 triệu khách/năm so với gần 7 triệu khách/năm hiện nay; sân bay Cam Ranh sẽ được khởi công trong quý 1-2016, sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đến cuối năm nay hoàn thành nâng cấp đường băng và đến tháng 5-2016 sẽ hoàn thành nhà ga.

Trình bày kết quả đạt được của ngành giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong năm 2015 ngành giao thông đã khởi công, khánh thành 167 dự án hạ tầng giao thông, trong đó có hoàn thành một số hạng mục quan trọng như mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số đường cao tốc quan trọng khác.

Với nhiều công trình hạ tầng giao thông hoàn thành trong năm 2015 như vậy nên Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá hạ tầng giao thông Việt Nam tăng 9 bậc trong năm nay.

Theo ông Đinh La Thăng, trong năm 2016 và đến 2020, ngành giao thông tập trung hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc. Cụ thể, đến năm 2020 hoàn thành 2.000 km đường bộ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết – Nha Trang, đoạn cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa – Vũng Áng, tuyến Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn, Hà Nội – Bắc Giang, tuyến từ Lạng Sơn đến khu cửa khẩu. Ngoài ra, sẽ tiếp tục hiện đại tuyến đường sắt hiện có để nâng tốc độ vận tải lên 80 – 90 km/giờ, nâng cấp các tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên…

Ông Thăng nhấn mạnh trong số những dự án sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2016 và những năm tiếp theo, các dự án hạ tầng giao thông sử dụng nguồn lực xã hội hóa chiếm 12%, còn lại sử dụng vốn ngân hàng và vốn ngân sách nhà nước.

Xem thêm:

>> Mở rộng sân bay TSN về phía Bắc để đón 25 triệu khách/năm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới