Bộ trưởng KH&ĐT: Có dự án mất 5 năm mới xong quy trình phê duyệt!
Vũ Dung
(TBKTSG Online) – Trong điều kiện nền kinh tế đang thiếu nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là vô cùng đáng quý, đặc biệt là nguồn vốn không hoàn lại. Tuy nhiên, quy trình phê chuẩn diễn ra chậm, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ diễn ra ngày 31-10, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho hay, có ý kiến của doanh nghiệp cho rằng có đến 90% dự án ODA của các cơ quan nhà nước mất trung bình 6 tháng để phê duyệt. Còn của các tổ chức ngoài Nhà nước mất trung bình là từ 12-16 tháng, nếu mỗi dự án có kinh phí trung bình là 1-2 triệu đô la, chỉ với 100 dự án thì nhà nước đã mất khoảng 50-100 triệu đô la/năm vì thủ tục.
Đại biểu Thuý đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) bình luận về ý kiến này.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay, về nguyên tắc sử dụng ODA ưu đãi, đây chính là ngân sách của Nhà nước và việc sử dụng phải đảm bảo tính hiệu quả và nằm trong trần nợ công, bội chi và nợ chính phủ mà Quốc hội đã xem xét.
Theo ông Dũng, quy trình thủ tục được thiết kế rất chặt chẽ, gồm 4 bước: đề xuất dự án; phê duyệt chủ trương; quyết định đầu tư, ký kết hiệp định và triển khai dự án. Quy trình này trên thực tế sẽ phức tạp hơn vì ngoài áp dụng quy định trong nước còn phải đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
“Do đó, thời gian chuẩn bị dự án không chỉ 6 tháng, trung bình từ 2-3 năm, có những dự án phải mất 5 năm mới có thể xong được quy trình này”, ông Dũng nói và cho biết thêm: việc chuẩn bị dự án càng kỹ càng tốt, chất lượng càng cao thì khi triển khai càng nhanh, càng hiệu quả và không làm phát sinh thêm chi phí.
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Dũng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tiếp tục chất vấn.
Theo bà Thuý, trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn về tài chính, nguồn ngân sách tài trợ, đặc biệt là nguồn vốn ODA nhân đạo không hoàn lại càng đáng quý. Nhưng khi làm thủ tục tiếp nhận gặp nhiều khó khăn do thủ tục trong nước gây ra.
Ví dụ như trường hợp của Trung tâm nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng đã thực hiện tốt giai đoạn I của dự án phòng chống HIV và được Chính phủ Mỹ tiếp tục tài trợ giai đoạn II với kinh phí là 4,5 triệu đô la Mỹ.
Tuy nhiên, đơn vị này mất 21 tháng với khoảng 60 văn bản gửi các nơi liên quan nhưng mới chỉ xong được 1/3 giai đoạn phê duyệt. Điều này khiến nhà tài trợ là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phải gửi thư tới chính quyền vì không hiểu nổi các phiền toái của Việt Nam.
“Xin hỏi Bộ trưởng biết về vấn đề này không và Bộ sẽ có giải pháp gì để tháo gỡ?”, bà Thuý hỏi.
Đồng thời vị đại biểu này đề nghị Bộ KH&ĐT phải có đánh giá, xem xét quy trình thủ tục như vậy hết bao nhiêu thời gian ở tất cả các cấp và toàn bộ thời gian đó gây tốn kém thất thoát cho nhà nước là bao nhiêu tiền.
“Tôi cũng muốn hỏi tại sao vốn ODA nhân đạo, không hoàn lại lại phê duyệt phức tạp như vậy, trong khi vốn vay thì lại để tràn lan vô cùng lãng phí”, bà Thuý nói.
Cũng liên quan tới nguồn vốn ODA, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho hay, tại kỳ họp thứ 5, ông đã đưa ra vấn đề không hiệu quả trong dự án ODA hiện nay. Trong đó, có dự án xử lý rác thải tại Hải Phòng có tổng mức đầu tư là hơn 400 tỉ đồng, trong đó 16,2 triệu đô la vốn vay ODA Hàn Quốc và 55,8 tỉ đồng vốn đối ứng của ngân sách. Tuy nhiên, đây là dự án không hiệu quả vì kinh phí biến “rác" thành “phân bón vi sinh” là rất đắt, gấp 4-5 lần chôn lấp. Trong khi đó, việc phân loại rác tại nguồn trong nước chưa hiệu quả.
Theo ông Nhưỡng, hiện nay TP Hải Phòng đã “è cổ” trả 200 tỉ đồng rồi nhưng vẫn còn 200 tỉ đồng nữa.
“Tại sao (quy trình) phức tạp như vậy, đồng chí nói là thủ tục làm chặt chẽ như vậy, tại sao lại không hiệu quả? Tôi đề nghị cần phải xem xét tất cả vấn đề liên quan tới công nghệ xử lý rác, tránh thất thoát nguồn vốn ODA này”, ông Nhưỡng nói.
Trả lời đại biểu, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho hay, chất lượng dự án phụ thuộc vào đơn vị tư vấn. Trong khi đó, đơn vị tư vấn một mặt chất lượng chưa tốt, ngoài ra còn thể hiện ý chí của nhà tài trợ hoặc của nhà thầu.
Hơn nữa, theo Bộ trưởng Dũng, liên quan đến ODA thì không chỉ Bộ KH&ĐT mà còn Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác. “Chúng tôi sẽ cố gắng để làm sao thủ tục nhanh hơn, thuận lợi, minh bạch hơn nhưng vẫn đảm bảo thận trọng theo quy trình pháp luật”.
Về xử lý rác mà đại biểu Nhưỡng nêu về công nghệ rác, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ để sớm ban hành định hướng về thu hút ODA trong thời gian tới theo hướng trong nước làm được, công nghệ trong nước có thì không khuyến khích sử dụng ODA nữa.
Ông Đinh Tiến Dũng Bộ trưởng Tài chính: Tổng số nợ thuế hiện còn lớn Để thu hồi nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp để thu hồi theo đúng quy định của Luật quản lý thuế. Hàng năm, thu nợ đọng thuế đạt khoảng 82% số nợ đọng có khả năng thu. Cụ thể, năm 2016, thu được hơn 40.049 tỉ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Năm 2017, thu được 44.773 tỉ đồng, tăng 12% so với năm trước và 9 tháng đầu năm 2018, thu được 25.382 tỉ đồng, đạt 61% số tiền nợ đọng thuế có khả năng thu hồi. Đồng thời, hàng năm các đơn vị liên quan đã đôn đốc, thu hồi các khoản tiền thuế truy thu, tiền phạt theo kết luận của cơ quan kiểm toán, đạt trên 80% kiến nghị tăng thu. Tỉ lệ nợ đọng thuế trên thu nội địa đã giảm dần qua các năm. Năm 2016 là 8,5%; năm 2017 còn 7,6% và đến cuối tháng 9 năm 2018 còn 7,5%. Tỉ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh. Năm 2016 là 5,6%; 2017 là 4,4% và cuối tháng 9 năm 2018 còn 4,3%. Nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, tỉ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa của Việt Nam hiện nay ở mức khoảng 7,5%, trong khi các nước trong khu vực ASEAN bình quân là 8,5%, các nước OECD là 9,2%. Tính đến cuối tháng 9-2018, vẫn còn khoảng 82.961 tỉ đồng nợ đọng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% trên tổng số nợ đọng thuế, tăng 11% so với thời điểm 31-12-2017. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, và tiền chậm nộp thuế, chiếm tỉ trọng 20% và tăng 6%. Nguyên nhân chủ yếu là do số nợ đọng không có khả năng thu hồi, người nộp thuế chết, mất tích, không có khả năng thu hồi, phá sản…
|
Mời đọc thêm: